Đọc lại tác phẩm “Thà ít mà tốt” của Lê-nin, nghĩ về công tác kiểm tra, thanh tra của chúng ta hiện nay

Ngày 22-4 này là ngày sinh thứ 148 của Lê-nin. Đã 94 năm Lê-nin đi xa, nhưng những di huấn của Người vẫn là những lời chỉ giáo vô cùng quan trọng cho các thế hệ những người cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới hướng tới một xã hội phát triển theo hướng đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân theo hướng dân chủ, công bằng, văn minh. Một trong những tác phẩm mang tính thời sự và có ý nghĩa với đất nước ta hiện nay là tác phẩm “Thà ít mà tốt”.

17/04/2018 16:38

Ngày 22-4 này là ngày sinh thứ 148 của Lê-nin. Đã 94 năm Lê-nin đi xa, nhưng những di huấn của Người vẫn là những lời chỉ giáo vô cùng quan trọng cho các thế hệ những người cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới hướng tới một xã hội phát triển theo hướng đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân theo hướng dân chủ, công bằng, văn minh. Một trong những tác phẩm mang tính thời sự và có ý nghĩa với đất nước ta hiện nay là tác phẩm “Thà ít mà tốt”.

“Thà ít mà tốt” là tác phẩm được Lê-nin đọc cho thư ký ghi lại trong nhiều ngày và hoàn thành vào 2-3-1923 và được công bố lần đầu tiên trên Báo "Sự thật" số 49 ngày 4-3-1923. Trong tác phẩm này, Lê-nin đã đề cập đến nhiều nội dung, trong đó có đánh giá về Nhà nước Xô viết sau hơn 5 năm tồn tại, từ bản chất, tính chất đến vai trò. “Thà ít mà tốt” tập trung vào việc củng cố, xây dựng bộ máy nhà xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Vấn đề đầu tiên Lê-nin đề cập và chọn là cải tổ Bộ Dân ủy thanh tra công nông (tương tự như Thanh tra Chính phủ của chúng ta hiện nay), vì theo Người đây là công cụ quản lý của nhà nước, do đó nó phải là một cơ quan gương mẫu. Người nói: “nếu chúng ta thật sự muốn, trong vài năm nữa, đi đến chỗ tạo nên được một cơ quan, một là sẽ gương mẫu, hai là sẽ được mọi người tín nhiệm tuyệt đối, và ba là sẽ chỉ cho tất cả và cho từng người thấy rằng chúng ta đã thực tế cáng đáng được công tác của cái cơ quan cao cấp ấy” (Tất cả những trích dẫn của V.I.Lê-nin trong bài này đều từ sách Lê-nin, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 45). Nguyên tắc của Lê-nin trong cải tố cải tổ bộ máy nhà nước lúc đó là: “thà ít mà tốt - thà mất hai năm hay thậm chí ba năm còn hơn là hấp tấp vội vàng mà không có chút hy vọng nào đào tạo được một nhân lực tốt. Phải lựa chọn một cách cẩn thận những cán bộ của uỷ ban kiểm tra công nông; tuyển những cán bộ có kinh nghiệm nhất trong các cơ quan, sau đó tiếp tục đào tạo. Phải vĩnh viễn vứt bỏ ngay tất cả những tiêu chuẩn chung về số lượng nhân viên của các cơ quan thuộc bộ ấy. Chúng ta phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ của Bộ Dân uỷ thanh tra công nông, căn cứ vào một sự kiểm tra nghiêm ngặt nhất, chứ không khác được”. Vấn đề tiếp theo Lê-nin đề cập đến đó là mục đích của việc cải tổ bộ máy nhà nước, đó chính là nhằm đảm bảo cho Nhà nước Xô viết xứng đáng danh hiệu là bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa - nhà nước do giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó Lê-nin đã chỉ ra yêu cầu và điều kiện cải tiến bộ máy nhà nước, đó là phải xây dựng được một nhà nước trong sạch vững mạnh, phải được xây dựng trên cơ sở vững chắc của khối liên minh công nông. Bộ máy nhà nước phải gọn nhẹ, có hiệu quả. Cán bộ công chức phải có năng lực. Phải đổi mới thành phần của bộ máy nhà nước bằng những lực lượng ưu tú của Đảng trong công nhân và trong trí thức. Vì thế, để đổi mới bộ máy nhà nước, theo Lê-nin: “một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi và sau nữa phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa”.

