Kinh tế và nỗi ám ảnh Covid-19
31/07/2020 15:45
Nỗi ám ảnh mang tên Covid-19, dù chưa bao giờ nguôi, nhưng đã trở lại đầy âu lo, trong bối cảnh nền kinh tế chỉ vừa nhúc nhích những bước đi ngắn sau thời kỳ giãn cách xã hội.
Kinh tế nhúc nhích từng bước
Có thể thấy rất rõ sự “nhúc nhích” của nền kinh tế qua các chỉ số kinh tế vĩ mô 7 tháng đầu năm, chính thức được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/7.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Tất nhiên, con số này còn thấp và không đạt được mức tăng đột phá trong thời kỳ Covid-19 như tháng 6/2020 (tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước), nhưng dù sao vẫn là có tăng trưởng dương. Tương tự như vậy, 7 tháng, dù chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ, thấp nhất trong nhiều năm qua, song vẫn là có tăng trưởng.
Sản xuất có tăng trưởng, nên mặc dù trong 7 tháng qua, cả nước chỉ có 75.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng 17,6%. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể giảm 12,2%, còn số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 3,5%.
“Điều đó cho thấy những tín hiệu tích cực của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và kế hoạch phục hồi nền kinh tế nước ta sau dịch bệnh Covid-19”, Tổng cục Thống kê nhận xét.
Điều đáng nói là, trong bối cảnh Covid-19 trong nước được kiểm soát tốt, hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản trở lại trạng thái bình thường. Các dự án, công trình đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 7 và 7 tháng năm 2020 đã đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 7/2020 ước tính đạt 45.700 tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 203.000 tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 chỉ bằng 41,6% và tăng 4,7%).
Trong khi đó, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 7/2020 cũng tiếp tục xu hướng tăng trở lại nhờ các chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa, các gói hỗ trợ của Chính phủ giúp người dân giảm bớt gánh nặng chi tiêu. Đây cũng là tháng học sinh, sinh viên trong kỳ nghỉ hè nên nhiều gia đình tổ chức đi du lịch trong nước, nên cũng đã có tác động đến tiêu dùng trong nước.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ còn giảm 0,4% so với cùng kỳ; nếu tính cả yếu tố giá cả, mức giảm là 4,8%. Những tháng trước, đã có thời điểm, chỉ số này giảm “sốc” hơn 8%.
Thị trường trong nước bắt đầu có dấu hiệu tích cực hơn, thị trường nước ngoài cũng vậy. 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Cán cân thương mại 7 tháng thặng dư tới 6,5 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, lạm phát đang dần chững lại, khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng chỉ còn tăng 4,07%, tức là đã lùi dần về ngưỡng 4% - mục tiêu kiểm soát lạm phát của nền kinh tế trong năm nay.
Một cách rõ ràng, dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 7 và 7 tháng đầu năm đã ít nhiều có những dấu hiệu tích cực hơn, sau thời kỳ giãn cách xã hội hồi tháng 4.
Và nỗi ám ảnh mang tên Covid-19
Một sự trùng hợp, đúng vào thời điểm Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, với ít nhiều những chỉ số có dấu hiệu tích cực, thì những thông tin về đại dịch Covid-19 quay trở lại cũng được loan báo. Sáng 29/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, Covid-19 đã lây nhiễm ở 7 tỉnh, thành phố, trong đó có các thành phố lớn như Hà Nội.
Để chống suy giảm kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ đã áp dụng một loạt biện pháp, trong đó có đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch… Du lịch nội địa vừa sôi động trở lại sau khi Việt Nam có 100 ngày không có lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Nhưng giờ thì câu chuyện đã khác, khi tình hình dịch bệnh được đánh giá là “nghiêm trọng và phức tạp”. Chính Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nói rằng, tình hình phức tạp nên các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan. “Nếu không có biện pháp kịp thời thì hậu quả vô cùng lớn, hệ thống y tế không đảm bảo được và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đầy âu lo khi nói rằng, dịch bệnh đã quay lại và có thể làm tình hình kinh tế chững lại, trước mắt là Đà Nẵng. Thời điểm Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói điều này là ngày 28/7, khi mới chỉ có thông tin về các ca bệnh ở Đà Nẵng. Còn hiện tại, dịch bệnh đang có xu hướng lan rộng.
“Tình hình này, kinh tế - xã hội quý III sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới cả năm”, chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh đã nói như vậy với phóng viên Báo Đầu tư.
Tờ Bloomberg cũng vừa nhận định, đại dịch Covid-19 đã quay trở lại trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam, dù trước đó đây là khu vực ngăn chặn virus này tương đối hiệu quả. Điều này được Bloomberg cho là “một cảnh báo sớm” cho sự sụt giảm của kinh tế thế giới.
Cách đây ít ngày, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã công bố 2 kịch bản kinh tế cho năm 2020. Trong đó, kịch bản cơ sở, khả năng cao sẽ xảy ra, là tăng trưởng GDP sẽ ở mức 3,8%. Còn kịch bản bất lợi, khả năng thấp, tăng trưởng GDP là 2,2%. Ở cả hai kịch bản này, các chuyên gia kinh tế đều giả định, dịch bệnh vẫn tiếp tục được kiểm soát tốt ở Việt Nam, không có chuyện tái phát.
Tuy nhiên, điều lo ngại lớn nhất đã xảy ra. Rất có thể, một “làn sóng” Covid-19 thứ hai đang quay trở lại. Đà Nẵng đã phải thực hiện giãn cách xã hội. Xu hướng hủy tour du lịch đang bắt đầu. Nếu điều này cũng xảy ra ở khác địa phương khác, thì kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ chịu những tác động nghiêm trọng trong nửa cuối năm.