Nghị định 71 về quản trị công ty đại chúng: Đã chạm tới thông lệ quản trị tốt nhất
21/06/2017 11:04
Ngày 6/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.
Nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung cùng nhiều quy định mới sẽ giải quyết những khúc mắc trong thực tế và chạm đến các thông lệ quản trị tốt nhất. Tuy nhiên, cũng có những điểm mới sẽ khiến doanh nghiệp phải chịu thêm sức ép khi thực hiện.
Cho phép vay công ty mẹ - con, các công ty cùng trong tập đoàn kinh tế
Khoản 1, Điều 26, Nghị định 71 quy định, công ty đại chúng không được cung cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh cho cổ đông là cá nhân và người có liên quan của cổ đông đó là cá nhân, trừ trường hợp công ty đại chúng là tổ chức tín dụng.
Đây là quy định không mới so với nội dung Thông tư 121/2012/TT-BTC. Thực tế thực thi Thông tư 121 một số doanh nghiệp đã gặp khó khăn, đặc biệt trong việc điều tiết nguồn lực tài chính giữa các công ty trong cùng một hệ thống. Năm 2016, Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt một trường hợp phát sinh giao dịch cho vay giữa công ty con và công ty mẹ do đây là hoạt động không được phép, dù trên thực tế, giao dịch này mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn cho cả công ty mẹ và công ty con.
Tuy nhiên, cùng nội dung trên, nhưng Nghị định mới đã khắc phục được điểm khó của doanh nghiệp.
Khoản 2, 3, Điều 26 quy định những trường hợp ngoại lệ của Khoản 1, bao gồm: công ty đại chúng là tổ chức tín dụng, cổ đông là công ty con trong trường hợp công ty con là các công ty không có cổ phần, phần vốn góp nhà nước nắm giữ và đã thực hiện góp vốn, mua cổ phần của công ty đại chúng trước ngày 1/7/2015; công ty đại chúng và tổ chức là người có liên quan của cổ đông là các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế và giao dịch này phải được đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị chấp thuận theo quy định tại điều lệ công ty; các trường hợp pháp luật có quy định khác.
Để tránh các trường hợp lách luật trong các giao dịch với người có liên quan, Nghị định 71 cũng nêu rõ: trừ trường hợp được đại hội đồng cổ đông chấp thuận, công ty đại chúng không được cấp các khoản vay hoặc bảo lãnh khoản vay cho các thành viên hội đồng quản trị, kiểm soát viên, giám đốc (tổng giám đốc), các người quản lý…; các giao dịch dẫn đến tổng giá trị giao dịch từ 35% trở lên tổng tài sản của công ty đại chúng trên báo cáo tài chính gần nhất với các đối tượng này, cổ đông sở hữu từ 10% vốn cổ phần phổ thông trở lên và người có liên quan của họ; các tổ chức cá nhân trong diện phải công khai thông tin theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Đại hội đồng cổ đông sẽ thông qua Quy chế nội bộ về quản trị công ty
Điều 7, Nghị định mới yêu cầu công ty đại chúng phải xây dựng và trình đại hội đồng cổ đông quy chế nội bộ về quản trị công ty.
Theo quy định cũ, quy chế nội bộ về quản trị công ty phải được hội đồng quản trị và công bố công khai trên trang điện tử, nhưng với quy định mới, cổ đông là chủ thể có thẩm quyền phê duyệt quy chế này.
Bên cạnh đó, một điểm mới khác là xuất hiện chức danh người phụ trách quản trị công ty. Theo Nghị định 71, người phụ trách quản trị công ty có thể kiêm thư ký công ty, phải đáp ứng một số yêu cầu như: có hiểu biết về pháp luật, không được đồng thời làm việc cho công ty kiểm toán độc lập đang thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của công ty…
Từ 1/8/2020, Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm Tổng giám đốc
Một trong những điểm nhấn của nghị định này là quy định tại Khoản 2, Điều 12. Theo đó, Chủ tịch hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh giám đốc (tổng giám đốc) của cùng một công ty đại chúng. Quy định này sẽ có hiệu lực sau 3 năm kể từ ngày Nghị định 71 có hiệu lực, tức từ ngày 1/8/2020.
Theo các thông lệ quản trị tốt nhất được hướng dẫn bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC)…, chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc được nắm giữ bởi các cá nhân khác nhau và được quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ mỗi vị trí.
Giải thích về lý do khuyến nghị này, các tổ chức trên cho rằng, việc tách rời vai trò chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc là để tránh các mâu thuẫn về lợi ích có thể phát sinh, đồng thời tránh sự tập trung quyền lực, cũng như đảm bảo tính công tâm trong các quá trình ra quyết định.
