Thị trường vật liệu xây dựng trong nước: “Gồng mình” chống hàng lậu
23/08/2016 10:29
Nhiều loại vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc xuất sứ như tôn, thép, gạch, ximăng, đồ trang trí nội ngoại thất, thiết bị vệ sinh... đang tràn vào Việt Nam. Việc để những mặt hàng lậu này lưu thông trên thị trường không những gây thiệt hại về kinh tế, uy tín thương hiệu doanh nghiệp, mà còn có nguy cơ gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng trong nước.
Theo số liệu thống kê từ ngành hải quan cho thấy, số vụ phát hiện, bắt giữ liên quan đến các mặt hàng vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc nhập lậu vào Việt Nam trong thời gian gần đây lên đến trên 60 vụ có tang vật là các mặt hàng như: Gạch tráng men và không tráng men, gạch ốp lát, gạch lát sàn, các loại mặt hàng thép không gỉ, dây thép hợp kim, thép hình, ống nhựa uPVC,… Trong đó, địa bàn trọng điểm là khu vực cửa khẩu các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai và Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều đáng bàn là các loại vật liệu xây dựng được nhập lậu trái phép vào Việt Nam thường “hóa phép” thành các thương hiệu nổi tiếng, không được kiểm soát, nếu sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người tiêu dùng, đặc biệt là đối với người già và trẻ em.
Cũng theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2016, qua công tác kiểm soát hải quan, ngày 06/01, Đội Thủ tục hàng hóa XNK - Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV3 - Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra thực tế lô hàng nhập khẩu của 01 doanh nghiệp. Hàng hóa theo khai báo gồm: 4687,2 m2 gạch ốp lát không tráng men 0,3x0,3m; 504 m2 gạch ốp lát không tráng men 0,6x0,6m. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, hàng nhập khẩu sai khai báo về số lượng, chủng loại mặt hàng, cụ thể như sau: 2.723,22 m2 gạch ốp lát tráng men, hoa văn 0,6x0,9m; 4.300,8 m2 gạch ốp lát tráng men, hoa văn 0,8x0,8m.
Chưa hết, ngày 04/4, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 - Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với một doanh nghiệp về hành vi nhập khẩu hàng không khai báo. Hàng hóa vi phạm bao gồm 52 tấn thép không hợp kim cán phẳng, trị giá hàng hóa vi phạm là trên 475 triệu đồng.
Và mới đây nhất, vào ngày 11/06, Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến - Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh phát hiện một vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đối tượng nhìn thấy lực lượng chức năng đã vứt bỏ 300 thùng gạch men để bỏ chạy.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Nguyễn Khánh Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải Quan cho biết: “Phương thức thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là vận chuyển trái phép qua đường mòn, lối mở khu vực cửa khẩu đường bộ; hàng nhập khẩu khai báo sai về số lượng, tên hàng, chủng loại mặt hàng, hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu, khai báo sai về trị giá, nhập khẩu hàng hóa không khai báo, nhập khẩu hàng bao bì ghi dẫn chỉ giả mạo về nguồn gốc nơi sản xuất, đóng gói”.
Thực tế này cũng cho thấy, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của lực lượng hải quan và quản lý thị trường vẫn còn nhiều hạn chế. Việc để các loại vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc xuất sứ tràn lan trên thị trường không những làm mất niềm tin đối với người tiêu dùng, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cũng như chất lượng sản phẩm của những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước.
Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Tổng cục Hải quan thì hoạt động đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại luôn được Tổng cục hết sức quan tâm, đặc biệt là việc triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong các lĩnh vực nóng. Cùng với đó là việc tiếp tục hoàn thiện các thể chế, quy trình nghiệp vụ… để kịp thời ngăn chặn, giải quyết dứt điểm vụ việc buôn lậu, gian lận hàng hoá nghiêm trọng.
Kiên quyết trong việc chống hàng giả, hàng nhái, tại Hội thảo chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò doanh nghiệp mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định: Việc chống hàng giả, hàng nhái là việc làm cấp thiết và cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp.
Như vậy, có thể khẳng định các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, việc để các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuấ sứ, đặc biệt là vật liệu xây dựng lậu tràn lan như đã nêu ở trên đã khiến dư luận hoài nghi về sự nghiêm minh của đội ngũ cán bộ trực tiếp “xuống tay” xử lý hàng giả, hàng nhái. Vậy đâu là nguyên nhân cốt lõi?