Cụ thể hóa các quy định pháp luật để bảo vệ nhà đầu tư

Pháp luật Việt Nam, trong đó có các dự thảo Luật DN, Luật Đầu tư, đã đưa ra nhiều quy định nhằm làm tăng độ an toàn và tăng niềm tin cho nhà đầu tư, qua những quy định nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của DN.

07/01/2020 17:48

Pháp luật Việt Nam, trong đó có các dự thảo Luật DN, Luật Đầu tư, đã đưa ra nhiều quy định nhằm làm tăng độ an toàn và tăng niềm tin cho nhà đầu tư, qua những quy định nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của DN.

Nhiều thay đổi quan trọng

Nói về những điểm quan trọng của dự thảo Luật DN (sửa đổi), ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, bảo vệ cổ đông hay bảo vệ nhà đầu tư là nội dung quan trọng nhất của khung pháp luật về quản trị công ty. Quy định về bảo vệ cổ đông tốt sẽ có đóng góp quan trọng làm cho DN trở thành một công cụ kinh doanh an toàn. Vì thế, dự thảo Luật DN (sửa đổi) có nhiều thay đổi quan trọng như mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và khởi kiện trong trường hợp người quản lý lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông.

Chẳng hạn, mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông về tình hình hoạt động của công ty; tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền như bãi bỏ nội dung hạn chế về thời hạn tối thiểu sở hữu cổ phần (để có thể thực hiện một số quyền nhất định); bổ sung quyền cho đại hội đồng cổ đông quyết định thù lao hội đồng quản trị, quyết định lựa chọn kiểm toán độc lập; giảm yêu cầu điều kiện về tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 10% xuống 1% để cổ đông thực hiện các quyền quan trọng…

Về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư, tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư; trong khi nhà đầu tư đòi hỏi nhiều hơn thế, bao gồm: Bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm chuyển tài sản và lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Do đó, Chủ tịch VAFIE đề nghị cần một chương trình "Bảo đảm đầu tư" để quy định đầy đủ các nội dung có liên quan đến quyền lợi nhà đầu tư, gồm bảo đảm quyền sở hữu tài sản; bảo đảm chuyển tài sản, lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài; bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật và bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư kinh doanh.

Quyền lợi sẽ được bảo đảm

Theo báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB), trước Luật DN 2005, Việt Nam đứng thứ 159/169 thế giới về Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư - chỉ số quan trọng nhất trong quản trị DN. Sau khi có Luật DN 2005 và tiếp đó là Luật DN 2014, Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam đã tăng 70 bậc, lên vị trí thứ 89/190 nước, và được WB ghi nhận kỷ lục về sự thay đổi này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Luật DN không sửa đổi, kết quả là Việt Nam tụt xuống vị trí 97. Do đó, hiện nay, không chỉ dự thảo Luật DN (sửa đổi) mà dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng có các quy định về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, cổ đông.

Tuy vậy, không chỉ quy định cũ, nhiều DN còn lo ngại về quy định mới tại các dự thảo luật, tiêu biểu như việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 1% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền như: Yêu cầu xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính và các báo cáo của Ban kiểm soát; yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông bất thường…

Về điều này, ông Phan Lê Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific Corpration) bày tỏ lo ngại, quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% xuống còn 1% là không phù hợp, không đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho DN. Bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ là việc làm đúng, nhưng để ổn định công ty vẫn cần phải có một tỷ lệ nhất định để biểu quyết theo số đông, đảm bảo cho quyền lợi cũng như trách nhiệm cổ đông lớn. Nên vị này đề nghị giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên của cổ đông hoặc nhóm cổ đông như quy định tại Khoản 2 Điều 114 Luật DN hiện hành.

Nhưng theo ông Phan Đức Hiếu, việc sửa đổi nêu trên sẽ giúp mở rộng quyền tiếp cận thông tin của cổ đông về tình hình hoạt động của công ty, tạo thuận lợi hơn cho cổ đông thực hiện quyền của mình. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quản trị công ty ở các nước đề rất cao quyền cổ đông. Xu hướng các nước là làm sao để người dân bỏ vốn vào ít vốn nhưng được bảo đảm quyền lợi. Tuy nhiên, các DN vẫn phải nêu lên tiếng nói của mình để có được pháp luật tốt nhất cho nhà đầu tư cũng như quyền lợi của mình trong hoạt động kinh doanh.