Lo thép ngoại “đè” thép nội

Trong khi các DN trong các lĩnh vực khác như: thuỷ sản, da dày, dệt may… hân hoan trước những cơ hội mới từ các FTA trong đó có FTA VN – Liên minh kinh tế Á – Âu thì với các DN ngành thép lại đang hiển hiện một nỗi lo cho tương lai của mình.

25/06/2015 12:30

Trong khi các DN trong các lĩnh vực khác như: thuỷ sản, da dày, dệt may… hân hoan trước những cơ hội mới từ các FTA trong đó có FTA VN – Liên minh kinh tế Á – Âu thì với các DN ngành thép lại đang hiển hiện một nỗi lo cho tương lai của mình.

Nhập khẩu thép qua các năm

Sở dĩ có chuyện này là vì Liên minh kinh tế Á – Âu gồm các nước: Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan đều được xem là những “gã khổng lồ” trong ngành thép.

Đối diện với những“gã khổng lồ”

Đầu tiên và cũng là “nhân vật” chính được các DN thép Việt để mắt tới nhất trong khối liên minh này là các DN thép Nga. Nên nhớ, Nga không chỉ là một trong năm nước có năng lực sản xuất thép lớn hàng đầu thế giới mà giá thành sản xuất thép của Nga cũng thấp hơn nhiều so với các DNVN. Theo ông Hồ Nghĩa Dũng -Chủ tịch Hiệp hội thép VN, mỗi năm Nga sản xuất khoảng gần 70 triệu tấn và XK đi nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt Nga là nước có nền sản xuất với quy mô lớn với 70% sản xuất theo công nghệ lò cao, sản xuất từ quặng và đặc biệt có lợi thế về quặng tại chỗ, khí thiên nhiên dồi dào… Trong khi đó ở VN, thép xây dựng năng lực sản xuất chỉ từ 10 triệu tấn/năm nhưng thực tế chỉ sản xuất được 5-6 triệu tấn hàng năm do cung cầu mất cân đối.

Hơn nữa, nếu như Nga có lợi thế canh tranh là công nghệ hiện đại, sản xuất 70% từ công nghệ lớn, liên hợp lò cao, theo chu trình dài thì VN sản xuất theo chu trình ngắn thép được sản xuất từ lò điện bằng phế liệu, nền công nghệ thép chỉ phát triển 10 năm trở lại đây nay. So với thế giới VN đứng ở vị trí 26, tại Đông Nam Á, năng lực sản xuất cũng nhất nhì tùy từng loại, tiêu thụ xếp thứ 3.
Làm phép so sánh như vậy để thấy rằng, nếu như ngành thép Nga là “gã khổng lồ” thì ngành thép VN chỉ được xem là “chàng tí hon” trong con mắt của họ. Rõ ràng, nếu không có những giải pháp mang tính kỹ thuật, chẳng hạn dựng các hàng rào tiêu chuẩn để giảm thiểu sự xâm nhập của thép Nga vào VN thì nguy cơ thép nội bị “đè” gần như là điều chắc chắn.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ngoài khối Liên minh kinh tế Á – Âu, mối lo lớn nhất hiện nay của các DN thép vẫn là thép Trung Quốc. Việc các DN thép Trung Quốc lách luật bằng cách thêm chất Bo vào để hưởng quy chế thuế suất 0% đang gây ra những khó khăn cho thép sản xuất trong nước. Ban đầu, các DN Trung Quốc chỉ pha nguyên tố Bo vào sản phẩm thép cuộn, nhưng sau này họ đã pha nguyên tố Bo vào các sản phẩm thép khác như thép cuộn cán nóng (HRC), thép tấm cán nóng và cả thép hình để đa dạng hóa sự cạnh tranh với các sản phẩm thép Việt.

Nhỏ nhưng nếu có võ vẫn… thắng

Ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN cho biết, lượng thép NK đang tiếp tục có chiều hướng gia tăng mạnh, tập trung chủ yếu dưới dạng thép hợp kim. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh sản xuất của các DN trong nước. “Nếu so với cùng kỳ năm trước đã tăng 135,4% và với đà này, Hiệp hội dự báo, năm nay số lượng phôi thép nhập khẩu mà chủ yếu từ thị trường Trung Quốc có thể lên tới con số hàng triệu tấn”-ông Sưa lo lắng.

Còn nhớ, trong một diễn đàn DN Việt – Nga hồi cuối năm ngoái, ông Golikov Maxim, Trưởng đại diện thương mại Liên bang Nga tại VN đã trấn an các nhà sản xuất thép Việt rằng: “Những sản phẩm thép mà phía Nga XK vào VN sẽ là dòng thép có công nghệ cao, chỉ chiếm khoảng 6-7% tổng sản lượng thép trên thị trường, nên các DNVN cứ yên tâm sản xuất”. Tuy nhiên nếu để ý sẽ thấy, Nga là nước sản xuất rất nhiều loại thép khác nhau, trong bối cảnh kinh tế Nga đang gặp khó khăn, Chính phủ khuyến khích XK thì chắc chắn thép sẽ là một mặt hàng được đẩy mạnh để mang kim ngạch về cho đất nước. Vậy nên giới phân tích cho rằng các DN cần chủ động cạnh tranh bên cạnh các giải pháp kỹ thuật khác.

Còn tại một diễn đàn gần đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có lạc quan cho rằng, hiện tại nhu cầu thép xây dựng tại thị trường nội địa vẫn giữ mức tăng trưởng khá mặc dù lượng tiêu thụ mặc dù có giảm nhẹ so với tháng trước. Nhưng thực tế, nếu nhìn vào kim ngạch XNK của ngành thép có lẽ sẽ không tránh khỏi cảm giác lo lắng khi lượng thép nhập khẩu vẫn gia tăng trong khi thép XK lại có vẻ như đang chững lại. Cụ thể, NK thép các loại từ các thị trường trong tháng 5/2015 giảm 19,3% về lượng và 34,5% về trị giá so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu thép các loại tăng 14,7% về lượng, giảm 2,5% về trị giá, tuy nhiên nhập khẩu sản phẩm từ thép tăng 51,2% về trị giá so với cung kỳ.