Chục năm vẫn câu hỏi: Có nên làm thép?

Sự cố môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Formosa) khiến việc cấp phép đầu tư cho một số dự án thép đã tạo nên những “bức xúc”, “dằn vặt” cho ngành thép trong những ngày qua. Những câu hỏi như Việt Nam có nên đầu tư vào thép, Việt Nam có thể sản xuất thép “sạch” dường như vẫn còn bỏ ngỏ.

27/09/2016 08:20

Sự cố môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Formosa) khiến việc cấp phép đầu tư cho một số dự án thép đã tạo nên những “bức xúc”, “dằn vặt” cho ngành thép trong những ngày qua. Những câu hỏi như Việt Nam có nên đầu tư vào thép, Việt Nam có thể sản xuất thép “sạch” dường như vẫn còn bỏ ngỏ.

Làm thì vẫn cần làm

Nhắc đến vấn đề ô nhiễm môi trường, chắc chắn từ khóa “Formosa” là liên tưởng đầu tiên mà bất ai khi được hỏi sẽ nghĩ đến. Ông Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Formosa ngoài tác hại đến môi trường, làm điêu đứng ngư dân, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội cả một vùng rộng lớn... còn khiến cho mọi người "sợ", ác cảm với ngành thép Việt Nam, điều này có nguy cơ biến Việt Nam trở thành thị trường của thép Trung Quốc. Sự cố Formosa khiến nhiều người đặt câu hỏi "Việt Nam có cần làm thép không?”, bởi bài toán khó nhất với chi phí tốn kém nhất của "làm thép" là xử lý không để tác hại đến môi trường.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Du Lịch nói tiếp: “Câu hỏi có làm thép hay không, tôi đã nghe từ chục năm nay rồi. Tôi cho rằng, Việt Nam nếu không làm thép sẽ không có công nghiệp hoá". Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): "Trong bối cảnh hội nhập càng sâu thì tính thị trường càng cao. Tôi đồng tình ở chỗ làm gì thì làm, khâu bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực với môi trường là cực kỳ quan trọng. Xét đến trình độ phát triển, lợi thế lựa chọn thị trường thì có vẻ thép vẫn là lựa chọn thích hợp”.

Bổ sung thêm ý kiến, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khẳng định: “Trên thế giới vẫn cần thép, có nơi vẫn sản xuất thép gắn với chữ “sạch” như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam vẫn cần sản xuất thép. Tôi cũng đã nghe chuyên gia đặt câu hỏi vì sao Việt Nam không sản xuất thép chế tạo? Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, bối cảnh của Việt Nam khác Nhật Bản, Hàn Quốc, sản xuất phải do thị trường quyết định. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa thể sản xuất thép chế tạo trong đó có nguyên nhân nguồn nhân lực chưa đáp ứng điều kiện".

Đại diện cho phía DN, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho rằng, Việt Nam đã lựa chọn con đường đúng là công nghệp hoá- hiện đại hoá để phát triển đất nước, thì tất yếu phải phát triển công nghiệp vật liệu như ngành thép. Sự cần thiết đầu tư vào thép được vị này lập luận bằng cách đưa ra mức tiêu thụ thép của từng quốc gia. Cụ thể, ở Việt Nam hiện nay mới tiêu thụ 200 kg thép/người/năm, thấp hơn mức bình quân thế giới là 240 kg/người và thấp hơn nhiều mức trung bình của một số nước trong khu vực. Các nước như Thái Lan là 350 kg thép/người/năm, thậm chí như Hàn Quốc, có thời kỳ 1.100kg/người/năm. Điều này cho thấy, Việt Nam đang ở “ngưỡng” thấp hơn mức trung bình thế giới và ASEAN.

Trả lời cho sự băn khoăn mà một số người cho rằng tại sao Việt Nam đang “thừa thép” mà vẫn tiếp tục đầu tư, ông Dũng nhấn mạnh, hiện Việt Nam vẫn đang phải nhập siêu thép hàng tỷ USD và chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. Việt Nam thừa thép dài nhưng với thép dẹt, trừ tôn mạ màu, tôn mạ kẽm thì các loại thép nguội, thép cuộn cán nóng chưa sản xuất được nên phải nhập hoàn toàn.

Cốt lõi là giám sát!

