Sơ thảo Luận cương của Lênin soi sáng tư tưởng Hồ Chí Minh
29/04/2021 12:56
Chủ tịch Hồ Chí Minh đón nhận tư tưởng trong Sơ thảo luận cương của V.I.Lênin với khát khao cháy bỏng giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Người coi Sơ thảo luận cương là “cái kim chỉ nam”, là “mặt trời soi sáng”, là “cẩm nang thần kỳ”, là chân lý hướng dân tộc Việt Nam đến với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; đến với độc lập, tự do, hạnh phúc.
“Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao? Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin vào Quốc tế thứ ba”[1]. Đó là lời kể lại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Nhân dân ngày 22/4/1960 về thời khắc Người đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin vào giữa tháng 7/1920.
Hồ Chí Minh đón nhận tư tưởng trong Sơ thảo luận cương với khát khao cháy bỏng giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Người coi Sơ thảo luận cương của V.I.Lênin là “kim chỉ nam”, là “mặt trời soi sáng”, là “cẩm nang thần kỳ”, là chân lý hướng dân tộc Việt Nam đến với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; đến với độc lập, tự do, hạnh phúc. Những tư tưởng trong Sơ thảo luận cương của V.I.Lênin có ý nghĩa định hướng, làm nền tảng phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng con người về sau, cụ thể:
Thứ nhất, tư tưởng về quyền bình đẳng giữa các dân tộc trong Sơ thảo luận cương của V.I.Lênin làm nền tảng hình thành chần lý bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” ở Hồ Chí Minh.
Mở đầu bản Sơ thảo luận cương, V.I.Lênin đã vạch trần tư tưởng dân chủ tư sản, một tư tưởng chỉ rao giảng đến quyền bình đẳng chung chung, trừu tượng, hình thức và quyền bình đẳng trên pháp luật chứ không phải là quyền bình đẳng thực sự. V.I.Lênin cho rằng, chế độ dân chủ tư sản chỉ là chế độ lừa dối, mị dân, chúng dùng quyền bình đẳng chung chung làm vũ khí triệt tiêu tư tưởng bình đẳng tuyệt đối của giai cấp công nhân; chủ nghĩa tư bản chỉ áp dụng quyền bình đẳng đó khi nói về quan hệ sản xuất hàng hóa, còn các quan hệ khác trong xã hội như: quan hệ giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản, quan hệ giữa người bị áp bức với kẻ đi áp bức lại bị vờ quên đi. V.I.Lênin khẳng định: “Ý niệm bình đẳng - bản thân nó chỉ là sự phản ánh những quan hệ sản xuất hàng hóa, đã bị giai cấp tư sản biến thành vũ khí đấu tranh chống lại việc thủ tiêu giai cấp dưới chiêu bài bình quyền tuyệt đối của cá nhân”[2].
Vì vậy, V.I.Lênin yêu cầu các Đảng Cộng sản khi tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc phải xuất phát bằng việc nghiên cứu quyền bình đẳng trong xã hội tư bản chủ nghĩa, nhờ đó, mới có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tình hình chính trị - xã hội, mới đưa ra được phương pháp hành động cách mạng phù hợp nhất. V.I.Lênin khuyên các Đảng nên tập trung xem xét các hiện tượng biểu hiện trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, vì bản chất của chủ nghĩa tư bản độc quyền bộc lộ rõ nét nhất trong các hoạt động kinh tế. V.I.Lênin kêu gọi các giai cấp, tầng lớp bị áp bức, bóc lột trong xã hội đoàn kết lại dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản để giành lại quyền bình đẳng trong xã hội, quyền bình đẳng thực sự, chứ không phải quyền bình đẳng hình thức; các Đảng Cộng sản phải “tố cáo những việc vi phạm thường xuyên nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc và những sự bảo đảm quyền lợi của các dân tộc thiểu số trong tất cả các quốc gia tư bản chủ nghĩa”[3]; xác định đúng đắn, rõ ràng và khoa học quyền bình đẳng của các dân tộc và đòi hỏi phải “phân biệt thật rõ rệt những dân tộc bị áp bức, phụ thuộc, không được hưởng quyền bình đẳng, với những dân tộc đi áp bức, bóc lột, được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi”[4].
