Hóa đơn điện tử: Doanh nghiệp lo vì gần 1 năm vẫn chưa có thông tư

Phía doanh nghiệp nêu lên: cơ quan thuế khuyến khích việc sử dụng hóa đơn điện tử nhưng khi doanh nghiệp dùng hóa đơn này mang đến kho bạc hay đơn vị bảo hiểm thì lại chưa được chấp nhận.

01/08/2019 08:45

Phía doanh nghiệp nêu lên: cơ quan thuế khuyến khích việc sử dụng hóa đơn điện tử nhưng khi doanh nghiệp dùng hóa đơn này mang đến kho bạc hay đơn vị bảo hiểm thì lại chưa được chấp nhận.

Thừa nhận sử dụng hóa đơn điện tử có thể giúp giảm chi phí, thời gian nhưng không ít doanh nghiệp lại tỏ ra nghi ngại về việc nghị định đã có gần một năm nhưng hiện chưa có hướng dẫn cụ thể để giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp.

Có tâm lý chờ hạn chót

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2018.

Theo đó, ngoài đối tượng là các doanh nghiệp, nhiều hộ, cá nhân kinh doanh cũng trong diện phải dùng hóa đơn điện tử.

Theo ông, việc áp dụng hóa đơn điện tử "tưởng chừng nhỏ nhưng không hề nhỏ."

Ông dẫn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, việc sử dụng hóa đơn điện tử có thể giúp doanh nghiệp giảm tới 70% các bước phát hành, rút ngắn 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn và tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn.

Những con số này theo ông là thực sự có ý nghĩa cách mạng trong doanh nghiệp. "Hiện tại, người dùng không cần chờ nhận hóa đơn qua bưu điện mà chỉ vài cú nhấp chuột là người mua hàng sẽ nhận được hóa đơn, bất cứ khi nào. Doanh nghiệp cũng không lo thất lạc hóa đơn," ông Lộc nói.

Đây là những vấn đề được bà Nguyễn Hoài Hương, đại diện Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật quốc phòng thừa nhận. Theo vị này, công ty bà đã triển khai hóa đơn điện từ tháng Tư năm nay và nhận thấy, đây là giải pháp tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy vậy, một vấn đề bà tỏ ra băn khoăn là, nghị định đã ra đời từ tháng 9/2018 nhưng đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn.

Đại diện doanh nghiệp bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng ban hành thông tư để doanh nghiệp được hướng đẫn cụ thể khi xảy ra khúc mắc.

Đại diện cho đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm hóa đơn điện tử, bà Bùi Thị Trang, Giám đốc Trung tâm giải pháp hóa đơn điện tử, Công ty cổ phần MISA cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp chưa dùng hóa đơn điện tử đều có chung những mối lo như bản thân đơn vị còn nhiều hóa đơn giấy nên cố “tận dụng” nốt số hóa đơn đã in.

Ngoài ra, vì chưa đến thời hạn bắt buộc (năm 2022) nên doanh nghiệp có thể có tâm lý chờ đến gần ngày cuối cùng mới triển khai.

"Nhiều doanh nghiệp còn quan ngại về vấn đề an toàn, bảo mật của hóa đơn điện tử khi thực hiện trên môi trường internet, không tin tưởng vào công cụ, an ninh an toàn của nhà cung cấp," bà nói.

Tuy vậy, theo bà, việc doanh nghiệp cố tình “né” hóa đơn điện tử là điều không hợp xu thế, thay vào đó, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận hóa đơn điện tử càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp sớm chuẩn hóa được các quy trình, nghiệp vụ kế toán cho phù hợp, tránh vướng mắc khi Nhà nước chính thức bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử.

Dùng hóa đơn điện tử, vẫn phải in ra giấy?

Nói về khó khăn, ông Nguyễn Khơ Din, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp của BKAV, Tổng thư ký Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cũng nêu lên lo lắng về việc, hiện chưa có thông tư hướng dẫn chi tiết về hóa đơn điện tử.

Ông đặt câu hỏi về sự đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp như thuế, kho bạc, bảo hiểm, quản lý thị trường.

"Ví dụ, cơ quan thuế thì khuyến khích việc sử dụng hóa đơn điện nhưng khi doanh nghiệp dùng hóa đơn điện tử, mang đến kho bạc hay đơn vị bảo hiểm thì lại chưa được chấp nhận loại hóa đơn này," ông nói.

Qua đó, một số cơ quan lại yêu cầu doanh nghiệp chuyển đổi sang hóa đơn giấy. Việc này làm mất đi ý nghĩa của việc triển khai hóa đơn điện tử.

Ông Nguyễn Khơ Din kiến nghị cần triển khai đồng bộ hóa đơn điện tử giữa các cơ quan liên quan.

"Các cơ quan cần ngồi lại để đưa ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc không gây khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử," vị này lên tiếng.

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cũng đồng tình với nhận định trên.

Theo ông, trong số 400 hội viên của hiệp hội này, có 67% là doanh nghiệp vừa và nhỏ có khó khăn về nguồn vốn, quản lý và ứng dụng khoa học công nghệ. Bởi vậy, ông lo lắng, việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ khiến các đơn vị gặp khó khăn.

Vị này nhắc tới một vướng mắc, khi đã phát hành hóa đơn điện tử, nếu muốn sửa đổi phải in ra giấy. Do đó, ông đề nghị, các cơ quan quản lý cần thống nhất cách thực hiện.

Ngoài ra, theo ông, hiện có khoảng 200 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ kỹ thuật điện tử cho doanh nghiệp dùng ứng dụng hoá đơn điện tử.

"Những doanh nghiệp nói trên cũng đã từng đến tiếp thị cung cấp dịch vụ ứng dụng hóa đơn điện tử nhưng chúng tôi cũng khó lựa chọn, bởi chúng tôi chưa biết căn cứ vào tiêu chuẩn nào để lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử," ông Nguyễn Tương nói./.