Thép kiện tự vệ: Doanh nghiệp được gì - mất gì?

4 DN đi kiện, 6 DN phản bác. Trong vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) của ngành thép hiện nay cần phải làm rõ bài toán được - mất để đảm bảo lợi ích của các bên trên tinh thần tôn trọng lợi ích toàn cục của ngành thép.

26/02/2016 11:27

4 DN đi kiện, 6 DN phản bác. Trong vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) của ngành thép hiện nay cần phải làm rõ bài toán được - mất để đảm bảo lợi ích của các bên trên tinh thần tôn trọng lợi ích toàn cục của ngành thép.

Người bảo kiện, kẻ bảo đừng

Cho rằng sự gia tăng đột biến và bất thường của phôi thép và thép dài NK gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thép, cuối năm 2015, 4 DN lớn gồm Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH MTV Thép miền Nam, Công ty CP Thép Việt Ý, Công ty CP Thép Hòa Phát đã có đơn kiện đề nghị áp dụng tự vệ với sản phẩm phôi thép và thép dài NK vào Việt Nam. Mức thuế tự vệ mà các DN này đề nghị Bộ Công Thương áp dụng tạm thời với phôi thép là 45% và 33% đối với sản phẩm thép dài. Ngày 25-12-2015, Bộ Công Thương đã ra Quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm này.

Theo các DN khởi kiện, việc áp dụng biện pháp tự vệ không chỉ giúp ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, giảm thất thu khoản lớn từ thuế NK, mà trước hết là để bảo vệ ngành luyện kim của Việt Nam trước nguy cơ bị xóa sổ và phải mất hàng chục năm sau mới có thể khôi phục. Không chỉ bảo vệ các DN sản xuất thượng nguồn, biện pháp này còn bảo vệ cả ngành sản xuất thép trong nước gồm cả DN cán thép, DN thương mại. Bên cạnh đó, với lượng phôi thép NK vào Việt Nam tăng gấp 3 lần so với năm 2014 (gần 1,9 triệu tấn), trong đó lượng thép NK từ Trung Quốc chiếm hơn 2/3 với giá bán liên tục sụt giảm sâu, thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất trong nước, việc áp dụng biện pháp tự vệ cũng sẽ ngăn chặn tình trạng thép NK ồ ạt.

Các DN khởi kiện cũng cho biết, việc áp dụng biện pháp tự vệ cũng giúp duy trì ổn định đời sống của hàng triệu người lao động trực tiếp và gián tiếp của ngành thép, bảo vệ ngành công nghiệp đầu tư từ thượng nguồn, tiết kiệm nguồn lực đã đầu tư của xã hội, có khả năng vực dậy các DN đã ngừng hoạt động, đang bên bờ vực phá sản.

Cái được đã rõ. Tuy nhiên, ngay sau khi quyết định điều tra được ban hành, 6 DN trong ngành thép gồm: CTCP thép Pomina, Công ty liên doanh sản xuất thép Vinausteel, Công ty TNHH Nasteel-Vina, Công ty sản xuất Thép Úc SSE, CTCP thép Việt Đức, CTCP BCH đã gửi đơn đến Bộ Công Thương kiến nghị không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép. Theo các DN này, lượng phôi thép NK năm 2015 dù lớn nhưng vẫn thấp hơn nhiều giai đoạn 2008 - 2010 và việc sản xuất phôi thép không chạy hết công suất là do vấn đề quy hoạch, cấp phép dẫn đến dư thừa công suất.

Phát biểu tại cuộc họp tổng kết Hiệp hội Thép vào tháng 1-2016, ông Lê Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần ống thép Việt Đức tỏ rõ đồng tình với PVTM khi các nhà máy phôi lâm vào nguy cơ dư thừa sản phẩm, nhưng hiện nay sản phẩm không đủ đáp ứng. Việc mua phôi thép trong nước rất khó khăn, giá cao dẫn đến giá đến tay người tiêu dùng cao, làm người tiêu dùng bị thiệt hại. Hiện nay thuế NK phôi thép là 9%, nếu nâng lên gần 40% như đề xuất là không hợp lý. Theo đại diện Thép Việt Đức, các DN sản xuất phôi thép cần phải giảm chi phí, nâng cao năng lực. Những biện pháp PVTM là cần thiết và chính đáng, nhưng áp dụng vào lúc nào thì nên bàn bạc lại để có sự thống nhất, đảm bảo hài hòa quyền lợi, vì quyền lợi của DN này lại ảnh hưởng đến quyền lợi của DN khác. Theo ông Hải, 4 DN đi kiện, 6 DN phản bác lại là không nên, là mất đoàn kết, nhưng không kiện thì bản thân DN không biết lấy phôi ở đâu để sản xuất, trong khi còn phải lo cho hàng ngàn con người.

