Phải có con dấu, nhưng sử dụng hay không tùy doanh nghiệp

Ông Phan Đức Hiếu- Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- CIEM) chia sẻ tại hội thảo diễn ra sáng ngày 13-5-2015.

14/05/2015 08:00

Ông Phan Đức Hiếu- Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương- CIEM) chia sẻ tại hội thảo diễn ra sáng ngày 13-5-2015.

Sáng ngày 13-5-2015, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và CIEM đã tổ chức hội thảo: “Lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý Dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh”.

Ông Phan Đức Hiếu cho biết, Nghị định chỉ làm rõ 4 vấn đề trong Luật Doanh nghiệp, thay vì toàn bộ Luật như trước đây. Các vấn đề gồm: doanh nghiệp xã hội, con dấu, sở hữu chéo và quản lý Nhà nước.

Liên quan đến vấn đề con dấu, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1-7 tới đây quy định, doanh nghiệp có quyền đăng ký con dấu và tự quyết định sử dụng, trừ hai thông tin bắt buộc là tên và mã số doanh nghiệp.

“Với những doanh nghiệp đang sử dụng con dấu, sau ngày 1-7, nếu không muốn đổi thì con dấu cũ vẫn được sử dụng bình thường. Doanh nghiệp có thể tăng số lượng con dấu theo nhu cầu. Nếu muốn làm con dấu mới, trả lại dấu cũ, doanh nghiệp chỉ cần mang dấu cũ và giấy chứng nhận con dấu cũ trả lại cho cơ quan đã cấp”- ông Phan Đức Hiếu thông tin.

Không phải đến khi Nghị định hướng dẫn được bàn thảo, mà ngay từ khi lấy ý kiến cho dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, vấn đề con dấu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp và giới luật sư. Bởi vì, thay đổi hình thức sử dụng con dấu rất phức tạp.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập- Văn phòng luật sư NH Quang và Cộng sự (Hà Nội) băn khoăn: “Nghị định chưa rõ ràng là sắp tới doanh nghiệp có cần con dấu hay không. Loại bỏ con dấu là rất tốt,nhưng con dấu như “văn hóa” lâu đời của người dân Việt Nam. Đưa ra văn bản mà không có dấu, chỉ có chữ ký thì rất khó được tin cậy là văn bản xác thực. Ví dụ, trong những trường hợp như ủy quyền thu chi tiền tỷ. Lúc đó có thể dẫn tới việc lại phải đi xác thực chữ ký xem đúng hay không hoặc đi đâu cũng phải mang theo giấy chứng nhận kinh doanh”.

Đại diện cho công ty Honda Việt Nam, ông Đỗ Việt Dũng cũng cho rằng, doanh nghiệp được quyền tự quyết định nội dung, hình thức con dấu nhưng chỉ có một mẫu trong một doanh nghiệp thì rất khó để phân biệt. “Tôi đề nghị bổ sung mỗi doanh nghiệp có nhiều con dấu và có dấu hiệu phân biệt”- đại diện Honda kiến nghị.

Giải đáp các thắc mắc về con dấu, ông Phan Đức Hiếu cho hay: “Doanh nghiệp vẫn phải có con dấu, nhưng cách thức, trường hợp sử dụng thế nào là tùy từng doanh nghiệp”.

Theo ban soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, thay đổi cách thức sử dụng con dấu là một trong những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh doanh của doanh nghiệp.