Cổ đông Nhà nước: Hành trình từ tiếp nhận đến thoái vốn
18/06/2019 09:37
Lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, nhưng tự thân viên đá không thể trở thành ngọc quý nếu thiếu đi sự mài giũa kiên nhẫn, chuyên nghiệp từ người thợ lành nghề. Việc thoái vốn nhà nước cũng vậy. Một hành trình từ tiếp nhận đến thoái vốn thành công, là cả một hành trình chuyên nghiệp không thể thiếu sự đồng hành của cổ đông nhà nước và doanh nghiệp.
Hàng nghìn các thương vụ thoái vốn mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thực hiện trong 12 năm qua cũng là từng đấy các câu chuyện khác nhau và khẳng định tính hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp cũng như vai trò của SCIC trong việc gia tăng giá trị vốn nhà nước. Trong các báo cáo đánh giá đều thừa nhận rằng: nếu không nhờ vào sự nỗ lực, chuyên nghiệp của SCIC trong việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước thì rất khó đạt được một kết quả khả quan: giá trị thoái vốn gấp nhiều lần giá trị tiếp nhận.
Tính đến 31/5/2019, danh mục doanh nghiệp do SCIC quản lý có 144 doanh nghiệp, với tổng số vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách hơn 28.600 tỷ đồng, giá trị thị trường khoảng 116.000 tỷ đồng (hơn 5 tỷ USD).
Riêng giai đoạn từ 2017 đến hết tháng 5/2019, SCIC đã bán vốn tại 51 doanh nghiệp (bao gồm: Vinamilk và Nhựa Bình Minh), trong đó, bán hết vốn tại 47 doanh nghiệp, giảm sở hữu tại 4 doanh nghiệp và bán quyền mua cổ phần tại 2 doanh nghiệp.
Tổng giá trị thu được là 20.111 tỷ đồng, trên giá vốn là 3.077 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 17.034 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 6,5 lần (cao hơn nhiều lần so với mức bình quân chung của cả nước giai đoạn 2011-2015 là 1,48 lần).
Công tác bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp của SCIC, theo khẳng định của Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi, là đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, đạt được hiệu quả cao, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Tiếp nhận doanh nghiệp rồi thoái vốn
Đầu tháng 5/2019, thị trường bất ngờ khi chứng kiến kết quả thoái vốn tại Công ty cổ phần Phát triển nhà Cần Thơ. Phiên bán đấu giá toàn bộ cổ phần của SCIC tại Công ty này đã thành công với mức giá trúng thầu lên đến 47.300 đồng/cổ phần, vượt xa mức giá khởi điểm 28.000 đồng/ cổ phần, đem về khoảng chênh lệch giá gấp 4,7 lần so với mức vốn đầu tư của SCIC tại doanh nghiệp.
Công ty Cổ phần Phát triển nhà Cần Thơ tiền thân là một đơn vị hành chính sự nghiệp có thu được thành lập ngày 11/4/1983, có tên ban đầu là Công ty Quản lý Nhà Hậu Giang. Tháng 7/2016, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ thực hiện bán đấu giá phần vốn nhà nước tại Công ty theo phương án cổ phần hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả đấu giá chỉ thành công một phần khi nhà đầu tư tham gia mua chỉ một phần số lượng cổ phần chào bán. Giá chào bán thành công cũng chỉ bằng đúng mệnh giá, không tạo được khoản chênh lệch giá cho nhà nước.
Mặc dù, có được nhiều lợi thế như: được Thành ủy và Chính quyền Thành phố tin tưởng, giao nhiệm vụ phát triển các khu dân cư và tái định cư, nhằm ổn định và nâng cao chất lượng đô thị thành phố, nhưng Công ty lại lâm vào tình cảnh khó khăn. Các dự án của công ty dù đã được bắt đầu thực hiện từ khá lâu, kéo dài hơn 10 năm và đã qua nhiều lần xin gia hạn bàn giao do công tác giải phóng mặt bằng khó khăn.
Bên cạnh đó, các vấn đề tồn tại trong công tác quản trị, điều hành trong giai đoạn trước cổ phần hóa cũng như mâu thuẫn nội bộ trong ban lãnh đạo, đã khiến cho tình hình hoạt động kinh doanh tại Công ty vô cùng khó khăn.
Tháng 4/2017, ngay sau khi tiếp nhận chuyển giao quyền đại diện vốn Nhà nước (31,1 tỷ đồng tương đương 59,4% vốn điều lệ Công ty) từ UBND Thành phố Cần Thơ, SCIC trong vai trò là cổ đông chi phối đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tái cơ cấu hoạt động Công ty. SCIC đã cùng với Hội đồng quản trị Công ty ưu tiên thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy quản lý điều hành theo hướng gọn nhẹ, tập trung xử lý, tháo gỡ các khó khăn, tồn tại và bước đầu có hiệu quả, thu hồi được các khoản công nợ khó đòi kéo dài nhiều năm.