Muốn cải cách, đổi mới bộ máy Nhà nước Xô viết thì phải biết chọn khâu đột phá và phải quyết tâm làm cho kỳ được. Với thiên tài và kinh nghiệm của mình, Lê-nin và Đảng của mình đã chọn chính là bộ máy cơ quan Bộ Dân ủy thanh tra công nông. Người yêu cầu, phải làm sao cho bộ máy của Bộ Dân ủy thanh tra công nông thực sự trong sạch vững mạnh, đủ khả năng làm công tác thanh tra, rằng đây "công cụ để cải tiến bộ máy (nhà nước) của ta"; cơ quan này là rất quan trọng, được ví như "trung tâm của hệ thần kinh" mà nếu tác động đến nó sẽ làm rung chuyển toàn bộ bộ máy nhà nước. Đồng thời, phải củng cố Ban kiểm tra Trung ương Đảng. Phải chuẩn bị cặn kẽ và cần có những biện pháp dứt khoát, triệt để bởi vì "những biện pháp nửa chừng sẽ rất tai hại". Đồng thời phải coi công tác thanh tra, kiểm tra là những hoạt động thường xuyên, rất quan trọng trong tất cả các hoạt động của bộ máy nhà nước, từ trung ương tới địa phương và các bộ, ngành, lĩnh vực hoạt động. Ở đâu có hoạt động của bộ máy nhà nước thì ở đó phải có công tác thanh tra, kiểm tra. Người cho rằng, "Phải nghĩ đến chuyện kiểm tra lại những chủ trương mà chúng ta tuyên bố hàng giờ, quyết định hàng phút, rồi từng giây chứng minh tính chất không vững chắc, không kiên định và khó hiểu của những chủ trương đó". Đánh giá về Bộ Dân ủy thanh tra công nông, có lúc Lê-nin chỉ rõ: “Chúng ta cứ nói thẳng, Bộ Dân ủy thanh tra công nông hiện không có một chút uy tín nào cả” và Người đặt câu hỏi: “Làm thế nào để có thể kết hợp được một cơ quan đảng với một cơ quan chính quyền xô viết? Như vậy, có phải là không có cái gì không thể dung nạp được hay sao?”. Tiếp đó, Lê-nin khẳng định: “Tại sao lại không kết hợp hai loại cơ quan đó lại khi lợi ích của công việc đòi hỏi phải làm như thế?”, rằng “tại sao, đối với một cơ quan có tầm quan trọng như thế, và ngoài ra, còn đòi hỏi một sự linh hoạt phi thường trong những hình thức hoạt động của nó nữa, tại sao, đối với cơ quan ấy, lại không thừa nhận là có thể hợp nhất một cách độc đáo bộ máy kiểm tra của đảng với bộ máy kiểm tra của chính quyền?”. Trước sau, Lê-nin vẫn cho rằng, việc hợp nhất hai cơ quan đó sẽ có ích cho cả hai. Một mặt, Bộ Dân uỷ thanh tra công nông sẽ vì thế mà có được một uy tín rất cao; mặt khác, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng cùng với Ban Kiểm tra Trung ương sẽ hoàn toàn trở thành một hội nghị tối cao của Đảng. Mục tiêu của việc sáp nhập chính là: “Chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm bớt đến mức tối đa tất cả những cái tuyệt đối không cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được”. Trong tổ chức bộ máy Nhà nước Xô viết lúc đó cũng từng có mô hình kết hợp hai loại cơ quan này. Đó là Ban đối ngoại của Trung ương Đảng và Bộ Ngoại giao. Lê-nin cho rằng, “Trong một bộ máy dân ủy như Bộ Dân ủy ngoại giao, việc kết hợp như thế thật là vô cùng có ích và đã được thực hiện ngay từ khi bộ đó mới thành lập? Phải chăng là Bộ Chính trị đã không thảo luận, trên quan điểm của Đảng nhiều vấn đề, lớn và nhỏ, về những “nước cờ” mà chúng ta đang dùng để chống lại những “nước cờ” của các nước ngoài nhằm đề phòng, chẳng hạn - nói cho có lễ độ - một mưu kế nào đó của họ? Phải chăng sự kết hợp linh hoạt của yếu tố chính quyền với yếu tố đảng lại không phải là một nguồn sức mạnh phi thường trong chính sách của chúng ta?”.

Đọc lại tác phẩm “Thà ít mà tốt” của Lê-nin trong đó có quan điểm của Người về bộ máy thanh tra, kiểm tra vào thời điểm này ở Việt Nam là cực kỳ có ý nghĩa, khi Đảng, Nhà nước ta đang tích cực đẩy mạnh công tác tinh gọn bộ máy, biên chế nhà nước. Cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân ta rất quan tâm đến việc sáp nhập các tổ chức, bộ máy có chức năng, nhiệm vụ tương tự, trong đó có cơ quan thanh tra và kiểm tra ở cấp huyện tại tỉnh Quảng Ninh. Đối chiếu các quan điểm của Lê-nin trong “Thà ít mà tốt” với thực tiễn bộ máy nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay không thể không đặt ra những suy nghĩ, trăn trở. Dưới đây là một số suy nghĩ ban đầu:

Từ những quan điểm tư trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” liên hệ với thực tiễn cách mạng nước ta 87 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và gần 70 năm ra đời Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chúng ta thấy nhiều quan điểm trong tác phẩm này rất thống nhất với quan điểm của Bác Hồ và Đảng ta về công tác thanh tra, kiểm tra. Có rất nhiều câu nói, quan điểm quen thuộc: “Đảng phải luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đẩng”; “Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”; “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng, chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”; “Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”; “Những kẻ hủ hóa là vì thiếu đạo đức cách mạng, thiếu phê bình và tự phê bình. Thiếu những điều đó thì bất kỳ làm công tác gì cũng dễ hủ hóa”…

