Tín nhiệm thấp đưa khỏi vị trí, không chờ hết nhiệm kỳ

Thiết thực kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác Hồ, càng thấy thấm thía hơn những điều Người căn dặn về đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

12/05/2015 17:06

Thiết thực kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác Hồ, càng thấy thấm thía hơn những điều Người căn dặn về đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

125 năm một tấm gương lớn về đoàn kết

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của một Đảng tiền phong, trong hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh không chỉ sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Mùa xuân năm 1930, trên tinh thần: “Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để thống nhất các nhóm cộng sản Đông Dương”, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam do Người triệu tập và chủ trì thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công.

Chủ tịch Hồ Chí Minh “đã dùng uy tín của mình được xây dựng trên cơ sở đạo đức và tác phong gương mẫu” để thực hiện sự đoàn kết trong Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và đoàn kết giữa các dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đoàn kết là vấn đề then chốt, đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết, vì thế có thực hiện được sự đoàn kết, thống nhất thì nguồn sức mạnh của Đảng mới được củng cố và phát huy.

Người cũng khẳng định và yêu cầu rằng: “Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí. Mỗi cán bộ đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối và chính sách của Đảng, tôn trọng nguyên tắc và sinh hoạt của Đảng”. Theo Người, "hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin".

Đây chính là cơ sở quan trọng để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, vì rằng, đoàn kết dựa trên mục tiêu, lý tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng và tình đồng chí thương yêu lẫn nhau làm cho sự đoàn kết chắc chắn và bền vững.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, đồng thời cũng là trung tâm đoàn kết của Đảng ta, Hồ Chí Minh – một mẫu mực của tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng đã bằng tâm, trí, gương để quy tụ, xây dựng và củng cố sự đoàn kết, thống nhất toàn Đảng, trước hết là đoàn kết trong Ban chấp hành Trung ương và trong Bộ Chính trị và trở thành linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân.

Tấm gương đạo đức cách mạng của Người đã khiến “cả bè bạn lẫn kẻ thù đều phải công nhận rằng Người là một nhân vật xuất chúng, đã quên mình hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp độc lập dân tộc và xây dựng xã hội. Đức độ liêm khiết và lòng trung thành tận tuỵ của Người được nhân dân thế giới khâm phục và kính trọng”.

Sức hấp dẫn, quy tụ của Người toả ra từ phẩm cách cao quý, từ lòng nhân ái, bao dung và phong cách một vị lãnh tụ giản dị, gắn bó với nhân dân và hết lòng thương yêu nhân dân, vì nhân dân tận tâm tận lực phụng sự.

Bác luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đảm bảo sự đoàn kết. Ảnh TL

Giữ đoàn kết như "con ngươi của mắt mình"

Đề cập vấn đề giữ gìn và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng trong giai đoạn lịch sử mới, thực hiện những lời căn dặn đầy tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm xây Đảng “vừa là đạo đức, vừa là văn minh”, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… Nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng, nhất là trong gần 30 năm đổi mới đều nhấn mạnh yêu cầu vừa thường xuyên, vừa có tính bức thiết là phải thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng, giữ gìn và củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Để giữ vững vị trí của một Đảng cầm quyền, trước những khó khăn, thách thức khôn lường của thực tiễn, các cấp uỷ Đảng từ Trung ương xuống đến cơ sở phải luôn thấu triệt và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, để không biến Đảng thành câu lạc bộ, thành một tổ chức của những người “làm quan phát tài”. Đặc biệt là luôn phòng chống sự bè phái, lợi ích nhóm và “quan liêu theo kiểu chuyên quyền độc đoán” dẫn đến ngày càng rời xa nhân dân.

Theo đó, cấp uỷ Đảng ở cơ sở phải “tiêu biểu được ý chí thống nhất của Đảng”, cần phải “đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cục bộ, bản vị, địa phương chủ nghĩa, chống chủ nghĩa cơ hội và mọi biểu hiện bè phái trong Đảng”. Mỗi chi bộ của Đảng phải thực sự là một hạt nhân lãnh đạo quần chúng, đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng và để làm được điều đó, cần thực hiện đầy đủ dân chủ trong sinh hoạt Đảng, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình một cách trung thực, thẳng thắn với tình đồng chí, tôn trọng, thương yêu nhau.

Trong mọi thời điểm, phải thấm nhuần lời Người căn dặn trong Di chúc: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đây không chỉ là nhiệm vụ trọng yếu, là yêu cầu bức thiết của một Đảng cầm quyền trước mỗi bước chuyển của cách mạng, mà còn là cách tốt nhất để “củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, để Đảng trong sạch, khoẻ mạnh, để “dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Tiếp tục thực hiện theo những chỉ dẫn của Người, đưa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI vào thực tiễn cuộc sống gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03- CT/TW của Bộ Chính trị, mỗi tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình; phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng; đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia và nhất là cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguyên nhân, hiện tượng mất đoàn kết.

Song song với đó, cần kịp thời biểu dương các tấm gương cá nhân, tập thể điển hình, có biện pháp cụ thể, thiết thực giúp cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng và đưa những người không đủ năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, có tín nhiệm thấp ra khỏi vị trí công tác chứ không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác…

***

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng “những gì thuộc về Người, từ phẩm chất đến hành động, vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam, nhân dân các dân tộc yêu độc lập, tự do, hoà bình, công lý và những người tiến bộ trên trái đất. Tấm gương anh hùng và tấm gương đạo đức sống tràn đầy tình yêu Tổ quốc và nhân dân một cách tự nguyện đó đã được truyền lại cho các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam ngày nay”.

Thiết thực kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người, càng thấy thấm thía hơn những điều Người căn dặn về đoàn kết, thống nhất trong Đảng, để Đảng luôn trong sạch vững mạnh xứng đáng với vai trò tiền phong. Trên tinh thần đó, việc giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu đó chính là trách nhiệm lớn lao của mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng/.