Sẽ không còn nhập khẩu ủy thác phế liệu

Gần một nửa Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong thời gian qua được cấp cho các DN nhập khẩu ủy thác phế liệu. Tình trạng này sẽ không còn khi thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

18/09/2018 09:28

Gần một nửa Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong thời gian qua được cấp cho các DN nhập khẩu ủy thác phế liệu. Tình trạng này sẽ không còn khi thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Gần một nửa cấp cho DN ủy thác

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2018- thời gian cao điểm phế liệu tồn tại cảng- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 242 Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường cho các DN nhập khẩu phế liệu. Trong đó, có 139 Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường được cấp cho DN NK trực tiếp sản xuất, số còn lại cấp cho DN nhận ủy thác.

Thời điểm đó, bức xúc trước thực trạng phế liệu NK tồn tại cảng quá lớn, ảnh hưởng đến mặt bằng kinh doanh của cảng Cát Lái và cảng Cái Mép thuộc hệ thống Tân cảng Sài Gòn, ông Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường cho các DN thực sự có nhà máy sản xuất, không cấp cho các công ty thương mại, không áp dụng hình thức nhập ủy thác để tránh rủi ro.

Ông Nhữ Đình Thiện, Ban Thư ký Hiệp hội Đại lý và Môi giới vận tải cho rằng, phế liệu là mặt hàng nguy hại đặc biệt, nên việc cấp phép chỉ cấp cho những đơn vị có chức năng, nhà máy xử lý, tránh việc cấp phép nhiều như hiện nay, khó tránh khỏi việc DN lợi dụng để mua bán thương mại.

Trên thực tế, trong quá trình rà soát hàng tồn đọng, cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều trường hợp DN nhập khẩu phế liệu, nhưng không trực tiếp sản xuất mà chỉ thực hiện mau bán thương mại kiếm lời; một số trường hợp nhập khẩu phế liệu bằng hồ sơ giấy tờ giả.

Đến nay đã có 4 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu vi phạm nghiêm trọng đã bị cơ quan Công an và cơ quan Hải quan khởi tố vụ án hình sự và đang mở rộng điều tra. Cùng với đó, hàng trăm doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu có nghi vấn sai phạm cũng đang được cơ quan Hải quan xác minh, điều tra làm rõ.

Không cấp phép nhập khẩu ủy thác

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 27/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường không cấp mới Giấy xác nhận, không gia hạn Giấy xác nhận đối với đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu;

Chỉ xem xét cấp mới, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với đơn vị nhập khẩu phế liệu để sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu.

Theo các chuyên gia, chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ sẽ hạn chế tối đa việc lợi dụng nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để kinh doanh thương mại, kiếm lời, cũng như đưa phế liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng vào Việt Nam.

Đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho rằng, thực hiện tốt nội dung Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất sẽ khắc phục những bất cập trong nhập khẩu phế liệu. Đồng thời, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, các công ty kinh doanh cảng, tránh hàng tồn đọng như trong thời gian vừa qua…

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 Phạm Thị Lèo cho biết, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng sẽ hạn chế được phế liệu vô chủ về cảng. Hiện đơn vị đang phối hợp với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và các đơn vị có liên quan xử lý dứt điểm hàng tồn đọng tại cảng, trong đó có hơn 3.000 container phế liệu.