Sớm xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho dự án thép Thái Nguyên

Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên là dự án nhóm A, tổng mức đầu tư ban đầu gần 3.850 tỷ đồng, khởi công năm 2007. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, dự án bị chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng và hiện phải tạm dừng thi công do chưa thu xếp được vốn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ, giải quyết triệt để các vướng mắc, thực hiện dự án bảo đảm hiệu quả.

24/11/2015 08:16

Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên là dự án nhóm A, tổng mức đầu tư ban đầu gần 3.850 tỷ đồng, khởi công năm 2007. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, dự án bị chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng và hiện phải tạm dừng thi công do chưa thu xếp được vốn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ, giải quyết triệt để các vướng mắc, thực hiện dự án bảo đảm hiệu quả.

Chậm tiến độ, dừng thi công kéo dài

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco) là cái nôi của ngành thép nước ta. Năm 2002, sau khi thực hiện dự án cải tạo kỹ thuật giai đoạn 1 hoàn thành và sản xuất có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép đầu tư dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2. Mục tiêu của dự án là đầu tư công nghệ luyện kim từ khai thác mỏ, luyện cốc, thiêu kết quặng sắt, luyện gang lò cao, luyện thép lò thổi, đúc phôi thép liên tục và các hạng mục phụ trợ, nhằm tạo năng lực sản xuất 500 nghìn tấn phôi thép/năm, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Hiện nay, gói thầu nhà máy tuyển rửa quặng sắt mỏ Tiến Bộ, công suất 300 nghìn tấn quặng sắt tinh/năm đã hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động từ tháng 5-2014. Gói thầu EPC số 1 dây chuyền công nghệ luyện kim, gồm các hạng mục: băng chuyền thiêu kết 100 m2, lò cao luyện gang 550 m3, lò thổi luyện thép 50 tấn/mẻ, lò tinh luyện thép LF 55 tấn/mẻ, lò trộn nước gang 600 tấn/mẻ,… bảo đảm năng lực sản xuất 500 nghìn tấn phôi thép/năm. Khi dự án đi vào hoạt động, mỗi năm Tisco sẽ sản xuất hơn một triệu tấn tinh quặng sắt, 543 nghìn tấn gang lỏng, 500 nghìn tấn phôi thép bằng công nghệ lò thổi, đưa tổng sản lượng phôi thép của công ty lên một triệu tấn/năm từ nguyên liệu trong nước.

Năm 2007, dự án được khởi công, nhà thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu gói thầu EPC số 1 dây chuyền công nghệ luyện kim. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế thế giới, giá vật tư nguyên liệu tăng cao, ngoài tầm kiểm soát của Tisco và MCC, quá trình thi công bị ngừng trệ trong 18 tháng. Để tháo gỡ khó khăn, chủ đầu tư Tisco đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tách phần C (xây dựng, lắp đặt) khỏi hợp đồng EPC để giao cho nhà thầu phụ trong nước thực hiện, thanh toán theo khối lượng thực tế, nhà thầu MCC chịu trách nhiệm phần E (thiết kế), P (cung cấp thiết bị) và chịu mọi rủi ro liên quan và được Thủ tướng chấp thuận. Nhà thầu Vinainco được lựa chọn làm nhà thầu phụ thực hiện phần C, giá trị hợp đồng tạm tính hơn 764 tỷ đồng, tuy nhiên nhà thầu này cũng gặp khó khăn, không thể bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch tiến độ. Bộ Công thương đã cho phép chủ đầu tư Tisco và MCC chọn thêm lực lượng để thi công dự án bảo đảm tiến độ. Đến cuối năm 2012, trên công trường đã triển khai thi công 143/163 tiểu hạng mục, nhà thầu MCC đã đưa đến hiện trường 38.500 tấn vật tư thiết bị. Do chủ đầu tư Tisco chưa thu xếp đủ vốn cho dự án, từ cuối năm 2012 đến nay, các nhà thầu thi công đã rút hết công nhân và máy móc khỏi công trường, gói thầu bị ngừng trệ.

