Thủ tướng xác định tầm nhìn dài hạn cho ngành Công Thương
02/02/2018 09:28
Gần 2 năm trở thành người đứng đầu Chính phủ, phát biểu tại hàng trăm cuộc đi thăm, cuộc họp, hội nghị, diễn đàn, chưa bao giờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại trăn trở như phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương vừa qua với 9 câu hỏi “làm sao?”.
9 câu hỏi trăn trở
Năm 2017 là một năm nhiều thử thách nhưng cũng là năm đánh dấu bước chuyển khá căn bản của ngành Công Thương trong quá trình đổi mới và tái cơ cấu ngành. Tất cả các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao đều thực hiện đạt và vượt, trong đó nhiều chỉ tiêu có mức vượt xa yêu cầu đề ra.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2017 và triển khai kế hoạch 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hai lần dùng cụm từ “xuất sắc, toàn diện” để biểu dương nỗ lực của ngành.
Thủ tướng cũng dành nhiều thời gian phân tích, đánh giá cao những thành tựu nổi bật của ngành: Chỉ số công nghiệp chế biến chế tạo tăng 14,4%, cao nhất trong 7 năm qua; xuất khẩu tăng 21,1%, vượt gần 3 lần so với kế hoạch Quốc hội giao; thương mại nội địa tăng trưởng ở mức 2 con số… đã góp phần vào động lực quan trọng giúp tăng trưởng GDP đạt 6,81%.
Song, vượt lên tất cả, Thủ tướng dành đến hai phần ba thời lượng trong bài phát biểu hơn 1 giờ đồng hồ để xác định tầm nhìn dài hạn cho ngành Công Thương với 9 câu hỏi “làm sao”: (i) Làm sao trong các năm tới sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa phải có chiều sâu hơn nữa trong phát triển? (ii) Làm sao thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp? (iii) Làm sao ngành Công Thương ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường? (iv) Làm sao thúc đẩy sản xuất theo hướng xuất khẩu và đồng thời giữ vững thị trường trong nước? (v) Làm sao tìm ra giá trị gia tăng mới thông qua công nghiệp chế biến ở Việt Nam? (vi) Làm sao lực lượng sản xuất mới của công nghiệp, thương mại không chỉ ở tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mà chủ yếu phải là tư nhân, hợp tác xã? (vii) Làm sao các tỉnh đều thặng dư ngân sách nếu đi từ thế mạnh công thương, công nghệ thông tin? (viii) Làm sao công nghiệp, thương mại hướng vào nông nghiệp, nông thôn? (ix) Làm sao phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam?
Thủ tướng đề cập đến 9 vấn đề nói trên trong bối cảnh kinh tế nước ta đang khởi sắc: Lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành toàn diện và vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc, môi trường đầu tư tăng 14 bậc; tạo dựng niềm tin khởi nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục gần 127 nghìn, với số vốn đăng ký mới và bổ sung trên 3 triệu tỷ đồng; đồng thời có trên 26 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, và trên hết GDP tăng trưởng cao nhất trong gần 10 năm qua, điều đó có ý nghĩa gì?
Gửi gắm ngành Công Thương
Vì có lẽ điều trăn trở nhất của Thủ tướng là đất nước phồn vinh, thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua sự cất cánh của doanh nghiệp. Trong hơn 1 giờ đồng hồ, Thủ tướng trở đi trở lại với vấn đề doanh nghiệp: “Phải coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương, phải bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ”; “Phải học từ Sabeco, mọi doanh nghiệp Nhà nước, cả ngành Công Thương sớm đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch”; “Phải nâng cao tâm thế, uy tín doanh nghiệp Việt Nam, hàng hóa Việt Nam”…
Cả 9 câu hỏi “làm sao”, thực chất cũng đều nhắm đến giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp.
Trong số hơn 3 triệu tỷ đồng doanh nghiệp bỏ vào kinh doanh và tạo ra gần 1,2 triệu việc làm năm 2017, có một phần đến từ các quyết định đột phá, cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh (chiếm 55,3%). Trong số trên 213 tỷ USD xuất khẩu, có một phần đến từ quyết định xóa bỏ 420 mã HS phải kiểm tra trước thông quan (58,3%); cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 451 thủ tục hành chính; triển khai 161 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một Cổng dịch vụ công trực tuyến thống nhất của Bộ Công Thương…
Để giải phóng nguồn lực cho hiệu quả nhất, Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương đổi mới tư duy, chính sách phải có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường đầu tư ổn định. Từ phương châm của Chính phủ “10 chữ” cho năm 2018 (Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả), Thủ tướng gợi ý: “Vậy phương châm hành động của ngành Công Thương là gì để có thể thúc đẩy cái này? Phải chăng đó là đổi mới, đổi mới hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; sáng tạo, sáng tạo hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa?”.
Thủ tướng đề nghị “Các đồng chí phải có một tầm nhìn mới, quyết tâm mới, đặc biệt là một chương trình hành động sống động, quyết liệt đặt ra cho ngành Công Thương để hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu năm 2018, đặt nền tảng cao hơn, lâu dài hơn cho hội nhập phát triển đất nước”.
Trong bài phát biểu của mình, các cụm từ “đi đầu”, “tiên phong”, “dũng cảm”, “không chùn bước”, “vượt qua chính mình”… được Thủ tướng nhiều lần nhắc đến, vừa xác định tầm nhìn, vừa kỳ vọng và đặt ra yêu cầu rất cao với ngành Công Thương; lại vừa như lời khích lệ động viên, gửi gắm niềm tin vào một ngành có vị thế, nắm đến 70% GDP quốc gia, do đó, mỗi sự đổi mới, mỗi bước đột phá đều có khả năng kích hoạt lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Những trăn trở của Thủ tướng cho thấy, dù đất nước, ngành Công Thương đã đạt những thành tựu vượt bậc, thì xét trên tổng thể, trên đường đua không chỉ có chúng ta; không chỉ phấn đấu sao cho ngày hôm nay nhanh hơn ngày hôm qua, mà còn phải khẩn trương rút ngắn khoảng cách phát triển với các đối thủ đi trước. Ở thế đi sau, nên họ đi nhanh thì chúng ta phải chạy. Bối cảnh mới, nhiệm vụ mới đang đặt ra những yêu cầu, những giải pháp mới phải có tầm nhìn xa, mang tính hệ thống, chiến lược, đột phá về quan điểm phát triển.