Đơn vị kế toán phải lưu trữ hóa đơn điện tử tối thiểu 5 năm

Bên bán, bên mua là đơn vị kế toán và tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có trách nhiệm sao lưu dữ liệu của hóa đơn điện tử ra các vật dụng mang tin, với thời gian lưu trữ tối thiểu 5 năm.

23/08/2019 10:28

Bên bán, bên mua là đơn vị kế toán và tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có trách nhiệm sao lưu dữ liệu của hóa đơn điện tử ra các vật dụng mang tin, với thời gian lưu trữ tối thiểu 5 năm.

Mới đây, Cục Thuế Hà Nội đã có công văn số 63227/CT-TTHT trả lời về quy định lưu trữ hóa đơn điện tử đối với bên bán, bên mua là đơn vị kế toán và tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử.

Cụ thể theo Cục Thuế Hà Nội, Điều 35, Nghị định 119/2018/NĐ-CP hướng dẫn trong thời gian từ ngày 1/11/2018 đến ngày 31/10/2020, các Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn hiệu lực thi hành, các đơn vị thực hiện và quản lý hóa đơn điện tử theo quy định tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC.

Bên bán, bên mua là đơn vị kế toán và tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử (đối với trường hợp được khởi tạo từ hệ thống của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử) có trách nhiệm sao lưu dữ liệu của hóa đơn điện tử ra các vật dụng mang tin (Ví dụ: bút nhớ (đĩa flash USB); đĩa CD và DVD; đĩa cứng gắn ngoài; đĩa cứng gắn trong) hoặc kế toán có thể thực hiện sao lưu trực tuyến để bảo vệ dữ liệu của hóa đơn điện tử theo quy định.

Thời gian lưu trữ hóa đơn điện tử được thực hiện theo quy định của Luật Kế toán, với thời gian lưu trữ tối thiểu 5 năm (Điều 8, Nghị định 174/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kế toán).

Theo quy định, hóa đơn điện tử lưu trữ phải thể hiện tính chính xác tuyệt đối nội dung, mẫu hóa đơn so với hóa đơn gốc. Hóa đơn điện tử được lưu trữ phải được thực hiện theo trình tự chặt chẽ, có đầy đủ các thông tin về ngày, giờ, người khởi tạo khi tiến hành khởi tạo và thiết lập theo đúng quy định./.