Thép xây dựng bắt đầu vào mùa giảm giá

Sau một thời gian tăng trưởng mạnh, những ngày gần đây, tiêu thụ thép đã bắt đầu giảm. Các chuyên gia dự báo, tiêu thụ thép sẽ tiếp tục giảm do đã sắp vào mùa mưa và sang tháng 7 âm lịch, lượng các công trình khởi công mới sẽ ít đi đáng kể do tâm lý người dân không muốn khởi công xây nhà vào tháng này.

21/07/2016 16:44

Sau một thời gian tăng trưởng mạnh, những ngày gần đây, tiêu thụ thép đã bắt đầu giảm. Các chuyên gia dự báo, tiêu thụ thép sẽ tiếp tục giảm do đã sắp vào mùa mưa và sang tháng 7 âm lịch, lượng các công trình khởi công mới sẽ ít đi đáng kể do tâm lý người dân không muốn khởi công xây nhà vào tháng này.

Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy: 6 tháng đầu năm 2016, các sản phẩm thép tăng trưởng mạnh cả về tiêu thụ và sản xuất, với mức tăng trưởng trên 35%, riêng thép xây dựng tăng trưởng gần 30%.

Trong tháng 6, sản xuất thép đạt 1.524.685 tấn, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2015. Về bán hàng, trong tháng 6/2016, các sản phẩm thép tiêu thụ đạt 1.021.982 tấn. So với cùng kỳ năm 2015 tăng khoảng 2,2%.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, sản phẩm tôn có mức tăng trưởng tốt. Riêng tháng 6, lượng tôn mạ kẽm và tôn mạ màu của các doanh nghiệp là thành viên của VSA đạt 340.130 tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2015.

Về bán hàng, tháng 6, sản lượng tôn tiêu thụ đạt 247.909 tấn, tăng tới 36,9% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, xuất khẩu cũng đạt 135.463 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số DN có mức tăng trưởng tốt như: Tôn Hoa Sen chiếm tới 31,4% thị phần; tôn Nam Kim chiếm 14,8%; tôn Đông Á chiếm 13,6%; tôn Phương Nam chiếm 8,1%...

Tuy nhiên, bước sang quý III này, lượng thép tiêu thụ và giá đều giảm, khiến cho một số doanh nghiệp chuyên cán thép gặp khó. Dự báo, nhu cầu sẽ giảm cả về tần suất và biên độ, như khu vực phía Bắc sẽ giảm khoảng 5 lần, giá trị giảm 800-1.150 nghìn đồng/tấn thép xây dựng; Khu vực phía Nam giảm khoảng 4 lần, giá trị giảm 700-800 nghìn đồng/tấn thép xây dựng.

Đáng chú ý, việc bị ảnh hưởng do giá bán thép liên tục giảm được phân định thành hai trường phái. Đối với doanh nghiệp chủ động sản xuất được phôi phục vụ cho đầu vào cán thép thì ít bị ảnh hưởng. Ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp chuyên nhập phôi về cán thép, bởi phôi là nguyên liệu chính cho đầu vào sản xuất thép, song giá nhập phôi lại cao, trung bình như hiện nay giá phôi dao động khoảng 9,2 triệu đồng/tấn, trong khi giá thép bán ra lại luôn có xu hướng giảm, chỉ đạt khoảng 9,8 triệu đồng/tấn. Tình trạng này đang khiến cho các doanh nghiệp cán thép khó khăn, đặc biệt là trong việc không chủ động được nguyên liệu đầu vào, lợi nhuận gần như không có.

Mặc dù lượng thép sản xuất và tiêu thụ trong 6 tháng của các doanh nghiệp đạt khá cao, song vẫn chịu áp lực lớn từ lượng thép, tôn nhập khẩu ngày một tăng cao, nhất là thép từ Trung Quốc, Ấn Độ.

Thống kê cho thấy, riêng trong 5 tháng đầu năm 2016, lượng thép Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tới 4,526 triệu tấn, chiếm 57,92% trong tổng lượng thép nhập khẩu.