Như vậy, với việc yêu cầu chủ tịch hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm tổng giám đốc, các công ty đại chúng của Việt Nam sẽ bắt buộc phải tuân theo các chuẩn mực quản trị quốc tế hiện đại. Quy chuẩn này kỳ vọng làm tăng tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động quản trị, điều hành tại các công ty đại chúng.
Chủ tịch HĐQT tách rời Tổng giám đốc: 3 năm có làm được không?
Không phủ nhận những lợi ích của việc tách rời vị trí của chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc, nhưng trên thực tế, để doanh nghiệp Việt Nam làm được, lại là điều không hề dễ dàng.
Tại Mỹ, theo các quy tắc quản trị áp dụng cho công ty đại chúng, công ty niêm yết do SEC ban hành hồi cuối tháng 11/2016, việc tách rời cá nhân đảm nhiệm chức danh chủ tịch và tổng giám đốc là nội dung khuyến cáo, không bắt buộc.
Thống kê của Spencer Stuart đối với các doanh nghiệp trong S&P500 công bố năm 2015 cho thấy, năm 2014, tỷ lệ các doanh nghiệp đã thực hiện tách rời 2 vị trí này là 48%, tăng mạnh so với mức 40% của năm 2010 và 29% của năm 2005. Tuy nhiên, thống kê của Spencer Stuart cũng chỉ ra, chỉ có 21 doanh nghiệp (tương đương 4% của S&P500) có quy định chính thức về việc phải tách rời 2 vị trí này.
Trong khi đó, một báo cáo của Trường đại học Stanford với 3.525 doanh nghiệp lại chỉ ra một thực tế, đa số các doanh nghiệp vẫn thích mô hình chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc. Cụ thể, 61% các doanh nghiệp này có chủ tịch kiêm tổng giám đốc.
Điểm thú vị trong báo cáo nghiên cứu này là, mô hình quản trị các doanh nghiệp không ổn định trong suốt 20 năm hoạt động trước đó. “Chỉ có 34% các công ty không thay đổi mô hình quản trị trong suốt 20 năm qua.
Trong số này, gần 50% duy trì việc tách rời vị trí chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc, hơn 50% là duy trì việc chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc”, Báo cáo viết.
Đặc biệt, các doanh nghiệp trung bình thay đổi mô hình quản trị khoảng 1,7 lần trong 20 năm, tương đương mức trung bình cứ 12 năm thay đổi một lần mô hình quản trị, trong đó doanh nghiệp quy mô lớn thay đổi nhiều hơn (trung bình khoảng 2,2 lần), trong khi doanh nghiệp quy mô nhỏ thay đổi ít hơn.
Báo cáo bổ nhiệm (Proxy Statement) năm 2016 của hãng ô tô GM (Mỹ) cho biết, kể từ 4/1/2016, hội đồng quản trị đã thay đổi mô hình, cho phép chủ tịch hội đồng quản trị được kiêm tổng giám đốc.
“Hội đồng quản trị cho rằng, việc tái kết hợp 2 vị trí được dẫn dắt bởi một cá nhân, như vậy sẽ tạo cho GM một tầm nhìn chiến lược rõ ràng và thống nhất trong giai đoạn có những thay đổi đặc biệt chưa từng có của ngành.
Với việc chịu trách nhiệm cá nhân cao nhất và am hiểu sâu sắc hoạt động hàng ngày, bà Barra (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc GM), mang đến cho Công ty hoạt động quản trị hiệu quả và tập trung thống nhất cho Hội đồng quản trị”.
Theo báo cáo của Stanford, rất nhiều lợi ích được chỉ ra từ việc tách rời vai trò chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc, nhưng hiệu quả thực tế thì chưa chắc. Báo cáo trích dẫn kết quả một số nghiên cứu như sau: “Nghiên cứu của nhóm Dalton, Daily, Ellstrand, và Johnson năm 1998 trên diện rộng và cho thấy, không có mối liên hệ nào giữa mô hình quản trị (tách rời hay kết hợp 2 vị trí chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc) với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”.
Với Việt Nam thì sao? Đa số các doanh nghiệp được hình thành từ sở hữu gia đình và đi lên, tính chuyên nghiệp trong làm thuê vẫn chưa lớn. Theo đó, 3 năm để 100% các doanh nghiệp đại chúng đáp ứng được yêu cầu tách biệt vai trò chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc sẽ là một thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp và với cả cơ quan giám quản việc thực thi tại doanh nghiệp đại chúng.