Ngành Thuế tăng cường giải pháp hỗ trợ người nộp thuế vượt khó vì đại dịch Covid-19

Ngành Thuế sẽ tập trung một loạt các giải pháp để một mặt vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, mặt khác phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020.

11/08/2020 11:11

Ngành Thuế sẽ tập trung một loạt các giải pháp để một mặt vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, mặt khác phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020.

Tăng cường các giải pháp hỡ trợ người nộp thuế

Theo Tổng cục Thuế, thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 2020 chịu tác động lớn của dịch Covid-19, hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng. Tổng sản phẩm trong nước quý 2 chỉ tăng 0,36%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm chỉ tăng 1,81%. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Tổng cục Thuế cho rằng, tình hình trên khiến số lượng doanh nghiệp tạm ngừng nghỉ kinh doanh tăng cao, nguồn thu ngân sách nhà nước phát sinh thấp.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 7, luỹ kế số thu ngân sách nội địa chỉ đạt 53% dự toán và bằng 91% so với cùng kì. Đây là mức thu đạt thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua và sụt giảm lớn từ quý 2.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh vượt khó khăn do đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành và trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành hàng loạt các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, từng bước phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Tổng cục Thuế nhận định, qua theo dõi số thu ngân sách các tháng và quý 2, sự phục hồi về thu ngân sách còn chậm. Do vậy, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đề nghị cục trưởng các cục thuế tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp cấp bách về hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 11/2020/CT-TTg ngày 4/3/2020.

Các cục thuế cũng phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân như: Nghị định số 70/2020/NĐ-CP về giảm 50% lệ phí trước bạ đăng ký lần đầu đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Nghị quyết số 116/2020/Qh14 về giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm; Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 14 về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế hiện hành…; Nghị quyết số 945/NQ-UBTVQH14 về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân…

Song song với đó, các cục thuế phải tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ về thuế phí liên tục, theo nhiều hình thức để đảm bảo mọi người nộp thuế được tiếp cận và hiểu rõ ràng. Để từ đó có thêm nguồn lực về vốn vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, góp phần phục hồi nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cơ quan Thuế các cấp tập trung rà soát toàn bộ các khoản thu phát sinh trong tháng 7 và quý 2/2020 của các doanh nghiệp không thuộc đối tượng được gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, lệ phí và tiền thuê đất để đôn đốc người nộp thuế thực hiện đúng, đủ các khoản phát sinh phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Cơ quan Thuế các cấp phải bố trí bộ phân trực vận hành hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử.

Rà soát các nguồn thu còn dư địa

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách đã được giao, Tổng cục Thuế yêu cầu toàn ngành Thuế tập trung triển khai các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế.

Cùng với đó là tổ chức thanh tra, kiểm tra ngay các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, rủi ro cao về thuế. Kiên quyết cưỡng chế, xử lý thu hồi nợ thuế đối với các doanh nghiệp dây dưa, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế, lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để chiếm đoạt tiền thuế.

Tổng cục Thuế cũng lưu ý các cục thuế rà soát các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng nhưng đang có vướng mắc về chính sách, thủ tục, quy trình để có cơ sở thu và đôn đốc thu kịp thời vào ngân sách nhà nước nhằm khai thác tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Các cục thuế cũng cần tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra… nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước.

Thời gian tới, Tổ công tác đánh giá tác động đến thu ngân sách nhà nước do dịch Covid-19 của các cục thuế để tiếp tục duy trì hoạt động theo dõi sát sao diễn biến hoạt động sản xuất kinh doanh, thường xuyên cập nhật tình hình sức khoẻ của doanh nghiệp và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thu ngân sách để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành thu ngân sách nhà nước của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.