Kinh tế trong tuần: Tỉ giá tăng, giá xăng giảm
24/08/2015 17:42
Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng, giá xăng giảm mạnh, công bố chỉ số CPI tháng 8 của Hà Nội, TPHCM,… là những thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần qua.
Tỉ giá tăng, giá xăng giảm
Sáng 19/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố điều chỉnh tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD áp dụng cho ngày 19/8 từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD, mức điều chỉnh tăng 1%. Đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỉ giá từ +/-2% lên +/-3%.
Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm NHNN trực tiếp tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng, với tổng mức tăng 3%. Với lần điều chỉnh này, tỉ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.890 VND/USD và biên độ tỉ giá +/-3%, thì tỉ giá trần là 22.547 VND/USD, tỉ giá sàn là 21.233 VND/USD.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết việc điều chỉnh tăng biên độ tỉ giá trước đó đúng 1 tuần (vào ngày 12/8) từ +/-1% lên +/-2% được đánh giá tích cực, cho rằng đây là một giải pháp kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế.
Tuy nhiên, tiếp sau sự kiện phá giá mạnh của đồng NDT nêu trên, tâm lý thị trường trong nước vẫn còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm tăng lãi suất. Vì vậy, nhằm tiếp tục chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Fed tăng lãi suất trong thời gian tới, NHNN đã quyết định có sự điều chỉnh tỉ giá và nới rộng biên độ tỉ giá thêm 1%.
Đánh giá về lần điều chỉnh này, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho đây là bằng chứng cho thấy sự linh hoạt hơn trong điều hành tỉ giá, qua đó cho phép các yếu tố thị trường có vai trò quan trọng hơn trong việc xác định tỉ giá, góp phần ổn định thị trường tài chính.
Có cùng quan điểm trên, ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cho biết IMF hoan nghênh biện pháp này của NHNN. Việc mở rộng biên độ tỉ giá giúp tăng cường khoảng đệm chính sách để chống đỡ các "cú sốc" bên ngoài và giúp Việt Nam có thêm dư địa cho chính sách tiền tệ độc lập nhằm đạt được mục tiêu lớn hơn là duy trì ổn định lạm phát và kinh tế vĩ mô nói chung.
Việc tăng cường linh hoạt tỉ giá theo cả hai chiều cũng có ý nghĩa quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho những thay đổi nền tảng của kinh tế Việt Nam như việc tham gia các hiệp định thương mại mới và các cải cách cơ cấu khác.
* 15h chiều cùng ngày, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính yêu cầu giá bán lẻ xăng RON 92 không được cao hơn 18.536 đồng/lít, tức giảm khoảng 768 đồng/lít; xăng E5 không vượt quá 18.041 đồng, giảm 768 đồng/lít; dầu diesel giảm 441 đồng/lít; dầu hoả giảm 703 đồng/lít; dầu mazut giảm 736 đồng/lít.
Như vậy, giá bán lẻ mặt hàng xăng đã giảm 4 lần liên tiếp, kể từ mức đỉnh 20.710 đồng/lít lập hồi tháng 6 và đây là lần giảm thứ 2 trong tháng 8 này.
Chỉ định tân Tổng Giám đốc DongA Bank
Ngày 20/8, NHNN đã công bố quyết định số 1860/QĐ-NHNN đình chỉ nhân sự điều hành DongA Bank.
Cụ thể, Tổng Giám đốc Trần Phương Bình và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Ngọc Vân đã bị Ngân hàng Nhà nước đình chỉ chức vụ.
Ông Võ Hải Nam, Giám đốc Ban Quản lý rủi ro BIDV được NHNN chỉ định giữ chức vụ Tổng Giám đốc DongA Bank thay thế ông Bình. Ông Phạm Thế Nguyên, Giám đốc Sở giao dịch 2 thuộc BIDV sẽ giữ chức Phó Tổng Giám đốc của DongA Bank thay bà Vân.
Quyết định do Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh ký, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8.
Trước đó, NHNN đã có thông cáo báo chí về quá trình thanh tra toàn diện tại DongA Bank vào ngày 14/8 và đưa NH này vào trường hợp kiểm soát đặc biệt.
CPI tháng 8 Hà Nội, TPHCM tăng giảm trái chiều
Theo Cục Thống kê TPHCM, chỉ số CPI trên địa bàn Thành phố trong tháng 8 giảm 0,12% so với tháng 7.
CPI tháng 8 giảm nhẹ là do tác động của 2 đợt giảm giá xăng dầu (ngày 20/7 và ngày 4/8) dẫn tới sự giảm giá của nhóm giao thông - nhóm có mức giảm cao nhất, giảm 2,4% so với tháng trước. Cũng do tác động giảm giá của xăng dầu, giá vé ô tô khách cũng giảm 2,14% so tháng trước.
Trong khi đó, thông tin từ Cục Thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số CPI tháng 8/2015 tăng 0,17% so với tháng 7. Tăng cao nhất là nhóm hàng giáo dục, tăng 2,9%, do hiện đang là thời điểm chuẩn bị vào năm học mới nên người tiêu dùng tăng mua sắm.
Nhóm hàng thực phẩm tăng 0,64% so với tháng trước. Nguyên nhân là do đợt mưa kéo dài nên rau bị dập nát khiến giá tăng cao. Ngoài ra giá các loại trứng gia cầm cũng tăng do nhu cầu sản xuất bánh Trung thu tăng mạnh.
Nhãn Hưng Yên, bánh Trung thu đi Mỹ
Lô nhãn 2 tấn được doanh nghiệp thu mua tại xã Hàm Tử và Hồng Nam (Hưng Yên), sau đó chuyển vào TPHCM chiếu xạ và lên đường sang thị trường Mỹ. Tuy số lượng còn hạn chế, song đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân, khuyến khích người trồng nâng cao chất lượng mặt hàng này.
Trước đó, xã Hồng Nam và xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu) được quy hoạch gần 20 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Ngoài ra, Hồng Nam có hơn 170 ha trồng loại cây này, cho sản lượng trung bình khoảng trên 2.000 tấn mỗi năm.
* Theo thông tin từ Công ty CP Kinh Đô Bình Dương, doanh nghiệp này vừa xuất khẩu 20 tấn bánh Trung thu (tương đương khoảng 100.000 chiếc bánh) sang Mỹ để khởi động mùa kinh doanh Trung thu 2015.
Dự án ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ
Trong tuần, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 34/2015/QĐ-TTg ban hành Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ.
Theo đó, Danh mục này bao gồm: Dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án trong lĩnh vực năng lượng, khai thác, chế biến khoáng sản hoặc sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ xuất khẩu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đáp ứng các tiêu chí: Là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công và thuộc lĩnh vực, địa bàn được Nhà nước khuyến khích đầu tư theo Luật đầu tư.
Chương trình, dự án trong lĩnh vực năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản thuộc nhóm A theo Luật Đầu tư công gồm Đầu tư hạ tầng điện lực, đầu tư xây dựng mới nhà máy điện, phân phối điện, truyền tải điện; đầu tư nhà máy lọc dầu.
Chương trình, dự án thuộc lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích đầu tư gồm Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông (đường cao tốc) có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên; phát triển vận tải công cộng (Đầu tư mua máy bay theo chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Các dự án đặc biệt do Chính phủ quyết định.