Cần quy định rõ trách nhiệm trong cổ phần hóa
09/08/2019 15:10
Nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Đó là đánh giá của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính tại Diễn đàn “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” do Cục Tài chính doanh nghiệp tổ chức ngày 8/8, tại Hà Nội.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, cơ chế, chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được hoàn thiện nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước, tạo thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng. Tuy nhiên, tiến độ triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch và gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Đến nay, mới hoàn thành cổ phần hóa 35/127 doanh nghiệp, đạt 27,5% danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 991; hoàn thành bán vốn nhà nước tại 88/403 doanh nghiệp, đạt 21,8% danh mục doanh nghiệp hoàn thành thoái vốn giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, nguyên nhân đó là do một số bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo và chưa chấp hành chế độ báo cáo.
Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.
Một nguyên nhân quan trọng là tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.
Hơn nữa, việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.
Ông Trần Nguyên Nam, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, lũy kế từ khi thành lập (năm 2006) đến nay, SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.059 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước gần 21.500 tỷ đồng (trong đó có 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã cổ phần hóa).
“Nhìn chung, công tác cổ phần hóa tuy chậm so với kế hoạch nhưng với sự chủ động báo cáo, đề xuất của SCIC, các khó khăn vướng mắc đã có hướng xử lý cụ thể, đặc biệt là phê duyệt phương án sử dụng đất”, ông Trần Nguyên Nam nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lưu ý: Khi cổ phần hoá bên cạnh mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước với hiệu quả cao nhất, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn nhắm đến những mục tiêu quan trọng và dài hạn hơn là giúp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, giữ gìn thương hiệu, ngành nghề kinh doanh chính để từ đó tạo điều kiện cho phát triển bền vững của cả nền kinh tế trong dài hạn. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy còn không ít khó khăn để có thể đạt được những mục tiêu này.
Ông Ngô Trí Long đề xuất, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của bộ ngành và các bên liên quan trong cổ phần hóa, thoái vốn khi mà kế hoạch, danh mục đã được phê duyệt cho cả giai đoạn rồi. Đối với những trường hợp có vướng mắc, đặc thù hoặc chưa có quy định rõ ràng của pháp luật thì cần quy định rõ thẩm quyền do ai phải đề xuất phương án xử lý; ai có đủ thẩm quyền phê duyệt.
“Cần tránh tư tưởng đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc, không “tròn vo, đẩy công văn xin ý kiến vòng quanh” gây ách tắc, trì trệ”, ông Long dẫn lại ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc đến trong một cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp vào cuối tháng 7.
“Trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư nội hay ngoại sẽ không thực sự quan trọng bằng việc đánh giá, lựa chọn được nhà đầu tư với công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm với thị trường Việt Nam, có cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn, có chiến lược phát triển dựa trên những sản phẩm thuần Việt”, ông Ngô Trí Long nói.