Tư tưởng này, cùng với tinh thần yêu nước Việt Nam và bài học của nhiều năm bôn ba khắp thế giới, trực tiếp tham gia các phong trào công nhân thế giới đã làm sáng tỏ động cơ thôi thúc Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, tìm hiểu ý nghĩa của cụm từ “tự do, bình đẳng, bác ái”. Những luận giải rõ ràng, mạch lạc, khoa học của V.I.Lênin đã củng cố vững chắc cho Hồ Chí Minh trong tư duy, suy nghĩ về độc lập tự do cho dân tộc, và là tâm điểm phát triển tư tưởng đấu tranh giành độc lập tự do ở Hồ Chí Minh sau này. Điều này được Hồ Chí Minh khái quát thành chân lý thời đại, áp dụng triệt để trong các giai đoạn cách mạng Việt Nam là: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Chân lý đó không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là lý luận cách mạng của Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam, là lý do chiến đấu, là nguồn sức mạnh, là động lực giúp nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ chiến thắng mọi kẻ thù, dành lại độc lập tự do cho dân tộc. Với tinh thần đó, nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu, hi sinh buộc các đế quốc lớn trên thế giới phải chấp nhận quyền dân tộc cơ bản của Nhân dân Việt Nam, phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển; xung đột tôn giáo, sắc tộc, tranh chấp tài nguyên và lãnh thổ, biển đảo, bạo loạn, khủng bố diễn biến phức tạp; giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các dân tộc phát triển mạnh mẽ, phức tạp, chằng chéo đòi hỏi phải có tư duy, nhận thức rõ ràng, sâu sắc về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về chủ quyền an ninh quốc gia đến độc lập, tự do về kinh tế, chính trị, văn hóa, lối sống và đạo đức xã hội; phải kiên quyết giữ vững nguyên tắc có tính chất phương pháp luận được xác định trong chiến lược xây dựng, bảo vệ đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là, phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; phải chủ động hội nhập; độc lập dân tộc gắn chặt chẽ với chủ nghĩa xã hội. Do đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”[5]. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố có thể gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Thứ hai, tư tưởng về giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trong Sơ thảo luận cương của V.I.Lênin làm tiền đề để Hồ Chí Minh hoàn thiện lý luận về con đường cứu nước.
12 luận điểm trong Sơ thảo luận cương của V.I.Lênin đã đặt ra một loạt vấn đề có tính nguyên lý và phương pháp luận giải quyết vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của cách mạng vô sản, gồm: phân biệt lợi ích của các giai cấp bị áp bức, bóc lột với lợi ích của giai cấp thống trị; phân biệt quyền lợi của dân tộc bị áp bức với quyền lợi của các lực lượng đi áp bức; gắn kết phong trào công nhân với phong trào giải phóng dân tộc, gắn kết phong trào dân tộc với cách mạng thế giới; và trên hết là tư tưởng về giải phóng dân tộc khỏi nô dịch, xâm lược của các dân tộc, thuộc địa, phụ thuộc. Chính những tư tưởng đó làm tiền đề để Hồ Chí Minh hoàn thiện lý luận con đường cứu nước, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Có thể khái quát như sau:
Một là, Hồ Chí Minh khẳng định con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam phải đi theo cách mạng vô sản và bằng bạo lực cách mạng, kết hợp với lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang trong nhân dân.
Trong Sơ thảo luận cương, V.I.Lênin khẳng định, “Chuyên chính vô sản là hình thức đấu tranh giai cấp kiên quyết nhất và cách mạng nhất của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản. Cuộc đấu tranh ấy chỉ có thể thắng lợi, khi đội tiên phong cách mạng nhất của giai cấp vô sản lôi cuốn được theo mình tuyệt đại đa số vô sản”[6]. V.I.Lênin phân tích chuyên chính vô sản là tư tưởng trong đấu tranh giai cấp với tinh thần cương quyết, khẳng định vai trò lãnh đạo xã hội của giai cấp công nhân mà đại diện đội tiên phong của giai cấp đó là Đảng Cộng sản; phong trào cách mạng vô sản muốn thành công phải thực hiện chuyên chính vô sản.
Tư tưởng chuyên chính vô sản được Hồ Chí Minh đón nhận, phân tích sâu sắc trong điều kiện lịch sử Việt Nam, Người đi đến kết luận con đường giải phóng dân tộc, không thể có con đường nào khác chỉ có duy nhất con đường cách mạng vô sản; và phải bằng bạo lực cách mạng kết hợp với lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang trong nhân dân; phải đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa “Ở nước ta, khởi nghĩa có thể bùng ra trong một nơi rồi dần dần lan ra khắp nước”[7]. Tư tưởng giành độc lập tự do ở Việt Nam của Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn, bổ sung lý luận cho học thuyết Mác - Lênin; là kinh nghiệm quý báu cho các Đảng Cộng sản trên thế giới.
Hai là, Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng Cộng sản là Đảng chân chính nhất lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam làm cách mạng giải phóng dân tộc.
