Hơn 1.500 doanh nghiệp đăng ký tập huấn trực tuyến về EVFTA
04/08/2020 09:57
Đến thời điểm hiện tại, Chương trình tập huấn trực tuyến về các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã nhận được hơn 3.000 lượt đăng ký với đối tượng đa dạng; trong đó cộng đồng doanh nghiệp chiếm gần 60%.
Theo Bộ Công Thương, để giúp cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trên cả nước hiểu rõ về Hiệp định EVFTA cũng như cách thức tận dụng cơ hội và áp dụng các cam kết trên thực tế, bên cạnh việc tổ chức các hội nghị, hội thảo và khóa tập huấn trực tiếp, Bộ Công Thương đã và đang triển khai Chương trình tập huấn trực tuyến về các cam kết trong Hiệp định EVFTA.
Chương trình tập huấn được thực hiện hoàn toàn trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm đã trực tiếp tham gia đàm phán Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán Chính phủ, tập trung vào 5 khóa.
Cụ thể gồm, khóa 1 là cam kết về dịch vụ - đầu tư trong Hiệp định EVFTA; khóa 2 là cam kết về thuế trong Hiệp định EVFTA và tiếp cận thị trường EU; khóa 3 là quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA; khóa 4 là quy định về phát triển bền vững trong EVFTA và khóa 5 là quy định về quyền sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý trong EVFTA.
Chương trình tập huấn bao gồm các video clip hướng dẫn và các buổi trao đổi trực tuyến (livestream) giữa người tham gia và các chuyên gia của Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán Chính phủ; triển khai trên 2 nền tảng là Facebook và Youtube.
Tính đến thời điểm hiện tại, Chương trình tập huấn trực tuyến về các cam kết trong EVFTA đã nhận được hơn 3.000 lượt đăng ký với đối tượng đa dạng; trong đó cộng đồng doanh nghiệp chiếm gần 60%, với khoảng hơn 1.500 doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có người tham dự.
Ngoài ra, đại diện các sở, ban, ngành địa phương cũng chiếm tỷ lệ lớn. Tất cả các tỉnh/thành phố trên toàn quốc đều có đại diện các sở, ban, ngành tham dự.
Liên quan tới việc thực thi Hiệp định EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD, với mức thuế bằng 0% ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế.
“Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể tham gia các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lưu ý, để hiện thực hóa cơ hội, Chính phủ và các doanh nghiệp còn khá nhiều việc phải chuẩn bị.
Về phía Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết, đồng thời tăng cường công tác đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU. Doanh nghiệp cần gia tăng hơn nữa tính chủ động, đừng để doanh nghiệp nước ngoài tận dụng hết”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.