Hạ trần lãi suất USD có ảnh hưởng tới thanh khoản?

Việc giảm lãi suất tiền gửi USD làm giảm hấp dẫn của việc gửi tiết kiệm USD, đồng nghĩa với việc tăng lợi thế cho đồng VND, đồng thời việc này không ảnh hưởng đến thanh khoản USD.

29/09/2015 08:44

Việc giảm lãi suất tiền gửi USD làm giảm hấp dẫn của việc gửi tiết kiệm USD, đồng nghĩa với việc tăng lợi thế cho đồng VND, đồng thời việc này không ảnh hưởng đến thanh khoản USD.

Đây là ý kiến của các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng về quyết định hạ trần lãi suất tiền gửi USD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày 28/9.

Theo lộ trình tăng sức hấp dẫn VND

Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phân tích: Như đã biết, Chính phủ và NHNN đã thực hiện chủ trương chống đô la hóa trong 10 năm, từ 2005 đến nay nhằm hạn chế sử dụng đồng USD và ngoại tệ tại Việt Nam kể cả tiền gửi và tiền vay. Lộ trình này được thực hiện thông qua việc giảm dần lãi suất của đồng USD để hạn chế và sử dụng đồng USD.

Vừa qua, với việc NHNN hạ trần lãi suất tiền gửi USD giảm xuống 0%/năm đối với tổ chức và 0,25%/năm đối với cá nhân là thực hiện nhất quán với chủ trương và lộ trình đã xác định. Việc hạ lãi suất này đồng nghĩa với việc tăng lợi thế cho đồng VND do khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND tăng.

Ông Phước cũng nhận định, khó có khả năng người dân cố giữ USD trong nhà mà thay vào đó, các tổ chức cá nhân sẽ bán đi một phần tiền gửi USD đó để chuyển dịch sang đồng VND, điều này khiến nguồn cung bằng đồng USD dồi dào. Khi chuyển đổi, vốn ngoại tệ huy động thành vốn ngoại tệ thương mại, vẫn nằm trong cấu phần vốn của các ngân hàng, nên không quá lo ngại về ảnh hưởng đối với thanh khoản và tín dụng ngoại tệ thời gian tới.

“Đây là thời điểm tốt để hạ lãi suất USD vì đây là lúc phù hợp cho người dân và doanh nghiệp chuyển đổi khi tỉ giá đã được điều chỉnh lên mức cao thời gian qua” ông Phước phân tích.

Có cùng quan điểm với các chuyên gia, đại diện phía ngân hàng thương mại, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), cho rằng điểm đến đầu tiên của chính sách mới này là quá trình giảm đô la hóa trong nền kinh tế tiến thêm một bước, tạo thêm điều kiện để có thể gia tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Đảm bảo thanh khoản USD

Việc hạ lãi suất sẽ giúp NHNN kiểm soát tốt hơn sự chu chuyển của các dòng vốn, góp phần thực hiện các chính sách tiền tệ phục vụ phát triển kinh tế vĩ mô, chứ không chỉ riêng mục tiêu của chính sách điều hành tỉ giá. Về phía ngân hàng thương mại, đại diện VietinBank cho rằng, vốn ngoại tệ của các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu có tính chất lưu động, dùng để hoàn trả cho những nguồn ứng trước.

Chính sách mới sẽ tác động để dòng vốn luân chuyển nhanh hơn, nguồn vốn đi vào sản xuất kinh doanh sẽ được thúc đẩy nhanh hơn. Vấn đề là các doanh nghiệp cần tính toán lợi ích, chuyển đổi để có lợi ích cao hơn. Bởi lẽ, với quyết định này, vị thế VND tiếp tục được khẳng định, tỷ giá sẽ dao động phù hợp và được kiểm soát trong biên độ định hướng.

Nếu doanh nghiệp và người dân tăng cường chuyển đổi, ngoại tệ vẫn nằm trong cơ cấu vốn của các ngân hàng, ngoài ra, hiện các ngân hàng thương mại trong nước cũng đã và đang tiếp cận các nguồn vốn quốc tế, do đó, nguồn đối với tín dụng ngoại tệ không phải là vấn đề đáng quan ngại, mà dòng chảy của nó như thế nào trong thời gian tới tùy thuộc vào điều kiện và chính sách của NHNN.

Còn ông Đinh Đức Quang, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá khá mạnh, nhu cầu vay ngoại tệ của khách hàng doanh nghiệp trong 2-3 tháng vừa qua có dấu hiệu giảm.

Đại diện ngân hàng này cũng cho rằng, khó có việc khách hàng rút USD về để chuyển đổi sang kênh khác vì một vài năm nay, NHNN giữ lãi suất tiền gửi USD ở mức rất thấp để giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ và đô la hóa. Vì nếu khách hàng có nguồn tiền gửi ngoại tệ lớn, họ cũng đã đa đạng hóa các kênh đầu tư từ trước.

Thực tế, với mức giảm này, tính ra phần lãi không đáng kể, họ đã xác định ngay từ đầu gửi USD tại ngân hàng xem như một phương tiện cất giữ, tích lũy, đảm bảo sự đa dạng hóa nguồn tiền tiết kiệm.

Cụ thể, riêng trường hợp ngân hàng OCB, ngoài nguồn huy động ngoại tệ trong nước, ngân hàng còn tiếp cận các nguồn cung từ các định chế nước ngoài nên nguồn huy động khá ổn định trong khi đó nguồn vay giảm theo tình hình chung nên hệ số thanh khoản đối với ngoại tệ vẫn rất tốt.