Gỡ vướng về thủ tục nhập khẩu phế liệu
31/12/2019 07:50
Tổng cục Hải quan vừa tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục nhập khẩu phế liệu theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường tại Công văn số 7402/TCHQ-GSQL ngày 27/11/2019.
Về hồ sơ hải quan nhập khẩu phế liệu, Tổng cục Hải quan hướng dẫn, theo quy định tại khoản 34 Điều 3 (thay thế Điều 60) Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ, doanh nghiệp khai thông tin, nộp chứng từ điện tử hồ sơ phế liệu nhập khẩu để thực hiện thủ tục hải quan thông quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tuy nhiên, hiện tại Cổng thông tin một cửa quốc gia chưa có chức năng để doanh nghiệp gửi hồ sơ phế liệu nhập khẩu và chức năng để cơ quan hải quan vào xem thông tin hồ sơ doanh nghiệp gửi.
Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, trong thời gian chưa có chức năng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thì việc khai thông tin và nộp các chứng từ điện tử của hồ sơ phế liệu nhập khẩu theo quy định tại khoản 34 Điều 3 (thay thế Điều 60) Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sẽ thực hiện thông qua Hệ thống dữ liệu điện tử hải quan.
Theo đó, các đơn vị hướng dẫn người khai hải quan thực hiện khai các chỉ tiêu thông tin trên tờ khai hải quan điện tử và gửi các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan (trừ tờ khai hải quan) cho cơ quan hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.
Cơ quan hải quan căn cứ thông tin số, ngày cấp do người khai hải quan khai tại Giấy phép nhập khẩu trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để kiểm tra, đối chiếu.
Về giấy xác nhận ký quỹ, trường hợp doanh nghiệp thực hiện ký quỹ cho 01 chuyến hàng thì người khai hải quan nộp bản chính Giấy xác nhận ký quỹ cho cơ quan hải quan. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện ký quỹ cho 01 hợp đồng tổng (khối lượng lớn, hàng hóa nhập khẩu thành nhiều chuyến) thì người khai hải quan xuất trình bản chính Giấy xác nhận ký quỹ cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập cảnh phương tiện vận tải để cập nhật và thực hiện trừ lùi số tiền ký quỹ trên phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu (ESCRAP); nộp bản chính Giấy xác nhận ký quỹ cho Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai đầu tiên.
Các chuyến hàng nhập khẩu tiếp theo của doanh nghiệp khi làm thủ tục nhập khẩu sẽ gửi bản quét từ bản chính Giấy xác nhận ký quỹ cho cơ quan hải quan thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; đồng thời khai báo thông tin tại phần ghi chú trên tờ khai hải quan nội dung: “bản chính Giấy xác nhận ký quỹ đã nộp tại tờ khai hải quan số ...ngày...).
Trong giám sát quy trình lấy mẫu giám định phế liệu nhập khẩu, trường hợp doanh nghiệp lựa chọn kiểm tra chất lượng tại cơ sở sản xuất thì việc kiểm tra thực tế hàng hóa của cơ quan hải quan không yêu cầu thực hiện đồng thời với thời điểm kiểm tra và lấy mẫu của Tổ chức giám định phế liệu nhập khẩu do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định. Việc giám sát quá trình thực hiện lấy mẫu của Tổ chức giám định được thực hiện bởi Chi cục Hải quan nơi kiểm tra thực tế hàng hóa.
Trường hợp lô hàng nhập khẩu có thông tin chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, có dấu hiệu gian lận thương mại hoặc hàng hóa có nghi ngờ là chất thải thì Chi cục Hải quan nơi thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa phối hợp với Cục Kiểm định/Chi cục Kiểm định Hải quan thực hiện lấy mẫu đại diện của lô hàng để thực hiện phân tích đánh giá.
Trường hợp số lượng còn lại được phép nhập khẩu của doanh nghiệp thể hiện trên mẫu số 06 Phụ lục VI Mục III Nghị định số 40/2019/NĐ-CP nhiều hơn so với số lượng còn lại trên phần mềm Escrap thì cơ quan hải quan sẽ căn cứ số lượng còn lại trên phần mềm Escrap để thực hiện thủ tục hải quan. Trường hợp số lượng phế liệu còn lại được phép nhập khẩu của doanh nghiệp trên mẫu số 06 Phụ lục VI Mục III Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ít hơn so với số lượng còn lại dược phép nhập khẩu trên phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu (ESCRAP) thì các đơn vị báo cáo ngay về Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý về hải quan) để rà soát, kiểm tra, xem xét điều chỉnh số lượng trên phần mềm quản lý phế liệu nhập khẩu (ESCRAP) theo đúng quy định.
Về công tác đưa hàng về bảo quản, theo quy định tại khoản 34 Điều 3 (thay thế Điều 60) Nghị định số 40/2019/NĐ-CP thì “cho phép tổ chức, cá nhân đưa phế liệu nhập khẩu về bảo quản tại địa điểm kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu đã được tổ chức, cá nhân lựa chọn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và hải quan”. Do vậy, trong trường hợp doanh nghiệp đề nghị được đưa hàng về bảo quản thì các đơn vị thực hiện thủ tục theo hướng dẫn tại khoản 6 Mục II công văn số 2188/TCHQ-GSQL ngày 16/4/2018 của Tổng cục Hải quan.
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát công chức hải quan trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục hải quan đối với phế liệu nhập khẩu, trường hợp phát hiện công chức hải quan có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm chậm quá trình giải quyết thông quan hàng hóa hoặc thực hiện không đúng quy trình thủ tục hải quan, tùy theo mức độ vi phạm, xử lý theo quy định.