Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: Đạt kết quả tích cực, đáng phấn khởi
18/01/2021 10:31
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (từ năm 2016 đến nay), đất nước có sự khởi sắc rõ nét, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, với nhiều kết quả nổi bật.
Đời sống vật chất, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện. Đa số cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có cuộc sống vật chất, thu nhập “tốt hơn” so với giai đoạn trước năm 2016.
Đó là kết quả cuộc điều tra dư luận xã hội về “Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” do Viện Dư luận xã hội triển khai vào cuối tháng 11 năm 2020. Mục đích cuộc điều tra nhằm tìm hiểu các ý kiến đánh giá của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Theo kết quả điều tra, đáng chú ý, nhiều nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trên các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, được đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá đã “đạt được kết quả tích cực, đáng phấn khởi”.
Trong đó, 11 nhiệm vụ có tỷ lệ cao (đạt từ 70% trở lên) cho rằng, đã đạt được kết quả đáng phấn khởi, cụ thể là:
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (86%); phòng chống dịch bệnh (85%); giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội (81%); thể hiện ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước (80%); củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc (79%); phát huy quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc (79%); thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới (76%); thực hiện tốt chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo (73%); cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng chính sách nông thôn mới (72%); bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, thực hiện tốt chính sách với người có công (72%); phòng, chống tham nhũng (71%).
Nhiều hiện tượng xấu, tiêu cực được đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá “đã giảm đi” như: hiện tượng mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nhân dân; hiện tượng mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa tổ chức nhân dân với chính quyền; hiện tượng mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa tổ chức tôn giáo với chính quyền; hiện tượng mâu thuẫn, mất đoàn kết trong chi bộ, đảng bộ, cấp ủy đảng; tham nhũng, tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và toàn xã hội; kỷ cương, phép nước không nghiêm; mê tín dị đoan; quan liêu, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức; tệ nạn xã hội; sự cửa quyền, sách nhiễu của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan công quyền…
Hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở được dư luận đánh giá “tốt hơn” so với giai đoạn trước năm 2016.
Phần lớn cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng ý kiến góp ý của mình sẽ được lắng nghe, tiếp thu sửa đổi khi góp ý với tổ chức đảng, chính quyền ở cơ sở
Theo kết quả điều tra, có 16 nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XII được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có tỷ lệ só người ghi nhận “đã đạt kết quả tích cực, đáng phấn khởi” cao hơn khi so sánh với kết quả cuộc điều tra 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. |
Đối tượng điều tra là cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân (từ 18 tuổi trở lên). Mẫu điều tra được chọn theo cách lấy mẫu ngẫu nhiên phân tầng. Địa bàn triển khai điều tra gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Giang, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu và một số cơ quan Trung ương.
Tổng số mẫu điều tra là 3.100 người.