Tiếp tục triển khai dự án, bảo đảm hiệu quả

Ngày 26-10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp với các cơ quan chức năng bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Tisco. Tại cuộc họp, phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: Việc cần làm hiện nay là phải tập trung đàm phán dứt điểm với nhà thầu MCC để giải quyết triệt để các vướng mắc, xác định tổng mức đầu tư dự án, tính toán lại hiệu quả dự án, từ đó xem xét có tiếp tục triển khai dự án hay không. Thủ tướng giao Bộ Công thương chỉ đạo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel) và Tisco với sự hỗ trợ của VietinBank, VDB tập trung đàm phán với đối tác Trung Quốc, xem xét rõ trách nhiệm các bên liên quan, chủ động tính toán các phương án để bảo đảm có lợi nhất cho Tisco trong thực hiện dự án này và bảo đảm dự án có hiệu quả. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương chỉ đạo VnSteel, Tisco xác định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, làm cơ sở cho dự án được tiếp tục triển khai có hiệu quả. Theo quy định hiện hành của dự án nhóm A, Tisco đã thành lập ban quản lý để điều hành dự án, tuy nhiên, do năng lực, kinh nghiệm quản lý của chủ đầu tư còn yếu kém, cán bộ ban quản lý dự án chưa được đào tạo nghiệp vụ quản lý dự án bài bản, do vậy đã để xảy ra nhiều sai sót. Tisco đã nghiêm túc kiểm điểm, khắc phục sửa chữa kịp thời, kiện toàn lại bộ máy ban quản lý dự án, điều động, bổ sung người có năng lực, kinh nghiệm về làm việc. Đồng thời, ký hợp đồng thuê tư vấn pháp luật, tư vấn quản lý dự án có năng lực, kinh nghiệm bên ngoài để trực tiếp hỗ trợ, tư vấn cho chủ đầu tư trong quá trình thực hiện, bảo đảm tuân thủ đúng quy định quản lý hiện hành của Nhà nước, tránh lặp lại những khuyết điểm như trước đây.

Tổng Giám đốc Tisco Hoàng Ngọc Diệp cho biết: Thời gian qua, khi thực hiện dự án, do nhiều nguyên nhân, tiến độ thi công chậm, đồng thời ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, khiến tổng mức đầu tư dự án tăng theo. Giá nguyên vật liệu trong nước (chiếm 40% đến 45% chi phí dự án) tăng gần ba lần, khiến dự án đội giá gần 1.300 tỷ đồng; chính sách thuế nhập khẩu thay đổi làm tăng gần 620 tỷ đồng, chi phí nhân công tăng hơn 1.000 tỷ đồng, tỷ giá biến động làm tăng gần 410 tỷ đồng,... Các yếu tố này làm tăng tổng mức đầu tư hơn 4.261 tỷ đồng. Kể từ năm 2012 đến nay, Tisco với MCC đã trải qua 10 lần đàm phán hợp đồng gói thầu EPC số 1. Lần cuối cùng, tình hình đàm phán có chuyển biến rõ rệt theo hướng tích cực, hai bên đã thống nhất được hầu hết các vướng mắc, MCC tỏ rõ thiện chí tiếp tục thực hiện dự án, điều mà các lần đàm phán trước đó không có. Do đó, kịch bản đàm phán đã đạt được nhiều kết quả theo hướng tiếp tục triển khai hoàn thành dự án. Mới đây, Tisco đã mời đơn vị tư vấn có chuyên môn bàn phương án tập kết, bảo dưỡng các thiết bị ở hiện trường đã xuống cấp, hư hỏng; mời phía Vinaconex khảo sát, xác định khối lượng phần xây dựng để lập lại tiến độ thi công đồng bộ phần lắp đặt, bảo đảm tổng tiến độ hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay, sau khi hoàn thành thủ tục chấm dứt hợp đồng các nhà thầu trước đó, xử lý xong các khiếm khuyết chất lượng phần thi công cũ, sẽ tiến hành thi công phần mới, phấn đấu hoàn thành trong 17 tháng. Dự kiến, thời gian bắt đầu tái khởi động thi công từ ngày 1-4-2016, đến hết tháng 9-2017, dự án sẽ hoàn thành đi vào sản xuất.

Theo phương án được Bộ Công thương phê duyệt và Chính phủ chấp thuận, dự án được phân kỳ thành hai giai đoạn: kỳ thứ nhất từ gang ra phôi thép (cốc luyện kim nhập khẩu); kỳ hai xây dựng hạng mục cốc hóa. Để dự án bảo đảm hiệu quả và không làm tăng tổng mức đầu tư, Tisco kiến nghị Chính phủ cho phép miễn lãi vay phát sinh (ước hơn 800 tỷ đồng) trong thời gian dự án dừng triển khai từ tháng 6-2012 đến khi dự án tái khởi động; cho phép miễn thuế nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ thi công dự án (khoảng 140 tỷ đồng). Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc không đầu tư hạng mục cốc hóa để sử dụng vốn cho các hạng mục khác, giao Bộ Công thương phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu việc miễn thuế nhập khẩu thiết bị, vật tư, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Đồng thời, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng VDB, VietinBank xem xét, có biện pháp hỗ trợ, khoanh nợ trong thời gian dự án dừng triển khai và nghiên cứu cơ cấu lại thời gian cho vay, thời gian trả nợ, lãi suất vay của Tisco để dự án được tiếp tục triển khai