Với những phân tích nêu trên, có thể khẳng định Việt Nam vẫn cần sản xuất thép. Nhưng làm thế nào để những “bức xúc”, “dằn vặt” đối với ngành thép không lặp lại. Theo ông Võ Trí Thành, phát triển ngành thép không phải là vấn đề mới nhưng trong bối cảnh hiện nay, từng quốc gia đều gắn phát triển và tăng trưởng trong mối quan hệ hài hòa với môi trường. Vấn đề về ô nhiễm của ngành thép không chỉ gây bức xúc hiện tại mà là câu chuyện tầm nhìn, định hướng lâu dài cho đất nước đang chuyển mình như Việt Nam, gắn chặt với từng quốc gia vùng miền. Không chỉ là câu chuyện về lý thuyết đó là cơm ăn áo mặc cho hôm nay và mai sau, đó là câu chuyện về phát triển bền vững.

Ông Thành cho biết: “Một đại diện của IMF ở Hà Nội đã nói với tôi về Trung Quốc tăng trưởng 30 năm liền với mức tăng từ 9-10%/năm là một mô hình Việt Nam không đáng học. Đó không phải là sự tăng trưởng thần kỳ. Bởi lẽ Trung Quốc phải trả giá cực đắt với phát triển bền vững. Giờ đây, khi người ta nói đến Bắc Kinh không phải nói về những toà nhà chọc trời, không ai nói mỗi ngày có hàng nghìn ô tô ra đời… mà nói đến ô nhiễm”. Từ dẫn chứng này ông Thành lại “móc nối” sang một sự câu hỏi khác “với công nghệ mới trong sản xuất thép hiện nay, công nghệ xử lý chất thải, có ai dám nói “chắc như đinh đóng cột” là Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất thép “sạch” hay không”.

Không đề cập trực diện về nội dung này nhưng ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định, sự cố của Formosa là hy hữu và lại mới xảy ra trong quá trình xây dựng, không phải quá trình vận hành. Tác động của sản xuất thép đến môi trường vẫn có thể được xử lý ổn thoả. Ví dụ như tại Nhật Bản, có đến 3 nhà máy thép lò cao ở khu vực vịnh Tokyo, nhưng người dân ở đây vẫn bắt cá trong vịnh về ăn sushi. Theo ông Hoài, bài học của Formosa ở giai đoạn trước và bây giờ vấn đề cần đề cập tới là hậu kiểm và công tác giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.

Còn theo ông Hồ Nghĩa Dũng: Việc đầu tư phát triển ngành thép là cần thiết và vấn đề nóng nhất là công nghiệp thép tác động tiêu cực đến môi trường là hoàn toàn đúng. Vấn đề ở đây là công nghệ khoa học hoàn toàn kiểm soát được, quan trọng là nhà đầu tư lựa chọn đầu tư thế nào, việc quản lý, giám sát của Nhà nước và cộng đồng ra sao?”.

Một câu hỏi khác đặt ra khi Việt Nam vẫn đầu tư vào thép được chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu ra là liệu Việt Nam có cạnh tranh được với thép Trung Quốc không? Trả lời cho câu hỏi này, ông Dũng cho hay, câu chuyện cạnh tranh với thép Trung Quốc, chúng ta cần tính toán. Nhưng cũng cần hiểu rằng, thép Trung Quốc XK bằng nhiều phương thức, trong đó có hình thức gian lận, trợ giá XK... Nếu giải quyết, đấu tranh bằng nhiều hàng rào thương mại và kỹ thuật, phòng vệ thương mại giống như đang áp dụng với sản phẩm phôi thép, thép cán dài thì chúng ta hoàn toàn cạnh tranh được”, ông Dũng khẳng định.

Có thể nói, những câu hỏi Việt Nam có nên làm thép, Việt Nam có thể làm thép “sạch”, thép Việt Nam có thể cạnh tranh với thép Trung Quốc đã được trả lời qua những phân tích trên. Song vấn đề cốt lõi để trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi trên còn phụ thuộc vào việc thực thi thể chế và chức năng giám sát, minh bạch thông tin. Ý kiến của ông Trần Du Lịch có lẽ sẽ là câu trả lời thỏa đáng: “Người ta nghi ngờ quản lý Nhà nước không giám sát được- rủi ro lớn nhất nằm ở chỗ này, tức là cơ chế giám sát”.