Khẩn trương ban hành biện pháp tự vệ với thép nhập khẩu giá rẻ

Trước tình trạng thép nhập khẩu giá rẻ đang tràn vào Việt Nam gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ khẩn trương xây dựng và ban hành các biện pháp tự vệ khẩn cấp để bảo vệ các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước.

24/03/2016 09:12

Trước tình trạng thép nhập khẩu giá rẻ đang tràn vào Việt Nam gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ khẩn trương xây dựng và ban hành các biện pháp tự vệ khẩn cấp để bảo vệ các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước.

Năm 2015, mặt hàng thép có kim ngạch nhập khẩu tăng gần 2 lần so với năm trước, với lượng thép nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc. Phía DN Trung Quốc đã dùng kĩ xảo trộn vào thép một tỷ lệ rất nhỏ những nguyên tố như Bo, Cr hoặc titan để “lách luật”, biến thép thường trở thành thép hợp kim - loại thép được áp dụng mức thuế 0%.

Mặc dù có hiện tượng đó nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa sử dụng những công cụ mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép để ngăn chặn. Nguyên nhân chính là do hiện nay ngành thép đang tồn tại nhiều đối tượng sản xuất khác nhau như chỉ sản xuất phôi thép, nhập khẩu thép hoặc sử dụng phôi thép đó để luyện, cán ra những sản phẩm khác nhau, hay có DN chỉ đơn thuần làm thương mại đối với mặt hàng thép nhập khẩu giá rẻ và bán ra giá cao. Chính vì thế, sau khi Bộ Công Thương ra quyết định về việc điều tra, áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, vừa qua, 6 DN ngành thép đã cùng ký tên trong một kiến nghị gửi tới Thủ tướng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, đề nghị không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép nhập khẩu.

Trước những ý kiến trái chiều này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương điều tra mức độ ảnh hưởng của các sản phẩm thép nhập khẩu giá rẻ đến sản xuất trong nước. Ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh chia sẻ, ngay khi có thông tin, cục đã làm việc với các DN để đánh giá mức độ ảnh hưởng, đồng thời lắng nghe những phản hồi của DN để tìm kiếm các giải pháp bảo vệ DN trong nước theo các nội dung như đã có tình trạng phá giá chưa? Nếu có, nên sử dụng biện pháp bảo hộ nào cho phù hợp, không vi phạm luật pháp quốc tế cũng như đảm bảo những cam kết về WTO?

“Trên cơ sở những kết quả điều tra đó, Cục Quản lý cạnh tranh đang xây dựng kế hoạch áp dụng các biện pháp tự vệ với mặt hàng thép nhập khẩu giá rẻ. Dự kiến, việc này sẽ được hoàn thành trước ngày 10/3, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương, và các biện pháp tự vệ sẽ được áp dụng ngay lập tức,” ông Bạch Văn Mừng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định thêm: “Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, các DN đang phải cạnh tranh gay gắt, các biện pháp tự vệ trong nước phải đảm bảo giúp DN thuận lợi nhất trong việc sản xuất, kinh doanh. Bộ Công Thương sẽ khẩn trương ban hành các biện pháp tự vệ khẩn cấp đối với mặt hàng phôi thép, không để kéo dài gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước”.

Động thái này đã nhận được sự đồng thuận tương đối cao của nhiều DN ngành thép. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), các DN ngành thép đang được khuyến cáo đầu tư sản xuất đồng bộ, khép kín và vững mạnh thật sự chứ không phải chỉ gia công bằng cách nhập phôi thép về cán ra sản phẩm. Việc áp dụng biện pháp tự vệ là phù hợp thông lệ quốc tế, bảo vệ lợi ích chung của toàn ngành chứ không riêng cho DN nào. Nếu không sớm áp dụng biện pháp tự vệ, ngành thép Việt Nam sẽ không tồn tại được bởi các DN đầu tư bài bản, sản xuất từ thượng nguồn sẽ có nguy cơ phá sản.