Những kỷ vật thiêng liêng - Kỳ 1: Ngọn đèn cách mạng

Không còn bóng đèn, cũng không được đốt lửa, nhưng một ngọn đèn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia không ngừng tỏa sáng, soi rọi vào một phần lịch sử hào hùng của đất nước những ngày chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản VN.

30/01/2020 16:40

Không còn bóng đèn, cũng không được đốt lửa, nhưng một ngọn đèn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia không ngừng tỏa sáng, soi rọi vào một phần lịch sử hào hùng của đất nước những ngày chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản VN.

Những kỷ vật thiêng liêng - Kỳ 1:Ngọn đèn cách mạng - Ảnh 1.

Cây đèn dầu lịch sử ở nhà đồng chí Ngô Gia Tự năm 1928 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN - Ảnh: T.ĐIỂU

Ngắm nhìn cây đèn kỷ vật cách mạng trong tủ trưng bày của bảo tàng, lắng nghe câu chuyện về nó, người xem như thấy được những gương mặt thanh niên trí thức trẻ sáng ngời ý chí và khát vọng cứu dân cứu nước ở tuổi mười tám, đôi mươi năm ấy như Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Hoan, Trịnh Đình Cửu...

Những kỷ vật của các nhà hoạt động cách mạng hiện còn lại không nhiều nhưng hết sức ý nghĩa và thiêng liêng, nhắc nhớ về một thời cha ông đã không tiếc máu xương cho Tổ quốc. Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), những kỷ vật cách mạng đặc biệt này tiếp tục soi rọi, tỏa sáng cùng lịch sử dân tộc…

Tại phòng trưng bày về Đảng Cộng sản Việt Nam ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chiếc vali da bạc màu thời gian, bị thủng đã gợi lên biết bao cảm xúc với đồng bào tham quan...

Chiếc vali thủng và bài thơ ân tình

Đó là chiếc vali da màu nâu, hình chữ nhật, kích thước 41x26x9,8cm, thuộc bộ sưu tập hiện vật về Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức tiền thân của Đảng. Đây là một trong những kỷ vật quý giá của một hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) từ những ngày đầu mới được thành lập.

Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chiếc vali do đồng chí Bùi Ngọc Thành mua ở Quảng Châu, Trung Quốc năm 1925. Ông Thành đã dùng nó khi tham gia lớp huấn luyện đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Cùng học trong lớp này có đồng chí Trần Phú và nhiều đồng chí khác ở trong nước tham dự.

Sau lớp học, ông Bùi Ngọc Thành cùng một số người khác có nhiệm vụ đi Nam Ninh và Long Châu công tác. Ông Thành đã để tài liệu cách mạng vào chiếc vali này trong lúc đi đường. Khi đến Nam Ninh, ông Thành bị cảnh sát lục soát vali và bắt giữ.

Nhưng một may mắn đã xuất hiện khi cảnh sát trưởng ở đây có tên Chu Bình Nam lại là người có cảm tình với cách mạng Việt Nam, nên các nhà yêu nước đã được thả ra sau vài ngày giam giữ. Một người trong đoàn công tác bị bắt giữ đó là đồng chí Nguyễn Thức Thiệp thậm chí đã làm bài thơ chữ Hán tỏ lòng biết ơn người cảnh sát trưởng họ Chu.

Chiếc vali của ông Bùi Ngọc Thành sau đó đã được đưa cho ông Nguyễn Thức Thiệp sử dụng. Sau này, chính ông Thiệp đã trao tặng chiếc vali quý cùng với bài thơ trên cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia vào năm 1965. Lúc đó, ông Thiệp đã 77 tuổi, sống tại Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Chủ nhân chiếc vali - ông Bùi Ngọc Thành - tuy không trực tiếp tham gia cách mạng trong nước, nhưng đã cùng với các nhà yêu nước tiền bối của cách mạng Việt Nam có những đóng góp đáng ghi nhận vào hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Những đóng góp của ông Thành đã được các nhà hoạt động cách mạng cùng thời ghi nhớ, tôn vinh.

Lật lại các trang hồi ký của cụ Lê Dục Tôn trong cuốn Những ngày đầu (NXB Việt Bắc phát hành năm 1971), những hoạt động sôi nổi của các nhà cách mạng, trong đó có ông Bùi Ngọc Thành, đã được ghi lại rất sống động, đặc biệt là ở bài Tiếng gọi giục giã.