Đến đầu năm 2018, với sự tư vấn của cổ đông SCIC, Hội đồng quản trị Công ty đã thành lập xây dựng thành công Chiến lược phát triển kinh doanh Công ty Cổ phần Phát triển nhà Cần Thơ giai đoạn 2018 - 2020 và đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng và xây dựng hệ thống các giải pháp gồm kiện toàn cơ cấu tổ chức, hệ thống quy chế hoạt động, các giải pháp tài chính, các giải pháp về đầu tư, kinh doanh, tiếp thị dự án... nhằm đạt được sự liên kết vững chắc trong nội bộ Công ty đến việc phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường.
Kết quả chỉ tiêu doanh thu thực hiện năm 2017 đạt 127 tỷ đồng, tăng 13% và lợi nhuận sau thuế đạt 13 tỷ đồng, tăng 126% so với năm 2016. Năm 2018 doanh thu đạt 241 tỷ đồng, tăng gần 90% và lợi nhuận sau thuế đạt 17,7 tỷ đồng, tăng 36% so với thực hiện năm 2017, vượt xa các chỉ tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao.
Công ty đang xây dựng kế hoạch tăng vốn điều lệ để tiếp tục đầu tư các dự án bất động sản trên địa bàn Thành phố Cần Thơ tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong năm 2019 và những năm tới. Sự hồi sinh của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Cần Thơ đã khiến cho các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao khi muốn mua và nắm giữ lâu dài.
"Sự hỗ trợ kịp thời từ SCIC đã phát huy tác dụng rõ rệt. Những thành tích này rất đáng khích lệ khi cổ đông SCIC và công ty đã cùng nhau vượt qua được thời điểm bế tắc và đạt được nhiều thành tựu", Lãnh đạo công ty cho biết.
Xu hướng quản trị minh bạch
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tham gia đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Lê Huy Chí, Thành viên Hội đồng Thành viên của SCIC chia sẻ: trong quá trình đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thông qua thực hiện vai trò cổ đông nhà nước; mô hình SCIC đã thể hiện được những ưu thế vượt trội so với cơ chế chủ quản hành chính (các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố).
"Thông qua vai trò cổ đông để thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã chủ động được trong việc xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp; đầu tư thêm vốn vào các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, qua đó tạo ra giá trị gia tăng cho vốn nhà nước; tập trung xử lý tồn tại của các doanh nghiệp thuộc danh mục quản lý...", ông Chí cho biết.
Với cách làm hiệu quả này, nhiều năm qua đa số các doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận bàn giao đã có kết quả sản xuất kinh doanh tốt; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân các năm 2013-2015 đạt từ 20,1-20,5%, tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước lũy kế trên 21.000 tỷ đồng.
Đồng thời, sau khi tiếp nhận, SCIC đã áp dụng hệ thống quản trị doanh nghiệp tiên tiến, thực hiện kiện toàn hệ thống Người đại diện; củng cố Hội đồng Quản trị, Ban điều hành, Ban Kiểm soát doanh nghiệp; tách bạch chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc); cử cán bộ của SCIC làm đại diện vốn nhà nước tham gia kiêm nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát tại một số doanh nghiệp lớn, phức tạp; biệt phái cán bộ của SCIC tham gia Hội đồng quản trị, ban điều hành, trực tiếp đến làm việc tại một số doanh nghiệp và các dự án đang triển khai...
Khảo sát những doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong đó Nhà nước vẫn còn là cổ đông, đa số cho biết họ hài lòng phần khi vốn nhà nước tại doanh nghiệp được chuyển về SCIC bởi tư duy quản lý doanh nghiệp của SCIC là hiệu quả, minh bạch và tuân thủ nguyên tắc thị trường.
Theo các chuyên gia, cơ chế cổ đông là một tổ chức kinh tế như SCIC tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong điều hành, nhất là trong việc soát xét các báo cáo tài chính, đưa các chuẩn mực quản trị tiên tiến vào doanh nghiệp và khả năng sẵn sàng tham gia tăng vốn khi doanh nghiệp có phương án tăng vốn hiệu quả. Tuy nhiên, tiếc là trên thực tế không phải doanh nghiệp cổ phần hóa nào thuộc đối tượng chuyển giao phần vốn nhà nước về SCIC cũng được chuyển giao theo đúng quy định và lộ trình.
Hiện nay, phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp không chỉ do một mình Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý mà còn nhiều cơ quan khác đang được trao quyền đại diện chủ sở hữu. Chính vì vậy, những vấn đề của cổ đông nhà nước không chỉ của riêng SCIC mà còn của rất nhiều cơ quan khác.
Thống kê cho thấy, phần vốn nhà nước do SCIC quản lý tại 145 doanh nghiệp cổ phần hiện chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng số vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong số đó, có những doanh nghiệp SCIC nắm giữ cổ phần chi phối nhưng cũng có những doanh nghiệp mà tỷ lệ nắm giữ cổ phần của SCIC dưới 30%. Hiện tại, tổ chức này đang tiếp tục rà soát xem xét tổng thể, để quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nâng cao giá trị doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của nhà nước.