Coi trọng lợi ích toàn cục

Như vậy, trong vụ kiện PVTM này, cả hai bên đều có cái lý của họ và nếu các biện pháp tự vệ được áp dụng, rõ ràng sẽ có sự xung đột về quyền lợi giữa các DN. Trao đổi với Báo Hải quan, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho rằng, phôi thép giá rẻ đã và đang NK ồ ạt vào Việt Nam, nếu không áp dụng các biện pháp tự vệ thì các DN sản xuất trong nước, đặc biệt là những DN làm khâu luyện thép (đầu tư sản xuất thượng nguồn) đều gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Toàn, các đơn vị thương mại hoặc cán thép thuần cho rằng nên để như hiện nay sẽ thuận lợi hơn, nhưng đó chỉ là sự thuận lợi trước mắt, về lâu dài thì không. Bởi, nếu không kịp thời ngăn chặn, đến lúc phần luyện thép của chúng ta bị “hỏng”, phá sản, tất cả các DN sản xuất cùng nhau đi nhập phôi về để cán thép thì lúc này ngành thép trở thành ngành đi cán thuê và các nước XK phôi thép sẽ dẫn dắt thị trường, giá nguyên liệu đầu vào sẽ do các nước XK chỉ đạo. Đại diện cho cộng đồng DN ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng: Trước mắt, không áp dụng biện pháp tự vệ sẽ có lợi cho một số DN NK phôi thép, nhưng về lâu dài nếu ngành công nghiệp thép bị mất phần sản xuất thượng nguồn thì hậu quả vô cùng nguy hại. Chưa kể, về lâu dài nếu không có biện pháp ngăn chặn thì tất cả những sản phẩm thép khác của Trung Quốc như thép xây dựng cũng sẵn sàng đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam. Đến lúc đó, tất cả loại hình DN sản xuất thép có thể sẽ “chết” chứ không chỉ riêng DN sản xuất thượng nguồn.

Theo ông Sưa, trong bối cảnh hội nhập, tranh chấp thương mại xảy ra là việc bình thường. Việc kiện điều tra chống bán phá giá sẽ có những tác động khác nhau đối với những đối tượng khác nhau (DN sản xuất thượng nguồn, DN chỉ đơn thuần cán thép, hay DN thương mại) và các nhóm DN có ý kiến khác nhau cũng là bình thường. “Điều cơ bản là phải cân đối lợi ích, phải lấy lợi ích lâu dài, lợi ích chính yếu của ngành thép làm trọng”, ông Sưa nhấn mạnh. Theo đó, các DN trên cơ sở cân đối các lợi ích toàn cục và cũng như lâu dài, cần nắm lấy các cơ hội để tăng lợi nhuận của DN lên mức cao nhất.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bất kỳ một vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp PVTM nào trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều sẽ dẫn đến việc xung đột lợi ích giữa các bên. Trong đó các bên được hưởng lợi là nhà sản xuất trong nước và các ngành công nghiệp thượng nguồn, đồng thời có các bên chịu thiệt hại là nhà NK và người tiêu dùng hoặc các ngành công nghiệp hạ nguồn. Đó là lý do các nước đều cân nhắc lợi ích kinh tế xã hội chung khi quyết định áp dụng một biện pháp PVTM nói chung.

Hiện nay vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và Bộ Công Thương đảm bảo mọi quy trình, thủ tục điều tra đều được tiến hành công khai, minh bạch và tuân thủ đúng quy định của WTO cũng như pháp luật Việt Nam. Bộ Công Thương luôn ghi nhận mọi ý kiến bình luận, kiến nghị của các bên liên quan. Do đó, ý kiến phản đối việc áp dụng biện pháp tự vệ với phôi thép của 6 DN trong nước đã được Bộ ghi nhận và sẽ thể hiện trong nội dung kết luận điều tra.