Kỳ vọng từ Diễn đàn doanh nghiệp giữa kỳ 2015

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ngày 9/6 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo nhiều bộ, ngành, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc dự kiến sẽ đề nghị một chương trình tổng thể phát triển kinh tế tư nhân để “bảo đảm rằng khu vực này sẽ là động lực tăng trưởng chính”…

09/06/2015 16:35

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ngày 9/6 với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo nhiều bộ, ngành, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc dự kiến sẽ đề nghị một chương trình tổng thể phát triển kinh tế tư nhân để “bảo đảm rằng khu vực này sẽ là động lực tăng trưởng chính”…

Trước thềm Diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cũng là Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay chính là năng lực cạnh tranh của các công ty tư nhân trong nước.

Trong bối cảnh đó, sự tham dự của Thủ tướng khiến ban tổ chức Diễn đàn và cả cộng đồng doanh nghiệp hết sức hứng khởi. “Đây là lần thứ ba liên tiếp, sau các kỳ Diễn đàn giữa năm và cuối năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn”, ông Vũ Tiến Lộc nhắc đi nhắc lại điều này khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ.

Tiến bộ vượt bậc từ Nghị quyết 19

Nhìn lại thời gian qua, Chủ tịch VCCI nhận định cùng với nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ còn có 2 động thái cải cách quan trọng là thúc đẩy đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác lớn hàng đầu trên thế giới và chương trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19.

Nghị quyết 19 đã thực sự mở đường cho những nỗ lực đột phá, bước đầu đã thực hiện tốt trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp… Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, lần đầu tiên trong nhiều năm, năm 2015, đã có hơn 70% doanh nghiệp cho biết họ hài lòng với công tác cải cách hành chính của ngành Thuế.

“Đó là một tiến bộ vượt bậc. Ví dụ trên cho thấy nếu thực hiện quyết liệt các mục tiêu của Nghị quyết 19 có thể mở ra triển vọng đột phá ở nhiều lĩnh vực trong một thời gian ngắn”, ông Vũ Tiến Lộc nhận xét.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn chưa được cải thiện đáng kể. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp gần 50% GDP, nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp tới trên 33% GDP, cho thấy khu vực tư nhân còn quá manh mún. Trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, xét về dài hạn, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải là động lực tăng trưởng chính, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế và bảo đảm sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế nội địa.

Cần thực thi nhất quán tinh thần cải cách

Dự kiến, trước Thủ tướng và lãnh đạo nhiều bộ ngành, Chủ tịch VCCI sẽ kiến nghị một chương trình hành động tổng thể thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Có thể thấy, bao trùm những điểm nổi bật của kiến nghị này chính là việc thực thi nhất quán, đồng bộ và quyết liệt tinh thần cải cách đã được Chính phủ và Thủ tướng xác lập thời gian qua.

Về cải cách thủ tục hành chính, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh vấn đề là cần có sự nỗ lực đồng bộ của tất cả các bộ ngành, từ tư duy, quan điểm đến hành động. Cũng liên quan đến thủ tục hành chính, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh, tránh tình trạng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thì mở ra nhưng các luật chuyên ngành và nghị định, thông tư hướng dẫn thì khép lại.

Đặc biệt, phải tiến hành rà xét và gỡ bỏ ngay các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp trong hàng nghìn điều kiện kinh doanh của 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư, đồng thời với việc xóa bỏ tất cả các giấy phép và điều kiện kinh doanh nằm ngoài danh mục 267 ngành nghề đó.

Đồng thời, cần thực hiện mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa dịch vụ công được Chính phủ nhấn mạnh trong Nghị quyết 19. Theo quan sát của ông Vũ Tiến Lộc, thực tiễn hơn một năm qua cho thấy, các bộ, ngành chưa thực sự tích cực rà soát và thực hiện chuyển giao dịch vụ công cho các tổ chức xã hội và thị trường theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 19 và chỉ đạo của Thủ tướng

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, Chủ tịch VCCI cũng cho biết sự yếu kém của các thiết chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp trong kinh doanh đang là một trong những điểm quan ngại hàng đầu hiện nay.

“Sự chậm trễ, hiện tượng oan sai trong xét xử, việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế và hiệu lực thi hành các phán quyết của tòa án không nghiêm đang phát đi một tín hiệu về yêu cầu tăng cường cải cách tư pháp song hành với nỗ lực cải cách hành chính, nâng cao niềm tin và sự dấn thân của doanh nghiệp vào sự nghiệp kinh doanh trong thời gian tới”, Chủ tịch VCCI nhận xét.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn Quốc hội và Chính phủ sớm ban hành Luật Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định về công nghiệp hỗ trợ, Nghị định về hiệp hội doanh nghiệp… để tăng cường cơ sở pháp lý, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.

Cùng với đó, xây dựng và thực hiện “Chương trình quốc gia khởi nghiệp” để định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên và trợ giúp thành lập các doanh nghiệp mới sáng tạo và doanh nghiệp hỗ trợ hoạt động trong các ngành và lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh…