Soi mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước
14/02/2017 16:20
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị, trong tháng 2/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trình Chính phủ Đề án Thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Đề án).
Mô hình Ủy ban
Trong 3 mô hình đang được đề nghị xem xét, mô hình được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn đề xuất trong dự thảo Đề án này là cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ, với tên gọi Ủy ban Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Hai mô hình còn lại được nhắc tới là cơ quan thuộc Chính phủ được thành lập trên cơ sở nâng cấp Tổng công ty Đầu tư và Phát triển vốn nhà nước (SCIC) và mô hình cơ quan chuyên trách là doanh nghiệp; tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Chính phủ làm chủ sở hữu, được hình thành trên cơ sở củng cố, kiện toàn SCIC.
Làm phép so sánh ưu nhược giữa 3 mô hình này, có thể thấy, mô hình chọn sẽ được thành lập mới, nhưng với nguồn nhân sự trên cơ sở điều chuyển cán bộ có năng lực, phẩm chất từ các đơn vị đang làm nhiệm vụ quản lý, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước của một số bộ, cơ quan...
Đây chính là ưu điểm của mô hình này, vì trách nhiệm của cơ quan này gồm tham mưu chiến lược, kế hoạch, chính sách sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, chứ không đơn thuần là quản lý vốn nhà nước.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi cơ quan chuyên trách sẽ phải chịu trách nhiệm quản lý vốn nhà nước tại nhiều tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế - kỹ thuật khác nhau.
Việc xác định hình thức là cơ quan thuộc Chính phủ cũng được cho là sẽ tạo vị thế pháp lý và chính trị cho cơ quan chuyên trách, tương xứng với vai trò và chức năng được giao, nhất là trong mối quan hệ với các tập đoàn, tổng công ty lớn, cũng như trong thực hiện đầu tư vốn nhà nước để phát triển các ngành, lĩnh vực nền tảng, thúc đẩy nền kinh tế mà khu vực tư nhân không muốn làm hoặc không làm được, cần có vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước để khắc phục những điểm yếu của cơ chế thị trường. Đây là nhiệm vụ mà mô hình SCIC chưa đủ điều kiện để thực hiện.
Phải nhấn mạnh, việc thành lập cơ quan này cũng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nhằm phục vụ nhiệm vụ của Chính phủ trong việc thực hiện chức năng chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Những vấn đề còn bàn
Tuy nhiên, mô hình này cũng có những vấn đề cần được bàn thêm. Hình thức cơ quan thuộc Chính phủ sẽ phải chịu ràng buộc về cơ chế hoạt động của một cơ quan nhà nước, vì vậy, mức độ khuyến khích động lực và trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý vốn không rõ bằng hình thức doanh nghiệp.
Nếu không có cơ chế khuyến khích đặc thù thì mô hình cơ quan chuyên trách này khó khắc phục được những hạn chế của mô hình thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu hiện nay.
Sau nữa, việc thành lập mới cần có thời gian chuẩn bị để lựa chọn và điều chuyển cán bộ, thiết lập bộ máy, xây dựng thể chế, làm quen và thích nghi với cơ chế vận hành mới.
Mô hình nâng cấp SCIC có thể giải quyết một số vấn đề trên. Tuy nhiên, hoạt động của SCIC chủ yếu là kinh doanh vốn nhà nước, thực chất là tìm cơ hội gia tăng giá trị bán phần vốn nhà nước được giao quản lý, nên để thực hiện nhiệm vụ đầu tư và quản lý vốn nhà nước trên phạm vi toàn quốc, cũng như thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với nhiều tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, thuộc các ngành, nghề khác nhau, thì vẫn cần phải tổ chức lại bộ máy, cán bộ.
Với phương án cơ quan chuyên trách tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp, vấn đề phát sinh lại từ chính mô hình doanh nghiệp. Mô hình này phù hợp với hoạt động đầu tư kinh doanh theo cơ chế thị trường, nhưng khó vận hành trong đầu tư vốn nhà nước để phát triển các ngành, lĩnh vực nền tảng, cần thiết cho phát triển kinh tế, xã hội, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, luân chuyển chậm, lợi nhuận không cao, khu vực tư nhân không sẵn sàng đảm nhận.
Đây là lý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, việc hình thành bộ máy của cơ quan chuyên trách cần có sự kế thừa, bổ sung nguồn cán bộ từ SCIC. Đồng thời, hoạt động của cơ quan chuyên trách cần một số cơ chế đặc thù để tạo động lực và trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước như nội dung Đề án đã đề xuất.