Các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước chưa thoát khó trong năm 2021
10/11/2020 07:56
Năm 2021 sẽ có nhiều yếu tố khó khăn, khó lường ảnh hưởng tiêu cực lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng Công ty. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 cần phải tính toán kỹ lưỡng để phù hợp tình hình thực tiễn, có tính khả thi; đồng thời cũng bảo đảm phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước nòng cốt trong phát triển kinh tế đất nước hết sức quan trọng.
Đây là đánh giá và yêu cầu của lãnh đạo Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) tại Hội nghị về xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của các Tập đoàn, Tổng Công ty, ngày 5/11.
Năm 2020 được đánh giá là một năm khó khăn nhất trong mấy chục năm trở lại đây. Phó Chủ tịch CMSC Nguyễn Ngọc Cảnh - cho hay, trong năm 2020, các doanh nghiệp chịu tác động rất lớn, vừa phải thực hiện nhiệm vụ kép bảo đảm phòng, chống dịch bệnh vừa phải duy trì sản xuất, kinh doanh, việc làm thu nhập cho người lao động. “Những khó khăn lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp không đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ; có doanh nghiệp thua lỗ nặng nề”- ông Cảnh nêu.
Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid trong năm 2020 và được dự báo kéo dài trong năm 2021, vì vậy, việc xây dựng kế hoạch năm 2021 của các Tập đoàn, Tổng công ty theo lãnh đạo CMSC là vừa phải bảo đảm phát huy vai trò của các doanh nghiệp nhà nước mũi nhọn trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế đất nước, vừa phải có tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó, để có cơ sở chỉ đạo việc lập, phê duyệt kế hoạch năm 2021, tại Hội nghị các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị thuộc CMSC như: Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Hóa chất Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty viễn thông Mobifone, Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Thuốc lá Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Cà phê Việt Nam, Lương thực miền Bắc… đã tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề trọng tâm liên quan tới công tác đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020; thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện. Đồng thời, các đơn vị đã đưa ra các dự báo các vấn đề phát sinh, có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xác định các kịch bản phù hợp, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp và các giải pháp thực hiện cho năm 2021.
Đại diện nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - cho biết, năm 2020, do diễn biến phức tạp đã tác động lớn đến nhu cầu của thị trường, khiến cho nhiều chỉ tiêu trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển bị ảnh hưởng và phải điều chỉnh thay đổi. Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN - thông tin, năm 2020 do dịch Covid-19 và lũ miền Trung nên nhu cầu dùng điện giảm thấp nên EVN kiến nghị CMSC cho điều chỉnh kế hoạch sản lượng điện thương phẩm, sản lượng điện bán ở công ty mẹ và kế hoạch tiền lương của công ty mẹ.
Thuộc nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng hiện chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho hay, hiện tất cả đường bay quốc tế vẫn chưa được thực hiện, hãng chủ yếu thực hiện các chuyến hồi hương và chở hàng hoá. “Dự báo cho thấy VNA chưa có khả năng phục hồi đến hết tháng 10/2021. Để có mức lỗ nhỏ hơn 13.000 tỷ đồng năm 2020, trong suốt 10 tháng qua, Tổng Công ty phải tập trung nhiều giải pháp tăng doanh thu, cắt giảm chi phí và liên tục làm việc với các chủ nợ để bàn cách giãn, hoãn...”- ông Quang nói.
Trước các thách thức hiện nay, ngoài nội lực của mỗi doanh nghiệp, nhiều đơn vị kiến nghị CMSC, Chính phủ, Bộ ngành có những giải pháp hỗ trợ tháo gỡ kịp thời. Như, đại diện EVN kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính ưu tiên nguồn vốn ODA và vốn vay nước ngoài; còn đại diện Vietnam Airline - cho rằng, năm 2021, dự tính mỗi ngày Vietnam Airline vẫn lỗ vài chục tỷ đồng, mức lỗ sẽ ngang năm 2020. Theo đó, đơn vị này kiến nghị CMSC hỗ trợ việc thực hiện các nội dung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, sớm có phương án tăng vốn điều lệ cho đơn vị để xử lý vấn đề dòng tiền đang rất khó khăn. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam sớm có đánh giá tổng thể ngành hàng không hiện nay để có những quyết sách phù hợp, kịp thời, giúp ngành này có đủ năng lực cạnh tranh với các hãng trên giới.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Nguyễn Ngọc Cảnh (giữa) đề nghị kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2021 của các Tập đoàn, Tổng công ty cần phải tính toán kỹ lưỡng để phù hợp tình hình thực tiễn, có tính khả thi
Đánh giá cao nỗ lực của các Tập đoàn, Tổng Công ty trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020, trong đó, các doanh nghiệp đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị của CMSC tập trung vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã có sáng kiến cơ cấu lại nguồn nguyên liệu, cơ cấu sản phẩm, thị trường tiêu thụ, không để đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh và có giải pháp khôi phục ngay được sản xuất khi dịch bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, hạn chế thấp nhất được các ảnh hưởng dịch tới hoạt dộng sản xuất, kinh doanh. “Dù gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã thể hiện tốt vai trò Tập đoàn, Tổng Công ty mũi nhọn của nhà nước”- ông Cảnh nhấn mạnh.
Về xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 2021, Phó Chủ tịch CMSC Nguyễn Ngọc Cảnh đề nghị: Xây dựng kế hoạch năm 2021, các Tập đoàn, Tổng Công ty cần đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm 2020, làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, đưa ra các bài học kinh nghiệp cho năm 2021. Đồng thời, xác định năm 2021 là năm bản lề, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội của Ủy ban, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội.
Trên cơ sở đó, quyết tâm cao nhất để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 2021, thể hiện vai trò của các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước làm chủ đạo, góp phần phát triển kinh tế đất nước, có tính đến tính khả thi với các kịch bản phù hợp với tình hình thực tiễn của bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước.
Mặt khác, theo Phó chủ tịch CMSC các đơn vị cần rà soát, cân đối nguồn lực đầu tư, xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư, tập trung thực hiện các dự án trọng điểm, dự án sắp hoàn thành, đặc biệt là các dự án có khả năng hoàn thành ngay trong năm 2012. "Đối với các dự án đã hoàn thành, thực hiện sớm và dứt điểm các thủ tục thanh, quyết toán, kiểm toán theo quy định, không để dây dưa, nợ đọng xây dựng cơ bản. Các dự án khác, chỉ đầu tư khi bảo đảm đủ các điều kiện, tính toán rõ hiệu quả kinh tế và bảo đảm đúng quy định của pháp luật"- Phó Chủ tịch CMSC Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.