Giám sát tài chính DNNN để tránh đổ vỡ

Nợ của DNNN chậm được cải thiện nhiều qua từng năm. Đến cuối năm 2013, tổng số nợ phải trả là hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2012. Thực tế này đòi hỏi tiếp tục tăng cường giám sát tài chính với DNNN và hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động này.

09/02/2015 11:20

Nợ của DNNN chậm được cải thiện nhiều qua từng năm. Đến cuối năm 2013, tổng số nợ phải trả là hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2012. Thực tế này đòi hỏi tiếp tục tăng cường giám sát tài chính với DNNN và hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động này.

Tình trạng nợ nần chưa cải thiện

Theo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về tình hình sản xuất- kinh doanh của DNNN trong năm 2013, tổng số nợ phải trả của các TĐ, TCT là 1.514.915 tỷ đồng, tăng hơn 200.000 tỷ đồng so với năm 2012 (tăng 9%). Con số này trong năm 2012 là 1.348.752 tỷ đồng. Nhưng nếu so với năm 2011, đã tăng 6%. Như vậy, số nợ của DNNN đã tịnh tiến tăng dần qua các năm mà không được cải thiện là mấy. Bên cạnh đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2013 là 1,45 lần. Tuy nhiên, có tới 41 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, có nghĩa đã vượt ngưỡng theo quy định.

Các khoản nợ vay (vay ngắn hạn và dài hạn) từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các TĐ, TCT đang ở mức 489.260 tỷ đồng, tăng 12,3% so với thực hiện năm 2012. Trong đó, có nhiều “ông lớn” góp mặt như: TĐ Dầu khí (163.063 tỷ đồng); TĐ Điện lực (78.583 tỷ đồng); TĐ CN Than- Khoáng sản (49.566 tỷ đồng); TCT Hàng hải Việt Nam (47.627 tỷ đồng); TCT Sông Đà (20.357 tỷ đồng); TCT Xi măng Việt Nam (16.483 tỷ đồng)...

Điểm qua những con số để thấy rằng, mặc dù đã có nhiều cơ chế giám sát được ban hành, song vẫn chưa cải thiện nhiều tình trạng nợ nần của các DNNN. Trên thực tế, việc giám sát tài chính đối với DNNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng của quá trình tái cấu trúc, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Việc giám sát gián tiếp qua các báo cáo tài chính của DN đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương của số đông DNNN, đồng thời tạo ra sự phấn đấu, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Qua công tác giám sát, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính đã có sự cảnh báo với chủ sở hữu DNNN về những nguy cơ, dấu hiệu rủi ro tài chính. Quá trình này được triển khai tích cực từ nhiều năm qua, tuy nhiên, trước tình hình mới hiện nay, cần thiết phải tiếp tục giám sát chặt để tránh những hậu quả không đáng có sau này. Bởi thực tế thời gian qua có một số DN có vốn Nhà nước lâm vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng như câu chuyện của TCT Xây dựng đường thuỷ hay của TĐ Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Theo các chuyên gia tài chính, dù đã có cảnh báo, song do thiếu các chế tài xử lý cụ thể, nên việc khắc phục tình hình tài chính tại các DN này chậm hoặc thậm chí xấu đi.

Ở đâu có vốn Nhà nước thì có giám sát

Để khắc phục những bất cập nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2013/NĐ-CP về quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn Nhà nước. Nghị định này được ban hành với quan điểm, ở đâu có vốn nhà nước đầu tư vào DN thì ở đó phải có sự giám sát của chủ sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, qua quá trình khảo sát cho thấy, nhiều DN còn lúng túng trong việc công khai thông tin tài chính. Về công tác lập báo cáo giám sát tài chính, theo số liệu tổng hợp đến ngày 31-8-2014 của Cục Tài chính DN, đối với các DN do Nhà nước làm chủ sở hữu, đạt cao nhất là các TĐ, TCT chiếm tỷ lệ 76,9%, còn thấp nhất là các Công ty TNHH MTV chỉ đạt 15,4%.