Ngày nay, lớp trẻ ít biết về tên tuổi các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam ở nước ngoài buổi ban đầu như đồng chí Bùi Ngọc Thành. Nhưng kỷ vật của ông về thời hoạt động sôi nổi cũng là kỷ vật của một thế hệ đã cống hiến hết mình cho Đảng vì độc lập của Tổ quốc, đang và sẽ mãi mãi nhắc nhớ các thế hệ trẻ về những ngày đầu đầy gian nguy mà nhiệt huyết lớn lao của Đảng.

Những kỷ vật thiêng liêng - Kỳ 1:Ngọn đèn cách mạng - Ảnh 3.

Chiếc vali da của đồng chí Bùi Ngọc Thành - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN

Ngọn đèn không tắt

Không còn bóng đèn, cũng không được đốt lửa, nhưng một ngọn đèn đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia lại không ngừng tỏa sáng, soi rọi vào một phần lịch sử hào hùng của đất nước những ngày chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đó là ngọn đèn trong đêm diễn ra cuộc họp đặc biệt của nhóm thanh niên, sinh viên yêu nước tại nhà đồng chí Ngô Gia Tự vào năm 1928. Đó là một đêm thu cuối tháng 9-1928 ở miền quê Kinh Bắc, nơi có mái nhà của cụ đồ Du, thân sinh đồng chí Ngô Gia Tự. Một lễ mừng cho quý tử vừa đỗ tú tài Tây sắp được cụ Du tổ chức long trọng. Ngoài bà con làng xóm, khách khứa hôm đó còn có cả một nhóm bạn trẻ của "cậu Tú" Ngô Gia Tự từ Hà Nội và trên tỉnh đến chúc mừng.

Lễ mừng ấy thực chất chỉ là vỏ bọc cho một cuộc họp quan trọng của nhóm thanh niên yêu nước, chính là các đồng chí đại biểu Kỳ bộ Bắc kỳ Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuộc họp trước đó đã phải ngừng lại vì có động.

Trong đêm thu yên tĩnh ở vùng quê Tam Sơn, Bắc Ninh, những mái đầu xanh đang tràn đầy hoài bão, lý tưởng cách mạng cứu nước cùng tụ họp quanh cây đèn tọa đăng, kiểm điểm công tác của hội trong hai năm qua và nhất trí ra nghị quyết có ý nghĩa quyết định đối với phong trào công nhân và nhân dân lao động.

Đó là nghị quyết thực hiện chủ trương Vô sản hóa, nhằm đưa hội viên là trí thức, tiểu tư sản tự nguyện rời bỏ cuộc sống thuận lợi, an toàn để bước vào cuộc sống gian khổ ở các vùng trung tâm công nghiệp có nhiều công nhân đang làm việc tại các hầm mỏ, nhà máy...Kết quả của phong trào Vô sản hóa đã góp phần đẩy nhanh quá trình giác ngộ của giai cấp công nhân, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin thật sự chiếm được lòng tin của dân tộc.

Và ngọn đèn soi rọi trong đêm họp đặc biệt ấy, trải qua hơn 90 năm, hiện vẫn đang được trân trọng lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đèn cao 33cm, không còn bóng, có bầu chứa dầu bằng thủy tinh, đường kính 15cm, chân đế bằng kim loại.

Ngắm nhìn cây đèn kỷ vật cách mạng trong tủ trưng bày của bảo tàng, lắng nghe câu chuyện về nó, người xem như thấy được những gương mặt thanh niên trí thức trẻ sáng ngời ý chí và khát vọng cứu dân cứu nước ở tuổi mười tám, đôi mươi năm ấy như Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Hoan, Trịnh Đình Cửu...

Ánh sáng của ngọn đèn như vẫn còn soi chiếu cho các thế hệ người Việt hiểu hơn về một trang sử hào hùng của dân tộc trong thời kỳ chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2-1930.

Cho mai sau hiểu về một thời hào hùng

Mỗi hiện vật còn lại như chiếc vali da từng đựng tài liệu cách mạng của đồng chí Bùi Ngọc Thành ở Trung Quốc năm 1925, hay ngọn đèn chiếu sáng trong đêm diễn ra cuộc họp đặc biệt của nhóm thanh niên yêu nước tại nhà đồng chí Ngô Gia Tự vào năm 1928, càng trở nên giá trị và thiêng liêng hơn cho thế hệ mai sau tìm hiểu về thời kỳ cách mạng hào hùng chuẩn bị thành lập Đảng.

Cuốn Đường kách mệnh hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những bản gốc in năm 1927, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2012.

Kỳ tới: Bảo vật Đường kách mệnh