Tôn Phương Nam không bỏ cuộc
Tôn Phương Nam không bỏ cuộc trong cuộc chiến bảo vệ mình và người tiêu dùng. Từ lâu, Công ty đã đưa vào vận hành ứng dụng điện thoại (App) trên Google Play và App Store để thông qua mã QR cung cấp nhiều hơn các thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng, nhưng thật khó có thể khắc chế hoàn toàn được với những người cố tình vi phạm pháp luật.
05/05/2023 16:47
Chờ đợi công lý
Ngày 22/10/2021, toàn thể lãnh đạo Công ty Tôn Phương Nam nhận được tin bất ngờ: Công an huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra Công ty TNHH sản xuất và thương mại thép Hùng Cường phát hiện và thu giữ 8 cuộn tôn mạ màu dán tem nhãn Tôn Phương Nam nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Hà Nội khi đó đang đỉnh dịch covid-19, còn TP.HCM vẫn đang chưa khắc phục xong những thiệt hại do dịch gây ra. Nhưng vì thông tin quá nóng và tính chất vụ việc quá nghiêm trọng, anh em cán bộ phòng Kinh doanh Công ty Tôn Phương Nam ở tỉnh Đồng Nai, TP.HCM vẫn sốt sắng chuẩn bị mọi kế hoạch để lên đường ra Bắc, lên Thái Nguyên.
Thế nhưng, sự sốt sắng này đã phải nén lại đến đúng 1 năm sau mới có dịp giải tỏa. Bởi để đảm bảo điều kiện cho các lực lượng chức năng điều tra làm rõ sự thật, tất cả đều phải giữ bí mật.
Xét về mặt quy mô và giá trị vật chất thì 8 cuộn tôn bị làm giả, làm nhái Tôn Phương Nam không phải là quá lớn. Nhưng xét về mặt tổn hại đến thương hiệu Tôn Phương Nam thì quả là rất nặng nề. Là đơn vị liên doanh giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP với Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) và Công ty FIW STEEL SDN. BHD (Malaysia), Công ty Tôn Phương Nam đã có tới 28 năm ra đời và có vị trí rất uy tín trong ngành hàng sản xuất tôn mạ Việt Nam. Nhiều năm liền, sản phẩm tôn mạ kẽm và tôn mạ màu dạng cuộn của Công ty Tôn Phương Nam được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao. Năm 2018, Tôn Phương Nam đạt Thương hiệu Quốc gia. Mới đây nhất, đầu năm 2023, Công ty Tôn Phương Nam là một trong 15 công ty trong ngành vật liệu xây dựng đạt danh hiệu “Hàng Việt Nam Chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn năm 2023”.
Thực tế, vấn nạn bị làm giả, làm nhái không loại trừ doanh nghiệp nào, ngành hàng nào. Và càng là thương hiệu nổi tiếng thì càng dễ là đối tượng bị làm giả, làm nhái. Thủ đoạn chính là mua tôn kém chất lượng từ trôi nổi, sau đó dập nhãn mác của tôn có thương hiệu nổi tiếng lên để bán lại với giá cao. Điều này không chỉ làm cho người tiêu dùng chịu thiệt hại về mặt kinh tế, mà còn khiến các doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao do mất thị phần, qua đó trực tiếp làm giảm uy tín nghiêm trọng của các sản phẩm có sự đầu tư rất lớn cho thương hiệu và đặc biệt, sản phẩm đã từng đạt Thương hiệu Quốc gia như Tôn Phương Nam.
Và Tôn Phương Nam mong đợi một bản án thích đáng, đúng người, đúng tội, để thương hiệu Tôn Phương Nam không bị vi phạm, để một doanh nghiệp làm ăn chân chính luôn được pháp luật bảo vệ!
Sau hơn 1 năm điều tra, vụ án làm giả Tôn Phương Nam cuối cùng cũng đã được diễn ra vào ngày 12/12/2022. Tuy nhiên, kết thúc phiên sơ thẩm, TAND huyện Đại Từ tuyên phạt tội “Xâm phạm sở hữu công nghiệp” cho ba bị cáo và họ bị xử từ 18 tháng tù đến 30 tháng tù, cho hưởng án treo!
Không đồng ý với tội danh trên, Tôn Phương Nam nhận thấy rằng, rõ ràng, các bị cáo đã “buôn bán hàng giả”! Chỉ buộc tội họ “xâm phạm sở hữu công nghiệp” là không thỏa đảng!
Và ngay sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Tôn Phương Nam quyết định kháng cáo và đề nghị xử phúc thẩm.
Tôn Phương Nam không bỏ cuộc
Tại phiên sơ thẩm, lý giải về việc thay đổi tội danh, đại diện Viện KSND huyện Đại Từ cho biết, ban đầu, các bị cáo bị khởi tố, điều tra về tội "Buôn bán hàng giả" nhưng về sau cơ quan tố tụng quyết định thay đổi tội danh. Lý do là vì xét về cấu thành tội phạm cơ bản, hành vi của các bị cáo phù hợp với quy định, chế tài của Điều 226-BLHS.