Về công khai thông tin tài chính, tính đến ngày 15-10-2014, có 3/8 TĐ kinh tế chưa lập chuyên mục riêng để công khai thông tin tài chính theo quy định; chỉ có 2 TĐ kinh tế đã đăng tải báo cáo tài chính năm 2013; chỉ có 1 TĐ công khai báo cáo giám sát tài chính năm 2013. Đặc biệt, chưa có TĐ nào công khai thông tin về quản trị DN như yêu cầu của Thông tư số 171/TT-BTC của Bộ Tài chính. Hơn nữa, nhiều thông tin đăng tải không được cập nhật qua rà soát của Cục Tài chính DN.

Đánh giá hiện trạng về các công cụ hỗ trợ giám sát tài chính DNNN, theo Cục Tài chính DN, hiện tại các DN nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt thời gian báo cáo; có DN chưa có phương tiện hỗ trợ triển khai Nghị định 61 của Chính phủ như tổ chức, bộ máy, hệ thống CNTT… Tại các cơ quan chủ sở hữu, hiện đang tập trung vào công tác báo cáo hơn là giám sát theo đúng nghĩa; chưa có cơ chế phối hợp giữa các bên trong công tác lập kế hoạch và triển khai giám sát. Bên cạnh đó, chủ sở hữu chưa áp dụng thêm các chỉ tiêu đặc thù cho mục đích giám sát và đánh giá hiệu quả của các DN… Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Tài chính DN, tính đến thời điểm 30-6-2014, nhìn chung các chủ sở hữu chưa xây dựng được kế hoạch giám sát hàng năm cũng như chưa ban hành các hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Việc chấp hành chưa nghiêm các yêu cầu về giám sát tài chính và công khai thông tin tài chính đối với DN sẽ khiến khó khăn trong công tác giám sát của các chủ sở hữu.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó đã dành hẳn một chương về giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý vốn nhà nước tại DN. Quy định này nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong việc sử dụng vốn và tài sản của DN. Theo đó, sẽ giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Giám sát hoạt động quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Giám sát hoạt động quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác; Giám sát hoạt động cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp... Mặc dù Nghị định 61 mới được ban hành, tuy nhiên sẽ sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, năm 2015, tất cả các TĐ, TCT phải thực hiện nghiêm chỉnh việc công khai thông tin tài chính và báo cáo tài chính DN. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các đơn vị để giảm bớt áp lực về báo cáo cho các TĐ, TCT, “tránh phải làm báo cáo quá nhiều như hiện nay”, theo như lời ông Tiến nói.

Đáng chú ý, theo Cục Tài chính DN, tại nội dung dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 61 sẽ quy định một chương riêng về giám sát đầu tư vốn ra nước ngoài. Theo đó, công ty mẹ sẽ giám sát tình hình đầu tư ra nước ngoài của công ty con; chủ sở hữu giám sát tình hình đầu tư ra nước ngoài của công ty mẹ và các DN có vốn góp. Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng năm. Sở dĩ, quy định này được bổ sung vì hoạt động đầu tư ra nước ngoài tương đối rủi ro, các DN chủ yếu đầu tư vào các nước đang phát triển hoặc kém phát triển. Theo đại diện Cục Tài chính DN, với môi trường rủi ro như vậy cần phải đưa vào diện giám sát tài chính.

Mới đây, trong cuộc họp tổng kết của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cơ quan này cho biết đang đề nghị Chính phủ cho thêm chức năng giám sát tài chính một số các TĐ kinh tế, TCT nhà nước nhằm đề phòng các rủi ro tài chính. Theo người đứng đầu Ủy ban này, nếu được Chính phủ đồng ý, Ủy ban sẽ định kỳ gửi báo cáo tình hình tài chính của một số TĐ kinh tế nhà nước lên Thủ tướng Chính phủ sau khi thực hiện các hoạt động giám sát.