Kiên định thực hiện lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã đi vào lịch sử với tính chất đột phá mở đường và dẫn đường; là một thành tựu lớn trong tiến trình của lịch sử nhân loại với lý tưởng vô cùng cao đẹp là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, thực hiện hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội (CNXH).

05/11/2018 14:44

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã đi vào lịch sử với tính chất đột phá mở đường và dẫn đường; là một thành tựu lớn trong tiến trình của lịch sử nhân loại với lý tưởng vô cùng cao đẹp là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, thực hiện hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội (CNXH).

CUỘC CÁCH MẠNG LÀM RUNG CHUYỂN THẾ GIỚI

Cách đây hơn một thế kỷ, vào ngày 7-11-1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích Nga, đứng đầu là V.I. Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản, lập nên Nhà nước Xô viết - nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) đầu tiên trên thế giới. Cách mạng Tháng Mười Nga đã “làm rung chuyển thế giới”, phá tan một mảng lớn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản, đế quốc, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại - thời đại quá độ lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và lý tưởng cao cả của nó, “cách mạng quốc tế tương lai sẽ xây dựng lên lâu đài xã hội chủ nghĩa của mình”(1). Với ý nghĩa và ảnh hưởng lớn lao: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất”(2), đã không chỉ mở ra con đường giải phóng dân tộc cho tất cả các dân tộc thuộc địa mà còn thức tỉnh, cổ vũ giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới đứng lên đấu tranh tự giải phóng và lựa chọn con đường giành tự do, dân chủ.

Dưới ảnh hưởng lớn lao bởi mục tiêu, lý tưởng XHCN cao đẹp của cuộc cách mạng vĩ đại đó, nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ - Latinh đã lựa chọn con đường XHCN cho sự phát triển. Vì thế, CNXH từ một nước đã phát triển trở thành hệ thống thế giới, đóng vai trò chi phối nhiều vấn đề và sự kiện quan trọng của thế giới hiện đại. Chính chế độ XHCN tốt đẹp đã từng bước đưa nhân dân lên làm chủ xã hội; thúc đẩy trào lưu đấu tranh cho quyền tự do, dân chủ trên toàn thế giới. Cũng chính quá trình xây dựng CNXH ở Liên Xô và các nước XHCN đã đưa tới sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân lao động. CNXH không chỉ có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống hiện thực thế giới mà còn đóng vai trò quyết định cứu loài người ra khỏi thảm họa phát xít, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới...

Sự sụp đổ chế độ XHCN
ở Liên Xô và các nước Đông
Âu không phải là sự sụp đổ
của CNXH hiện thực với bản
chất cách mạng, khoa học, mà
chỉ là sự sụp đổ của một mô
hình CNXH cụ thể, giáo điều,
xơ cứng, chậm thay đổi trước
những biến chuyển to lớn của
thời cuộc. Nhất là trong khi
cải tổ, cải cách, những người
cộng sản lại xa rời các nguyên
tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin,
từ bỏ vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản đối với nhà
nước và xã hội. Do đó, tất cả ý
đồ, thủ đoạn chống phá của
các thế lực thù địch chỉ có thể
làm chậm lại bước tiến của
cách mạng chứ không thể đảo
ngược bánh xe lịch sử và cũng
không thể phủ nhận được
những giá trị to lớn, lý tưởng
cao đẹp của Cách mạng
Tháng Mười Nga
.

Tuy nhiên, trong bước đường phát triển thăng trầm của CNXH, từ cuối thập niên 1980, hệ thống XHCN thế giới bước vào thời kỳ khủng hoảng, dẫn tới sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong những năm 1989 - 1991. Trước chấn động chính trị kinh hoàng đó, cách mạng XHCN thế giới lâm vào bước thoái trào đã làm cho lòng tin của không ít cán bộ, đảng viên cộng sản về CNXH, về lý tưởng và giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga suy giảm. Sự sụp đổ của mô hình CNXH Xô viết xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có cả khách quan lẫn chủ quan. Song, trực tiếp là do những sai lầm nghiêm trọng về đường lối cải tổ, cải cách, về công tác xây dựng Đảng, về công tác cán bộ và tổ chức thực hiện; sự phản bội của giới lãnh đạo chóp bu đã xa rời những nguyên lý của CNXH khoa học và lý tưởng XHCN của Cách mạng Tháng Mười. Những điều đó, đã tác động rất sâu sắc đến mọi mặt của đời sống chính trị thế giới, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận động và phát triển của CNXH hiện thực. Các nước đi theo con đường XHCN, phong trào cộng sản và cánh tả gặp phải nhiều khó khăn; các thế lực thù địch có dịp để chống phá quyết liệt, tìm cách xoá bỏ CNXH.

Với việc rao giảng luận thuyết Cách mạng Tháng Mười Nga là “một sai lầm của lịch sử”, các thế lực thù địch hòng bẻ cong quy luật phát triển của lịch sử nhân loại và phủ nhận những giá trị, lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười. Theo chúng, lịch sử không có cái chế độ xã hội mang tên là CNXH mà chỉ có chủ nghĩa tư bản là chế độ xã hội “vĩnh hằng” là tất yếu của lịch sử (!); lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga về hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH chỉ là sự “mơ hồ”, “ảo tưởng”(!).