Theo Viện kiểm sát, tài liệu điều tra chưa chứng minh được nơi sản xuất các cuốn tôn mạ màu dán tem giả. Bị cáo Hùng biết các cuộn tôn không đầy đủ tem mác nên đã nhờ người in tem của Tôn Phương Nam để dán lên đó. Như vậy là có đủ dấu hiệu về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp". Mặt khác, Viện KSND Thái Nguyên đã trưng cầu Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) nhưng Viện này khẳng định: "Hiện không có đơn vị nào có khả năng phân tích được mẫu vật theo yêu cầu nên từ chối giám định tiêu chuẩn chất lượng đối với 8 cuộn tôn thu giữ ".
Không đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát, ngày 27/4/2023, tại phiên phúc thẩm, Luật sư Nguyễn An Nhân (Đoàn Luật sư TP. HCM) là luật sư của Tôn Phương Nam đã viện dẫn: Theo quy định tại khoản 2, Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì “Buôn bán” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.
Trong vụ án này, các bị cáo đã có đầy đủ các hành vi như chào hàng, lưu giữ, vận chuyển, giao nhận tiền để mua bán 8 cuộn tôn mạ màu giả. Điều này được thể hiện rõ qua lời khai của các bị cáo và tại Bản kết luận điều tra cũng như cáo trạng truy tố. Do đó, đủ căn cứ xác định hành vi của Nguyễn Minh Hưng và đồng phạm phạm tội "Buôn bán hàng giả", theo khoản 3, Điều 192 - BLHS.
Hơn nữa, ngoài số hàng trên, các bị cáo khai từng mua của nhau 2 lần khác tổng 10 cuộn tôn là hàng giả Tôn Phương Nam về bán kiếm lời và đã tiêu thụ hết. “Điều này thể hiện việc mua bán hàng giả xảy ra nhiều lần, trong thời gian dài và có tổ chức từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ nhưng tòa sơ thẩm không xem xét, làm rõ tình tiết quan trọng này” - luật sư Nhân nói.
Tuy nhiên, sau 1 ngày xét xử, TAND tỉnh Thái Nguyên vẫn cho rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của Công ty Tôn Phương Nam và hành vi của các bị cáo cấu thành tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp", đúng như bản án sơ thẩm xác định, nên HĐXX phúc thẩm quyết định bác kháng cáo của Công ty Tôn Phương Nam, đồng thời giữ nguyên các quyết định tại bản án sơ thẩm!
Ngẫm lại cả một quá trình kể từ khi vụ án được phát giác cho đến nay là vừa xử xong phúc thẩm với kết quả bị cáo chỉ bị khép tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” cho thấy Tôn Phương Nam không thoả mãn với quyết định phán xét là điều dễ hiểu.
Một doanh nghiệp làm ăn chân chính nhưng phải chịu áp lực từ nhiều phía: Vừa giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh, vừa chống dịch cùng đất nước, đảm bảo sự an toàn cho người lao động trong đơn vị, lại vẫn phải chiến đấu với những hành vi gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây hại cho người tiêu dùng.
Tục ngữ có câu “Cây ngay không sợ chết đứng”. Cây ngay thì không sợ chết đứng, doanh nghiệp làm ăn chân chính thì không sợ gì kẻ gian. Tôn Phương Nam không bỏ cuộc trong cuộc chiến bảo vệ mình và người tiêu dùng. Từ lâu, Công ty đã đưa vào vận hành ứng dụng điện thoại (App) trên Google Play và App Store để thông qua mã QR có thể cung cấp nhiều hơn các thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng, cũng như hỗ trợ nhận biết sản phẩm chính hãng, phân biệt hàng giả, hàng nhái. Mặc dù Tôn Phương Nam đã đi đầu trong công nghệ để tự cứu mình nhưng vẫn cần sự ủng hộ và đồng thuận của pháp luật và xã hội.
Trong 28 năm qua, với phương châm “Che chở mọi công trình”, sản phẩm Tôn Phương Nam SSSC Tôn Việt - Nhật không chỉ "che chở" các công trình trọng điểm quốc gia mà còn hướng đến những mái ấm gia đình, những căn nhà cấp 4 đơn sơ của các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động an sinh xã hội. Vào những dịp tri ân đất nước và người có công, bằng sản phẩm và tấm lòng của mình, Tôn Phương Nam đã hỗ trợ nhiều nghìn mét tôn để lợp lại các căn nhà chính sách có hoàn cảnh khó khăn, nhà tình thương, nhà tình nghĩa... ở khắp các địa phương trên toàn quốc.
Minh Thủy - Tạp Chí Công Thương