Thách thức và cơ hội: Chiến lược đối phó của các doanh nghiệp Thép trong tình hình khó khăn hiện nay

Trong một thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế và biến đổi, các doanh nghiệp thép đang đối diện với một loạt thách thức. Tuy nhiên, cơ hội cũng xuất hiện cho những ai biết cách thích ứng và tận dụng.

18/10/2023 10:48

Tình hình khó khăn đang đối diện với ngành sản xuất thép đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự nâng cao hiệu suất và tối ưu hóa mọi khía cạnh của hoạt động của mình. 

Lựa chọn đầu vào thích hợp trong ngắn hạn: 

Do đầu vào cho sản xuất thép hiện nay đa dạng và có nhiều sự lựa chọn, việc lựa chọn các nguồn cung cấp thích hợp trong ngắn hạn là một yếu tố quan trọng. Các doanh nghiệp cần xem xét các tùy chọn đầu vào như phế nội, phế nhập từ các nước phát triển, phế nhập trong khối ASEAN, phôi lò cao, phôi lò điện, phôi lò trung tần (phôi từ lò nhỏ và lò lớn) và đánh giá chi phí, tính ổn định và độ tin cậy của từng loại đầu vào một cách linh hoạt và kinh tế theo thời điểm.

Khi tình hình kinh doanh gặp khó khăn thì cơ hội các doanh nghiệp thép cần nắm bắt đó là có quá nhiều sự lựa chọn kênh đầu vào cho mình. Do vậy, cần tính toán và cân nhắc tính hiệu quả khi quyết định nguồn đầu vào trong ngắn hạn một cách hợp lý nhất.

crane-grab-scrap Các doanh nghiệp cần xem xét các tùy chọn nguyên liệu đầu vào phù hợp

Định lượng lại nhu cầu thực tế: 

Để tránh lãng phí tài nguyên và tiền bạc, doanh nghiệp cần đánh giá lại nhu cầu thực tế của dòng sản phẩm thép trong phân khúc của mình để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất một cách hợp lý và thực tế hơn, cũng có thể điều chỉnh tỷ lệ các phân khúc một cách linh hoạt để đảm bảo mục tiêu ngắn hạn: sản lượng hay tính hiệu quả. Điều này giúp doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất để đảm bảo sản lượng được sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, tiết kiệm tối đa chi phí tài chính.

Khi doanh nghiệp điều chỉnh giảm sản lượng sẽ là cơ hội để có điều kiện xem xét công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, dây chuyền một cách kỹ càng và tốt nhất.

Tăng cường chăm sóc khách hàng: 

Trong tình hình cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp cần thấu hiểu nhu cầu của khách hàng và cung cấp dịch vụ và sản phẩm tốt nhất. Hãy xem xét tối ưu hóa quá trình giao hàng, tối ưu hóa dịch vụ sau bán hàng và thúc đẩy mối quan hệ dài hạn với khách hàng. 

Một nguyên tắc trong công tác Marketing là khi thị trường xấu thì chi phí chăm sóc khách hàng cần được quan tâm nhiều hơn, thường xuyên hơn chứ không phải tiết kiệm chi phí này để giảm ngân sách; tiết giảm chi phí chăm sóc khách hàng trong giai đoạn khách hàng đang có nhiều sự lựa chọn tốt (cung đang vượt cầu) thì chỉ giảm số cơ học chi phí mà mất đi cơ hội để được khách hàng xem xét ưu tiên lựa chọn tiêu thụ sản phẩm của mình. 

Trong khó khăn thì nên tiết kiệm chứ đừng nên hà tiện, vì trong kinh doanh mà hà tiện thì khó đòi hỏi thu hút được nguồn lực và dễ bỏ qua nhiều cơ hội.

Khi kinh doanh gặp khó, các doanh nghiệp thường phát sinh nhiều chiêu kinh doanh riêng biệt trong ngắn hạn, đây là cơ hội để thông qua việc chia sẻ với khách hàng (với điều kiện đủ mối thâm tình để khách hàng tin tưởng) doanh nghiệp sẽ tích góp được nhiều kinh nghiệm trong việc ban hành chính sách nhằm sẵn sàng thích ứng đối phó trong từng giai đoạn của thị trường.

Chăm sóc người lao động: 

Nguồn nhân lực là một yếu tố then chốt trong sản xuất thép. Các doanh nghiệp cần đảm bảo rằng nhân viên được đào tạo đúng cách, được cung cấp với các điều kiện làm việc an toàn, môi trường làm việc lành mạnh để họ có đất để phát huy được tối đa năng lực sẵn có và thúc đẩy sự hài lòng cũng như nhu cầu cống hiến của họ. Hãy tạo môi trường làm việc chia sẻ, tích cực, được tôn trọng không phân biệt cấp bậc để động viên nguồn nhân lực, giữ cho người lao động cống hiến hết mình và để họ được chia sẻ trong giai đoạn khó khăn tạm thời này của doanh nghiệp.

Trong thời kỳ kinh tế chung gặp khó khăn, nếu doanh nghiệp chia sẻ, quan tâm đến người lao động thì cơ hội doanh nghiệp sẽ được người lao động gắn bó hết mình sau này, sẽ là động lực tốt cho doanh nghiệp phát triển trong tương lai.

Khích lệ công tác cải tiến trong sản xuất và kinh doanh: 

Khuyến khích mô hình làm việc liên tục cải tiến và sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh, cần có chính sách khen thưởng bằng vật chất xứng đáng với những sáng kiến có hiệu quả. Khám phá các cách để cải thiện hiệu suất, giảm thất thoát và phát triển sản phẩm mới đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường có thể giúp doanh nghiệp thích nghi tốt với tình hình thị trường biến đổi.

Trong tình hình khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thép cần thể hiện sự linh hoạt trong hoạt động kinh doanh và khả năng thích nghi để tồn tại và phát triển nhằm đảm bảo sự bền vững và thành công trong tương lai. Điều này đòi hỏi một sự quản lý chặt chẽ, đầu tư vào nguồn nhân lực và công nghệ, và sẵn sàng thay đổi để đối phó với biến đổi trong ngành công nghiệp thép. 

Khó khăn luôn đến cùng với cơ hội, và việc đối phó một cách thông minh có thể giúp các doanh nghiệp thép vượt qua mọi thử thách.

Bá An