Giám sát hiệu quả kinh doanh của DNNN bộc lộ một số tồn tại, hạn chế

Những bất cập trong cơ chế giám sát hoạt động của DNNN đã tạo ra nhiều lỗ hổng, gây lãng phí, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tài sản nhà nước.

20/07/2018 11:15

Những bất cập trong cơ chế giám sát hoạt động của DNNN đã tạo ra nhiều lỗ hổng, gây lãng phí, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tài sản nhà nước.

DNNN lỗ luỹ kế hơn 17.000 tỷ đồng

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), từ 2011-2016, tỷ trọng doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thua lỗ không giảm. Báo cáo hợp nhất năm 2016, có tới 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con lỗ luỹ kế trên 17.000 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận của DNNN (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) hiện giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) cũng giảm 30%.

Bên cạnh đó, đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đã đầu tư. Nhiều nỗ lực xử lý dự án nhưng phục hồi chậm.

“Trong hoạt động quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN), công tác giám sát hiệu quả kinh doanh của DNNN đã và đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, gây ra sự bất cập cũng như vô tình tạo lỗ hổng làm lãng phí, thất thoát nguồn lực Nhà nước”, ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM chỉ rõ.

Theo ông Trung, nguyên nhân là do không có tính thống nhất về nội dung giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu; thiếu quy định cụ thể, nội dung giám sát bị chia cắt theo lĩnh vực; trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chưa rõ ràng, đặc biệt là thiếu trách nhiệm giải trình. Quá trình triển khai thực hiện cũng bộc lộ những tồn tại như thiếu thông tin đủ tính xác thực và cập nhật về tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, sự né tránh của lãnh đạo doanh nghiệp... dẫn đến hệ quả là không bảo đảm yêu cầu “thường xuyên, liên tục” của hoạt động giám sát.

Đánh giá về câu chuyện giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu DNNN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam đã tổ chức hàng nghìn hội thảo, chuyến đi khảo sát nước ngoài phục vụ hoạt động này nhưng cuối cùng là hệ thống giám sát vẫn nhiều vấn đề.

“Phải chăng Việt Nam là 1 học trò dốt? Học biết bao người thầy, bài vở đầy rẫy nhưng thực tiễn không có gì cả? Thầy đọc trò chép và trò không hiểu, không biết thực hành như thế nào? Có ghi vào luật thì bản thân hệ thống quản lý không thực hiện được”, bà Lan đặt câu hỏi.

Theo bà Lan, ngay cả khái niệm phạm vi giám sát cũng thể hiện sự thiếu rõ ràng, thiếu thống nhất. Và do không tách bạch được vai trò chủ sở hữu và cơ quan chuyên ngành; không có trách nhiệm rõ ràng vì có quá nhiều trách nhiệm như nhau nên không ai chịu trách nhiệm cuối cùng. DNNN chịu nhiều “tròng”, cơ quan giám sát nhưng không giám sát thực tế. Cuối cùng chúng ta có báo cáo mờ nhạt theo kiểu thầy bói xem voi. Mỗi đơn vị quan sát với một góc.

“Tại sao lại thiếu thông tin về DNNN trong khi có ngần ấy cơ quan giám sát? Trách nhiệm ở đâu? Phải chăng việc thiếu thông tin là trách nhiệm của cơ quan, do không có trách nhiệm giải trình trước người dân nên không xây dựng được hệ thống thông tin? Các chủ sở hữu DNNN rất khác với việc họ sở hữu tài sản cá nhân. Tài sản nhà nước rơi vào tình trạng vô chủ nên không quản lý tốt, người quản lý không có động lực làm điều đó”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Bà Lan cho rằng, luôn có hàng loạt lý do để minh chứng cho rủi ro thua lỗ của DNNN. Thậm chí bám theo các quy trình, quy định đưa ra vẫn có nhiều kẽ hở, khoảng trống nên khi DN có vấn đề, không có ai chịu trách nhiệm.

Phải quy trách nhiệm cá nhân

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, vấn đề đặt ra là làm sao nghiên cứu, áp dụng đầy đủ quy định, hành lang pháp lý phù hợp để DNNN hoạt động tốt, có hiệu quả. Đồng thời, phát huy được tính năng động, nhưng vẫn bảo đảm mục đích là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước luôn “nhìn” thấy và quản lý được. Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự cũng rất quan trọng.

“Nên sử dụng các cá nhân có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, trách nhiệm và biết kinh doanh thay vì tuyển người theo tiêu chuẩn công chức - viên chức thuần túy để bảo đảm yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn”, ông Cung kiến nghị.

Còn theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để giám sát hiệu quả cần phải rành mạch về sở hữu.

“Chừng nào tài sản nhà nước chưa gắn với trách nhiệm cá nhân thì chưa thực hiện hiệu quả. Hệ thống chịu trách nhiệm tập thể, che mờ trách nhiệm cá nhân thì không thể nào thực hiện được. Mấu chốt vấn đề của giám sát phải quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng và thiết kế chính sách để cá nhân chịu trách nhiệm”, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh./.