Chính sách giúp DN phát triển bền vững cần cụ thể, thiết thực

Các chính sách, khuyến nghị tạo điều kiện DN phát triển bền vững như đổi mới công nghệ, tín dụng ưu đãi... cần phải được đề xuất, xây dựng cụ thể, thiết thực.

11/12/2014 09:44

Các chính sách, khuyến nghị tạo điều kiện DN phát triển bền vững như đổi mới công nghệ, tín dụng ưu đãi... cần phải được đề xuất, xây dựng cụ thể, thiết thực.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định như vậy trong buổi gặp Ban điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, chiều 10/12.

Theo Phó Thủ tướng, nền kinh tế Việt Nam còn đang tiếp tục quá trình chuyển đổi, về cơ bản quy luật thị trường tốt, nhưng để tạo điều kiện cho các DN phát triển bền vững còn một số việc phải tiếp tục làm mạnh hơn. Chẳng hạn, hệ thống pháp lý Việt Nam những năm gần đây hoàn thiện rất nhanh nhưng vẫn còn gây khó khăn cho DN cũng như cho chính cơ quan quản lý nên cần tiếp tục sửa đổi. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cổ phần hóa DN Nhà nước, trên tinh thần căn bản không phải là huy động vốn mà là thay đổi cung cách quản trị của DN.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ổn định và tập trung bảo đảm tính vững chắc hơn cho nền kinh tế trên cơ sở các cân đối vĩ mô ngày một tốt hơn, môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh hơn. Trong đó tập trung hoàn thiện thể chế thị trường; đẩy mạnh đổi mới DN nhà nước; nâng cao chất lượng nhân lực... là các vấn đề được chú ý.

Phó Thủ tướng cho biết hiện nay, Chính phủ Việt Nam cùng với các tổ chức quốc tế xây dựng Báo cáo phát triển Việt Nam đến năm 2035. Vì thế, Hội đồng cần có những kiến nghị, góp ý tốt nhất để Việt Nam phát triển. Đây là cơ sở tham chiếu để cho việc xây dựng chương trình, hành động cụ thể.

Nhấn mạnh trong xu thế phát triển kinh tế hiện nay là lấy DN làm động lực phát triển và thượng tôn pháp luật, Phó Thủ tướng cho rằng Hội đồng vì sự phát triển bền vững Việt Nam phải tăng cường hỗ trợ để 100% các DN ở Việt Nam hoạt động trên tinh thần phát triển bền vững, đồng thời đóng góp tích cực cho nội dung dự thảo nghị quyết của Chính phủ trong năm 2015 về nâng cao năng lực cạnh tranh vì sự phát triển bền vững từ góc độ của các DN.

“Phát triển bền vững, phát triển toàn diện, vì người nghèo là quá trình nhận thức rất dài. Trừ những DN có tầm nhìn xa thì với những DN mới khởi nghiệp, Hội đồng cũng phải khuyến nghị, cảnh báo, ngăn chặn những xu hướng phát triển sai lệch ngay từ đầu, đồng thời huy động những DN lớn, cả trong nước và nước ngoài đi đầu trong phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nói.

Đại diện Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho biết, hiện Hội đồng có 35 hội viên; có quan hệ với 100 đối tác trên thế giới ở 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện Hội đồng đang kết nối với Hội đồng Thương mại quốc gia Lào và kết nối với các nước ASEAN.

Thời gian tới, Hội đồng sẽ tập trung khảo sát đánh giá 3 ngành cao su, chè, cà phê để xây dựng khung hành động kết nối với các nước ASEAN, khu vực và quốc tế.