Vấn đề thu hút sự quan tâm và nổi bật hiện nay là có nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc sáp nhập cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp với cơ quan thanh tra của chính quyền từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương. Ở Việt Nam, ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, có nhiệm vụ giám sát tất cả công việc và các nhân viên của ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ. Ngày 16-10-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Quyết nghị số 29-QN/TW thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất khóa II (tháng 3-1951), Trung ương phân công Ban Kiểm tra gồm 3 đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Trân và một số cán sự giúp việc. Đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng ban Kiểm tra của Trung ương Đảng được cử kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Sau đó, theo Sắc lệnh số 263-SL ngày 25-4-1956, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là Trưởng ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ. Như vậy có thể thấy rằng, bộ máy nhà nước của Việt Nam cho dù cơ quan Thanh tra Nhà nước và Kiểm tra Đảng được thành lập và hoạt động độc lập nhưng có nhiều thời kỳ vẫn do một người đứng đầu. Về thực tiễn, có thể thấy rằng hai cơ quan này ngoài những khác biệt thì đều có chung chủ thể, đối tượng (là các tổ chức đảng và đảng viên giữ vai trò lãnh đạo kiểm tra, thanh tra), đều chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cùng cấp. Do điều kiện lịch sử cụ thể, trong một số kỳ Đại hội Đảng trước, các đại biểu đã thống nhất biểu quyết không sáp nhập ủy ban kiểm tra các cấp ủy đảng với cơ quan thanh tra của các cấp chính quyền. Nhưng đến nay, tình hình đã rất khác, nếu tới đây ở cấp huyện, thậm chí cấp tỉnh, hai cơ quan này sáp nhập với nhau thì ở Trung ương cũng cần tính toán, cân nhắc sao cho công tác kiểm tra và thanh tra ngày càng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp. Có thể ở cấp Trung ương khi sáp nhập Thanh tra Chính phủ với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thì vẫn duy trì hai chức năng là thanh tra và kiểm tra. Đồng chí Tổng Thanh tra là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Như vậy, hoạt động sẽ có hiệu quả hơn, công tác thanh tra sẽ gắn liền với công tác kiểm tra của uỷ ban kiểm tra các cấp. Điều này cũng thể hiện sự cầm quyền thực sự của Đảng, nghĩa là Đảng sử dụng bộ máy nhà nước, quyền lực nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và công tác thanh tra của Chính phủ.

Trong những năm qua, nhất là từ khi cải cách cơ chế tổ chức, người đứng đầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm được rất nhiều việc. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được người đứng đầu Đảng chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, đưa ra xét xử. Mỗi lần Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra Thông báo đều rất được cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân quan tâm theo dõi, đón nhận và ủng hộ. Những hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương những năm gần đây được ví như "trung tâm của hệ thần kinh" mà nếu tác động đến nó sẽ làm rung chuyển toàn bộ bộ máy nhà nước. Điều này là nhân tố quan trọng góp phần củng cố, tăng cường lòng tin của quần chúng, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong khi đó, tuy có nhiều cố gắng, tích cực trong công tác của mình, tuy nhiên, những năm gần đây công tác thanh tra dường như vẫn chưa thật sự trong sạch vững mạnh, chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, thậm chí có nhiệm kỳ người đứng đầu cơ quan này còn để xảy ra tai tiếng, mất uy tín liên quan đến vấn đề bổ nhiệm cán bộ và sở hữu nhiều nhà, đất bất hợp pháp. Và như vậy, theo quan điểm của Lê-nin thì, phải cải tổ bộ máy của ngành này, làm sao cho bộ máy của ngành thanh tra thực sự trong sạch vững mạnh, đủ khả năng làm công tác thanh tra trong tình hình hiện nay. Ngoài ra, việc phối kết hợp công tác giữa ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp với cơ quan thanh tra của các bộ, ngành, địa phương vẫn còn là vấn đề cần có sự thống nhất, nhịp nhàng. Ở cấp huyện, khi hai cơ quan này được sáp nhập làm một, nhiều cản trở, hạn chế, khó khăn, ách tắc đương nhiên sẽ được loại bỏ.

Theo tinh thần “Thà ít mà tốt”, bộ máy nhà nước ta, các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị của nước ta còn rất nhiều việc phải làm, phải quyết tâm làm và phải làm khẩn trương. Tuy nhiên, Lê-nin cũng căn dặn “Phải tuân theo quy tắc này: Thà ít mà tốt. Phải tuân theo quy tắc này: thà mất hai năm hay thậm chí ba năm, còn hơn là hấp tấp vội vàng mà không có chút hy vọng nào". Điều này đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo của Đảng, Nhà nước ta về các quan điểm của Lê- nin: “Thà ít mà tốt”.