Chính từ thực tiễn biến động đó, những người cộng sản đã nhìn lại, nghiêm túc đúc kết được các bài học quý giá, để mỗi quốc gia nhận thức rõ hơn, đúng hơn quy luật vận động, phát triển đi lên CNXH phù hợp với đặc điểm dân tộc mình và xu thế của thời đại. Nhờ đó, cho đến hôm nay, CNXH vẫn là một lực lượng tiên phong trong cuộc đấu tranh cho lý tưởng XHCN cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười với các mục tiêu: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH; CNXH vẫn là niềm tin, hy vọng của nhân dân lao động toàn thế giới, là một chủ thể quan hệ quốc tế hiện hữu mà không một thế lực nào có thể bỏ qua.

Người dân và lực lượng khởi nghĩa diễu hành tại Saint Peterburg chúc mừng thành công của cuộc Cách mạng ngày 7-11-1917.
Người dân và lực lượng khởi nghĩa diễu hành tại Saint Peterburg chúc mừng thành công của cuộc Cách mạng ngày 7-11-1917.

KIÊN ĐỊNH LÝ TƯỞNG XHCN CỦA CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA

Đối với Việt Nam, dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin và ảnh hưởng to lớn bởi lý tưởng XHCN cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga, bằng những tri thức phong phú, sự trải nghiệm sâu rộng và bằng mẫn cảm chính trị sáng suốt, ngay từ thập niên 1920, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định dứt khoát: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công, và thành công đến nơi”(3) và “bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”(4). Từ đó, Người đặt trọn vẹn niềm tin vào con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, xem đó là chiếc cẩm nang thần kỳ, là kim chỉ nam, là mặt trời soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Chính điều này, đã quyết định Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tìm và lựa chọn được con đường cứu nước duy nhất đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Đó là con đường cách mạng vô sản, đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga.

Trên cơ sở nhận thức có ý nghĩa nền tảng về lý tưởng, mục tiêu của cách mạng vô sản mà Cách mạng Tháng Mười là hình mẫu, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ năm 1930 đã xây dựng đường lối chiến lược cách mạng phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của đất nước; trong đó, tư tưởng xuyên suốt, nhất quán là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Trong tư duy chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, độc lập dân tộc và CNXH gắn bó chặt chẽ, biện chứng với nhau; độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết của CNXH và CNXH là nhân tố quyết định bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc.

Dưới ánh sáng soi đường và sự kiên định thực hiện lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga, với đường lối đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại.

Trải qua gần 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã luôn kiên định, kiên trì lập trường trước sau như một, theo đuổi lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga, quyết tâm thực hiện con đường độc lập dân tộc và CNXH. Vì thế, trước những thời điểm lịch sử có ý nghĩa bước ngoặt, với những thử thách vô cùng khắc nghiệt, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thay mặt toàn dân tộc, luôn thể hiện sự kiên định, vững vàng không gì lay chuyển nổi trước mục tiêu đã chọn.

Vào cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, trước cơn chấn động chính trị toàn cầu khi mô hình CNXH ở Liên bang Xô viết và các nước Đông Âu sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam công bố Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991), đã khẳng định mục tiêu nhất quán của Việt Nam là tiến lên CNXH. Lập trường kiên định đó được khẳng định và luận giải thấu đáo hơn trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011). Trong đó, khẳng định: “Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”(5) và đồng thời chỉ rõ: Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của lịch sử.

Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đó là kết quả của quá trình đổi mới có nguyên tắc, năng động trên cơ sở kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đồng thời, đó cũng chính là kết quả của sự kiên định thực hiện lý tưởng XHCN cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Thành tựu đạt được về mọi mặt là minh chứng sinh động cho sức sống của CNXH ở Việt Nam. Công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước dù phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách; song, với lý tưởng cao đẹp, những bài học thực tiễn sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga tiếp tục soi rọi, tỏa sáng, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn tiếp tục đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phát triển bền vững, đi lên CNXH.

Hơn một thế kỷ đã đi qua với bao thăng trầm của lịch sử, nhưng lý tưởng XHCN cao đẹp và con đường Cách mạng Tháng Mười vẫn mãi mãi là niềm tin, là hy vọng, là “mặt trời chói lọi” tiếp tục toả sáng, soi rọi cuộc đấu tranh cho mục tiêu xoá bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công, thực hiện hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH. Kiên định với lý tưởng và bước tiếp theo con đường của Cách mạng Tháng Mười - con đường gắn độc lập dân tộc với CNXH, sẽ bảo đảm cho cách mạng Việt Nam tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn trong tình hình mới, hướng tới dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Sức sống trường tồn, giá trị thời đại và lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười, của CNXH vẫn tiếp tục được khẳng định. Nhờ kiên định với mục tiêu, lý tưởng XHCN của Cách mạng Tháng Mười,nên CNXH hiện thực không những không bị tiêu diệt mà còn tỏ rõ sức sống mãnh liệt và tính ưu việt thông qua
quá trình đổi mới, cải cách và phát triển ở các nước XHCN còn lại hiện nay, trong đó có Việt Nam.

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, M, 1977, t.36, tr.473.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.15, tr.387.

(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.304, 289.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, tr.69.