Tham nhũng – Hệ quả tất yếu của giấy phép con

Giấy phép con được coi là một mảnh đất màu mỡ của tham nhũng. Bởi vì giấy phép con chính là cha đẻ của cơ chế xin – cho. Thực tế, chỉ số tham nhũng tại hai cuộc điều tra PCI và PAPI vừa công bố đều tăng so với các năm trước.

04/05/2016 14:28

Giấy phép con được coi là một mảnh đất màu mỡ của tham nhũng. Bởi vì giấy phép con chính là cha đẻ của cơ chế xin – cho. Thực tế, chỉ số tham nhũng tại hai cuộc điều tra PCI và PAPI vừa công bố đều tăng so với các năm trước.

Trả lời câu hỏi của Báo DĐDN, vì sao sau bao nỗ lực cải cách, đổi mới mà tham nhũng những năm qua không giảm, thậm chí còn tăng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà trả lời, tham nhũng sẽ tiếp tục tăng nếu còn xin – cho. Ông Hà còn ví von: “con chuột mà sa chĩnh gạo thì chắc chắn nó sẽ ăn”.

Điều này hoàn toàn có thể lý giải vì sao giấy phép con cùng cơ chế xin – cho của nó cứ tồn tại dai dẳng đến vậy. Khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, nhiều người dân và DN đã được một phen mừng hụt. Họ cứ tưởng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được ấn định trong Luật Đầu tư thì đồng nghĩa với việc khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh hay còn gọi là giấy phép con tại các thông tư, quyết định của các bộ, ngành sẽ bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, các bộ ngành vẫn chẳng hề “động đậy” mà đợi lùi thời hạn rà soát để loại bỏ điều kiện kinh doanh thêm một năm nữa sau khi Luật DN và Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực tức là ngày 01/7/2016.

Nhưng thực tế đã chứng minh “sức sống mãnh liệt” của các giấy phép con. Từ chỗ khoảng 6.000 vào thời điểm Luật DN và Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực (ngày 01/7/2015), đến thời điểm này, theo thống kế của VCCI, số lượng giấy phép con đã ở con số gần 7.000. Như vậy, chỉ còn hơn hai tháng nữa là tất cả các điều kiện kinh doanh do cấp bộ trở xuống ban hành về lý thuyết sẽ không còn hiệu lực thì nó vẫn còn tồn tại trơ trơ với một số lượng khổng lồ. Một yêu cầu mang tính “tối hậu thư” vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra, các bộ phải rà soát hết giấy phép con trước ngày 30/5. Liệu các bộ có dám “nhờn thuốc” vẫn là một câu hỏi lớn?