Qua 5 năm, lương "sếp" doanh nghiệp Nhà nước thay đổi ra sao?

Đó là thông tin được Chính phủ nêu tại báo cáo về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016" để phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội với lĩnh vực này trong cả ngày 28/5.

28/05/2018 16:10

Đó là thông tin được Chính phủ nêu tại báo cáo về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016" để phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội với lĩnh vực này trong cả ngày 28/5.

Lương gắn với hiệu quả công việc

Chính phủ cho biết, trong giai đoạn 2013-2015, không còn tình trạng doanh nghiệp Nhà nước xây dựng định mức lao động không sát để hưởng lương cao.

Tiền lương của người lao động được xác định trên năng suất lao động và người quản lý doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Về việc thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ khẳng định, giai đoạn từ năm 2013-2015, cơ chế tự chủ đã tạo chủ động cho doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng lao động, trả lương gắn với năng suất, lợi nhuận. Không còn tình trạng xây dựng định mức lao động không sát để hưởng mức lương cao.

Tiền lương của người quản lý doanh nghiệp đã gắn chặt hơn với quy mô và lợi nhuận, có khống chế mức tối đa, giảm khoảng cách về tiền lương, thu nhập giữa các doanh nghiệp cũng như giữa người quản lý với người lao động.

Các doanh nghiệp đã chủ động xác định quỹ tiền lương của người lao động và quỹ tiền lương của viên chức quản lý gắn với năng suất lao động và lợi nhuận theo quy định của Chính phủ.

Các doanh nghiệp cũng chủ động phân phối lương cho người lao động và viên chức quản lý theo quy chế trả lương của doanh nghiệp; cơ quan chủ sở hữu thực hiện tiếp nhận, giám sát, phê duyệt quỹ tiền lương của viên chức quản lý.

Chính phủ đánh giá, tiền lương của người lao động tiếp tục ổn định, có tăng trưởng và đạt cao nhất so với người lao động ở các loại hình doanh nghiệp khác.

Nhiều "sếp" lương trên trăm triệu

Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, nhà nước vẫn tiếp tục quy định tiền lương phải gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nhưng thay đổi phương thức xác định quỹ tiền lương thực hiện chỉ dựa vào thực hiện năm trước sang căn cứ thực hiện năm trước và kế hoạch trong năm.

Theo đó, tiền lương của người quản lý trực tiếp được xác định gắn với quy mô, độ phức tạp của quản lý (hạng doanh nghiệp) tương ứng với mức lương cơ bản (lương tối đa của chủ tịch tập đoàn kinh tế là 36 triệu đồng/tháng) và hệ số điều chỉnh tăng thêm gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Điểm khác là việc mở rộng hệ số tăng thêm tối đa từ 0,5 lên 1,0 lần mức lương cơ bản áp dụng đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông có lợi nhuận 1.000 tỷ đồng trở lên, lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, khoáng sản, điện, thương mại, dịch vụ có lợi nhuận 700 tỷ đồng trở lên, lĩnh vực còn lại có lợi nhuận 500 tỷ đồng trở lên.

Quy định được đảm bảo là chủ tịch tập đoàn kinh tế có thể đạt mức lương tối đa là 72 triệu đồng/tháng.

Khái quát chung giai đoạn này, Chính phủ cho rằng, Nhà nước đã nắm được tiền lương, thu nhập của người lao động ổn định và nâng cao, bước đầu gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh theo xu hướng chung năng suất lao động, hiệu quả sản xuất tăng thì tiền lương, thu nhập tăng và ngược lại. Đời sống của người lao động được cả thiện rõ rệt, quan hệ lao động hài hòa, rất ít xảy ra tranh chấp lao động.

Cụ thể, tiền lương kế hoạch của người quản lý doanh nghiệp được xác định gắn với bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước, với cổ đông (trả cổ tức), với người lao động (tiền lương, bảo hiểm). Lợi nhuận kế hoạch dưới 50 tỷ đồng thì tiền lương của người quản lý không quá 36 triệu đồng/tháng (gọi là mức lương cơ bản).

Nhà nước áp dụng hệ số tăng thêm tối đa từ 0,5 lên 2,5 lần đối với doanh nghiệp có quy mô lợi nhuận lớn 700 tỷ - 1.500 tỷ đồng, tùy theo lĩnh vực hoạt động. Theo đó, mức lương bình quân của người quản lý có thể đạt 126 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, nếu lợi nhuận thực hiện vượt kế hoạch thì người quản lý được hưởng thêm tối đa không quá 20% mức tiền lương bình quân kế hoạch. Theo quy định này, mức tiền lương tối đa của người quản lý công ty có thể đạt 151,2 triệu đồng/tháng.

Theo báo cáo của 472 công ty thuộc 5 bộ, ngành, 50 địa phương và 10 tập đoàn, tổng công ty về tình hình lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng thực hiện năm 2016 và kế hoạch năm 2017 cho thấy, năm 2016, có 2.471 người quản lý chuyên trách (hưởng tiền lương, tiền thưởng) tại các doanh nghiệp, tiền lương bình quân đạt 30,69 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân đạt 33,04 triệu đồng/tháng.

Cũng trong năm này, có 419 người quản lý không chuyên trách tại khối doanh nghiệp nhà nước, thù lao bình quân đạt 4,63 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân (gồm thù lao, tiền thưởng) đạt 5,29 triệu đồng/tháng.

Năm 2017, số người quản lý chuyên trách giảm xuống 2.261 người, tiền lương bình quân tăng nhẹ, lên 30,79 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân lại giảm còn 32,99 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, thù lao bình quân với người quản lý không chuyên trách nhích lên 4,65 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân lên 4,98 triệu đồng/tháng, Chính phủ cho biết nhiều con số cụ thể.