Trong dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc tin theo học thuyết C.Mác, Ph.Ăngghen, dưới ánh sáng Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, đã cổ vũ, động viên các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc, các dân tộc bị áp bức, bóc lột đứng lên giành độc lập tự do mạnh mẽ, liên tục, rộng khắp; mở ra một “chân trời” mới, một phương pháp cách mạng mới - tự tin vào sức mạnh để giải phóng dân tộc mình. V.I.Lênin đã phát triển tư tưởng đó lên một nấc thang mới trong Sơ thảo luận cương và khẳng định chắc chắn chỉ có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì cách mạng của giai cấp công nhân mới đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Thấm nhuần tư tưởng đó, Hồ Chí Minh vận dụng, phát triển sáng tạo trong điều kiện Việt Nam về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản. Người khẳng định, để cách mạng giải phóng dân tộc thành công thì việc đầu tiên và trước mắt phải thành lập chính Đảng - đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động “cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[8]. Và “Muốn khỏi đi lạc phương hướng, quần chúng phải có Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng”[9]. Từ đó, Hồ Chí Minh ra sức chuẩn bị về chính trị, tổ chức để thành lập Đảng, đến ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, hội tụ sức mạnh giai cấp, sức mạnh dân tộc; mở ra bước ngoặt vĩ đại cho cách mạng Việt Nam.
Ba là, Hồ Chí Minh khẳng định lực lượng làm cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là liên minh giai cấp, tầng lớp nhân dân trong xã hội và đoàn kết quốc tế với khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Tư tưởng đoàn kết dân tộc đã thấm đẫm lớp lớp các thế hệ người Việt Nam, trong đó, Hồ Chí Minh - Người Việt Nam ưu tú nhất, hiểu sâu sắc nhất tinh thần đoàn kết của dân tộc, biến nó trở thành hành động cách mạng, tạo ra sức mạnh vô biên để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Tư duy đó được củng cố, hoàn thiện khi Hồ Chí Minh bắt gặp tư tưởng liên minh công - nông trong Sơ thảo luận cương của V.I.Lênin. Theo V.I.Lênin, Đảng Cộng sản ở các nước thuộc địa phải ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, ngay cả khi phong trào giải phóng dân tộc đó có tính chất tư sản, nhưng nó thực sự là phong trào cách mạng; cần chú ý đến liên kết với phong trào nông dân, những người bị áp bức; phải giúp phong trào nông dân trong tổ chức và giáo dục họ theo lý tưởng cộng sản, để dần lôi kéo họ về phía những người cộng sản, xây dựng khối liên minh công - nông; phát triển cuộc đấu tranh chống đế quốc đi đôi với chống phong kiến, hình thành phong trào dân tộc dân chủ rộng rãi; các nhà cách mạng ở chính quốc, thuộc địa phải đoàn kết với nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc; các Đảng Cộng sản ở chính quốc, thuộc địa “phải là làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản”[10]. Tư tưởng giải phóng của dân tộc thuộc địa phải được kết hợp chặt chẽ với tư tưởng của các Đảng Cộng sản trên thế giới, nhất là các Đảng ở chính quốc; cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa muốn thành công phải nổ ra cùng lúc với phong trào vô sản ở chính quốc.
Bởi vậy, Hồ Chí Minh đã đặt cách mạng Việt Nam trong khối đại đoàn kết với phong trào cách mạng vô sản thế giới. Người nhận định, trước hết, phải phân biệt rõ bạn và thù, phải biết thêm bầu bạn, bớt kẻ thù. Vì, phong trào cách mạng Việt Nam không chỉ liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân lao động mà còn “sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”[11]. Hồ Chí Minh cũng khẳng định cốt lõi của đoàn kết là công - nông “công nông là người chủ cách mệnh... công nông là gốc cách mệnh”[12]. Để thực hiện đoàn kết dân tộc phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết. Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực hiện đoàn kết, đại đoàn kết là định hướng, lãnh đạo nhằm xây dựng, củng cố trên nền tảng thống nhất chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản; lợi ích tối cao của dân tộc với quyền lợi của nhân dân lao động và quyền thiêng liêng của con người; phải tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân; phải tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; phải đại đoàn kết rộng rãi, lâu dài, chặt chẽ; phải chân thành, thân ái, thẳng thắn đoàn kết gắn với tự phê bình và phê bình.
Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên có công lao to lớn trong việc gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, gắn nhân tố dân tộc với nhân tố quốc tế tạo ra sức mạnh tổng hợp cho cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Mối quan hệ chặt chẽ giữa đại đoàn kết và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng được Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”[13]. Người kết luận: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”[14].
Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn chăm lo, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc nhằm hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và xác định đặc trưng, mô hình, cấu trúc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam lấy phát triển con người là trung tâm... Do vậy, Đảng xác định: “Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[15].
Trong bất luận hoàn cảnh nào, "Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau”[16]. Dân tộc Việt Nam quyết tâm vượt qua thử thách, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Học tập, làm theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để không chệch hướng chủ nghĩa xã hội với phương pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với quê hương, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân tộc.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, H, 2011, t.12, tr.562.
[2] [3] [4] [6] [10] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, H, 2005, t.41, tr.199; 201; 198; 199; 199
[8] [11] [12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, H, 2011, t.2, tr.289; 287; 228
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật, H, 2011, t.8, tr.278.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, H, 2011 tập 14, tr.186.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, H, 2011 tập 15, tr.628.
[15] Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
[16]Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội VII thông qua đã khẳng định trong thời kỳ đổi mới.