Thủ tướng nêu rõ thông điệp chính sách cho khởi nghiệp
30/11/2018 10:20
Chiều 29/11, tại TP. Đà Nẵng, dự Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sẽ thiết kế chính sách theo tinh thần Chính phủ kiến tạo và khởi tạo, tức là là chấp nhận và chia sẻ một phần rủi ro với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính phủ cũng xem xét về cơ chế “kích cầu” cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Dành hơn 2 tiếng rưỡi lắng nghe các ý kiến, phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, ghi nhận những ý kiến xác đáng của những người bước đầu khởi nghiệp, có ý tưởng khởi nghiệp, các nhà quản lý… “đây là những kinh nghiệm rất tốt”.
Khuyên thanh niên dám chấp nhận thất bại
“Chính phủ và các bộ, ngành sẽ xem xét một cách nghiêm túc những ý kiến, đề xuất hôm nay”, Thủ tướng nói và biểu dương vai trò của Ban Tổ chức diễn đàn, đặc biệt là Trung ương Đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã chủ động nắm bắt xu thế, tạo kênh kết nối, đối thoại hữu ích giữa Chính phủ, các thành viên Chính phủ và cộng đồng thanh niên, trí thức trẻ tiên phong trong khởi nghiệp sáng tạo.
Thủ tướng cho biết, so với cách đây hai năm, khi ông dự lễ khởi xướng “Năm quốc gia khởi nghiệp” (năm 2016) thì đến nay có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. “Sự háo hức, sáng kiến, kiến nghị của các bạn hôm nay nói lên khát vọng thành công”.
Thủ tướng nhìn nhận, từ trước đến nay, chưa bao giờ khởi nghiệp ở nước ta phát triển mạnh mẽ như thời gian qua.
Thủ tướng tọa đàm với đại diện các doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Vì thế, Thủ tướng đặt một niềm tin rất lớn vào thế hệ trẻ, được đào tạo bài bản, đã và đang nỗ lực tiếp bước ông cha trong xây dựng và phát triển đất nước. Trong những câu chuyện thành công về khởi nghiệp ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia khác, Thủ tướng nhận thấy có một số điểm chung để khởi nghiệp thành công: Đó là đam mê, khát vọng, dám nghĩ dám làm và đặc biệt là không sợ thất bại. Không có đam mê và khát vọng thì không thể “dốc hết trái tim, trí tuệ và nhiệt huyết của mình” cho mục tiêu hướng đến. Không dám nghĩ, dám làm thì không thể đi đến cùng với thách thức. Điều đó cũng có nghĩa là có tầm nhìn mà không có hành động cụ thể. “Thất bại là mẹ thành công. Nếu sợ thất bại thì chắc chắn bạn sẽ không thể thành công”. Dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám chấp nhận thất bại để thành công là tinh thần để mạnh dạn khởi nghiệp sáng tạo.
“Diễn đàn này đưa đến cơ hội cho nhiều đại diện ưu tú của cộng đồng khởi nghiệp trẻ với những dự án khởi nghiệp táo bạo gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và truyền lửa cho nhau. Rất nhiều bạn trẻ đã đạt được nhiều thành công ấn tượng ở phạm vi quốc tế”, Thủ tướng nói. Đây là tin vui cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt và cho đất nước.
Cho biết Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã đứng thứ 3 trong ASEAN, Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ quyết tâm, tạo mọi điều kiện để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lớn mạnh và hoàn thiện hơn nữa trong những năm tới đây. Thị trường Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, “là điều kiện tốt để có thể đón nhận những sản phẩm của các bạn sáng tạo ra”. “Chúng ta đang có một nền kinh tế đa dạng và đầy đủ nguồn lực để giúp các bạn thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình, dù đó là vốn đầu tư, công nghệ hỗ trợ, nguyên liệu hay các yếu tố để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp”.
Thủ tướng chào mừng các đại biểu dự Diễn đàn - Ảnh: VGP/ Quang Hiếu
Tạo sân chơi cho đổi mới sáng tạo
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, những tiến bộ kể trên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mong muốn, chưa tạo được môi trường khởi nghiệp thực sự thuận lợi và hiệu quả.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm và đặt khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng.
Ghi nhận các ý kiến tại diễn đàn như cần có khung pháp lý để có giải pháp thiết thực hơn cho khởi nghiệp sáng tạo, cũng như cần có cơ chế vốn, tài chính, thủ tục hành chính thuận lợi hơn, cần có sàn chứng khoán cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hay việc đem ý tưởng thế chấp ngân hàng để vay vốn, Thủ tướng nhấn mạnh, tóm lại, phải đổi mới chính sách mạnh mẽ, tạo sân chơi cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam.
Theo đó, phải đẩy mạnh triển khai Đề án 844 về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 khi mà hiện nay mới 34 địa phương ban hành kế hoạch thực hiện.
Nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler- nguyên Giám đốc Điều hành WEF phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Liên quan tới vấn đề vốn cho khởi nghiệp sáng tạo và các cơ chế tài chính, tạo lập quỹ đầu tư khởi nghiệp và huy động nguồn vốn từ cộng đồng, từ các doanh nghiệp lớn trong nước, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 này. Cần thiết kế chính sách theo tinh thần Chính phủ kiến tạo và khởi tạo, khởi tạo ở đây là chấp nhận và chia sẻ một phần rủi ro với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, vì đây là một lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và nhiều rủi ro.
Bộ KH&CN nhanh chóng có giải pháp để phát huy Quỹ phát triển khoa học và công nghệ doanh nghiệp, làm sao để những quy định có thể hỗ trợ và thúc đẩy tinh thần sáng tạo, đổi mới trong doanh nghiệp. “Người ta nói với Thủ tướng là ông phải hỗ trợ cho người chiến thắng, người chạy marathon mà có huy chương chứ ông đừng hỗ trợ từ đầu mà tạo ra bao cấp”, Thủ tướng chia sẻ và nhấn mạnh: Đây là vấn đề cần suy nghĩ trong thiết kế chính sách. Chính phủ xem xét về cơ chế “kích cầu” cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.
Chính phủ sẽ yêu cầu các bộ nghiên cứu để có định hướng rõ nét về từng lĩnh vực cụ thể, từng vướng mắc từ hạ tầng, khung pháp lý, về thị trường, dựa trên đánh giá về thị trường của khu vực và quốc tế... nhằm đồng hành với doanh nghiệp.
Vạn sự khởi đầu nan, nhưng Thủ tướng tin tưởng: “Tuổi trẻ có thể làm việc lớn, tương lai phụ thuộc vào các bạn” và mong Việt Nam có thêm nhiều người trẻ tuổi góp phần làm thay đổi thế giới, đưa Việt Nam ra biển lớn, để nước ta giàu mạnh, không thua kém bất cứ dân tộc nào, đưa Truyền thuyết Thánh Gióng thành hiện thực./.