Thứ trưởng Công thương nói gì về sức ép cạnh tranh thời hội nhập?
22/04/2015 09:24
Hội nhập khiến doanh nghiệp lo lắng nhưng sự lo lắng của doanh nghiệp suy cho cùng là sức ép cạnh tranh và sự lo lắng này là không hợp lý, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhận định tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015.
Thuế mặt hàng "nhạy cảm" chưa chắc về 0%
Thứ trưởng Khánh cho biết, việc hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho kinh tế Việt Nam cụ thể như việc mở rộng thị trường cho xuất khẩu khi nhiều mặt hàng không thể vượt qua rào cản sức mua nội địa.
Đồng thời, Việt Nam có thu hút vốn, công nghệ và điều kiện đầu vào giá tốt nhất cho sản xuất hàng xuất khẩu, mở cửa dịch vụ nước ngoài mang lại nền tảng dịch vụ tốt cho sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Khánh, kinh tế Việt Nam đã bắt đầu sự đổi mới lần 2 qua chủ trương của Nhà nước về việc cơ cấu nền kinh tế dựa vào cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống tài chính, đổi mới tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu.
"Với chủ trương mới như vậy chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần nỗ lực mới trong hội nhập sâu và rộng hơn để hỗ trợ tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế", Thứ trưởng Khánh nhận định.
Phân tích cụ thể về các Hiệp định đã ký kết và có khả năng ký kết trong tương lai, Thứ trưởng Khánh cho biết, thời điểm này hội nhập thông qua những hiệp định quan trọng như AEC, TPP, FTA Việt Nam - EU... đã khác so với trước đó.
Trước một số ý kiến quan ngại của doanh nghiệp và người dân chưa biết những tác động, thay đổi từ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Thứ trưởng Khánh thông tin, hiện nội bộ ASEAN cũng chưa biết rõ mặt hàng nhạt cảm như gạo, đường có về 0% hay không do một số ý kiến đang yêu cầu đàm phán lại.
Cũng theo Thứ trưởng Khánh, AEC hình thành trên một số trụ cột mới tuy nhiên lộ trình cắt giảm thuế đã được hình thành cách đây 20 năm và Việt Nam vẫn đang thực hiện theo lộ trình đã đề ra.
"Cho đến giờ phút này các nước ASEAN đã đi đến chặng cuối tự do hóa dịch vụ nhưng cam kết của hầu hết các nước ASEAN chưa bằng Việt Nam. Về dịch vụ đến cuối năm nay chưa thay đổi. Riêng về đầu tư cũng còn khá nhiều rào cản", Thứ trưởng Khánh thông tin thêm.
Thứ trưởng Khánh cũng đưa ra dự báo, đến cuối năm 2015 thậm chí năm 2016 sẽ không có sự thay đổi đột ngột.
Với TPP, Thứ trưởng Khánh cho biết, TPP đang ở giai đoạn đàm phán cuối cùng nhưng việc đàm phán TPP nổi lên 2 vấn đề khó nhất là thẩm quyền đàm phán nhanh của tổng thống hoa Kỳ và đàm phán song phương giữa Nhật và Hoa Kỳ.
Trong khi đó, đàm phán với Liên minh châu Âu EU đã đạt được thỏa thuận nhiều vấn đề, coi trọng chất lượng và nếu 2 bên có đủ linh hoạt có thể kết thúc đàm phán sớm.
"Không cần quá lo lắng"
Theo đó, Thứ trưởng Khánh cho biết, không cần quá lo lắng về các hiệp định vì mọi kiến nghị của Việt Nam đều được bao chùm trong các Hiệp định TPP và Liên minh châu Âu EU hướng tới sự xóa bỏ rào cản, minh bạch trong vấn đề mua sắm Chính phủ, mở ra cơ hội cho các mặt hàng nông sản được xuất khảu với thuế suất bằng 0%...
"Sự lo lắng của doanh nghiệp suy cho cùng là sức ép cạnh tranh và là sự lo lắng không hợp lý vì bản chất nếu không cạnh tranh nổi sẽ phá sản", Thứ trưởng Khánh nêu quan điểm.
Lấy ví dụ cụ thể về lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng cho rằng, khi nông nghiệp mở cửa, chắc chắn sẽ có khó khăn, nông nghiệp sẽ không thể cạnh tranh nếu tiếp tục cách làm cổ điển, manh mún như hiện nay.
Đặc biệt, Thứ trưởng Khánh còn cho biết, qua trao đổi với các nước tham gia TPP về việc làm sao để doanh nghiệp vượt qua thách thức, phản hồi của lãnh đạo các nước TPP cho biết doanh nghiệp tự nghiên cứu chủ yếu thông qua các Hiệp hội thay vì hỏi nhà nước vì điều hiển nhiên nhà nước, đoàn đàm phán sẽ nói tốt.
"Họ thường đi thuê tư vấn, các hiệp hội nghiên cứu xong đặt ra yêu cầu cho đoàn đàm phán và giám sát trong khi Việt Nam đã có Hiệp hội hay doanh nghiệp đặt hàng Viện nghiên cứu nghiên cứu tác động của TPP, FTA hay chưa?", Thứ trưởng đặt câu hỏi.
Tuy nhiên phản hồi về điều này, tại phiên thảo luận, TS. Cấn Văn Lực lại cho biết, một nửa doanh nghiệp phải chủ động nhưng Chính phủ và Bộ chủ quản cần định hướng và hỗ trợ nhiều hơn.
"Tôi không đồng tình với Thứ trưởng Khánh vì 11 nước còn lại trong đàm phán TPP khác Việt Nam do họ phát triển hơn mình, doanh nghiệp hội nhập hơn và lâu hơn Việt Nam nên Chính phủ và bộ chủ quản cần định hướng và hỗ trợ nhiều hơn và cần cân nhắc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài", ông Lực kiến nghị.