Gần 160 vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng Việt, sắt thép "dính" nhiều nhất
04/05/2020 10:21
Tính đến hết năm 2019, đã có 158 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, sắt thép là mặt hàng bị dính kiện nhiều nhất.
Số liệu do Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) công bố, tính đến hết năm 2019, đã có 158 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (trong đó đã có 15 vụ việc mới được khởi xướng năm 2019).
Trong số 158 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, có 88 vụ việc về chống bán phá giá, 32 vụ việc tự vệ, 18 vụ việc trợ cấp và 20 vụ việc chống lẩn tránh thuế.
Cơ cấu vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam
Nếu tính 15 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam năm 2019, có 10 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc tự vệ, 3 vụ việc chống trợ cấp, đáng lưu ý, trong số này có tới 9/15 vụ là sản phẩm thép (chiếm 60%).
Sắt thép là ngành bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất
Mặc dù số lượng vụ việc mới khởi xướng điều tra trong năm 2019 thấp hơn so với năm 2018, nhưng các vụ việc lại cho thấy xu hướng đáng các sản phẩm đang bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá tiếp tục bị khởi kiện trợ cấp; Sản phẩm đang bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá tiếp tục bị khởi xướng điều tra lại chống bán phá giá và điều tra thêm chống trợ cấp; Các đối tác FTA chiếm tỷ lệ lớn trong số các vụ việc khởi xướng mới năm 2019.
Hiện nay, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (31 vụ việc), tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ việc), Ấn Độ (21 vụ việc) và EU (14 vụ việc)
Cơ cấu quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam
Trong năm qua, xu thế gia tăng các biện pháp bảo hộ vẫn tiếp tục chiếm vị trí chủ đạo trong thương mại quốc tế. Xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt càng góp phần làm chủ nghĩa bảo hộ lan rộng.
Việc áp dụng các biện pháp bảo hộ ngày càng đa dạng, phong phú, từ mối đe dọa “an ninh quốc gia” dẫn đến tăng thuế nhập khẩu nhôm thép, cho đến “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” dẫn đến tăng thuế các sản phẩm vi phạm bản quyền. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến lý do “cạnh tranh không lành mạnh” dẫn đến các biện pháp trả đũa trực tiếp.Tuy nhiên, được sử dụng thường xuyên nhất vẫn là các biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Theo thống kê của WTO, các biện pháp phòng vệ thương mại có phạm vi áp dụng rộng, trong đó đối tượng chính là sắt, thép (mã HS72, chiếm 40,2%); nhựa và sản phẩm nhựa (mã HS39 chiếm 11,2%); xe cộ và phụ tùng (HS87, chiếm 10,2%); các sản phẩm từ sắt, thép (mã HS73, chiếm 9,0%) và máy móc, thiết bị điện (mã HS85, chiếm 6,0%).
Trước tình hình các nước có xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như: Cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kể cả các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng; hướng dẫn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đấu tranh và khởi kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ bất hợp lý, có dấu hiệu vi phạm quy định của WTO.
Bộ Công Thương cũng cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời để các doanh nghiệp, ngành sản xuất có định hướng đầu tư, kinh doanh phù hợp trong bối cảnh các biện pháp mang tính chất bảo hộ đang diễn biến phức tạp. Nhờ đó, Việt Nam đã thu được kết quả khả quan trong một số vụ việc phòng vệ thương mại, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu do Quốc hội đề ra.