Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải trình dự án nghìn tỷ đắp chiếu

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về dự án polyester Đình Vũ và Gang thép Thái Nguyên, vốn đầu tư 7.000 - 8.000 tỷ đồng nhưng nằm đắp chiếu.

18/11/2015 13:11

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về dự án polyester Đình Vũ và Gang thép Thái Nguyên, vốn đầu tư 7.000 - 8.000 tỷ đồng nhưng nằm đắp chiếu.

Sau phản ánh của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) về các dự án trăm tỷ, nghìn tỷ đồng nằm đắp chiếu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lại một lần nữa bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng này.

“Tôi xin nói rằng, những lãng phí và thất thoát ở vài ba nhà máy thế này đã hơn 1 tỷ USD rồi, mà chúng ta đang tìm cách cố gắng vay 3 tỷ USD trong khi luật chưa cho phép. Cái này phải có giải pháp quyết liệt và đột phá. Ví dụ, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên 10 năm nay chưa xon,g mỗi tháng Việt Nam mất 20 - 30 tỷ đồng tiền lãi, chúng ta thấy không những nó chôn ở đấy mà tiếp tục mất đi. Chúng tôi đề nghị các Bộ trưởng cho biết giải pháp rất gấp trong vấn đề này như thế nào, không thể để thiệt hại thêm”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa chất vấn.

Liên quan đến các dự án này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã thẳng thắn trả lời câu hỏi của các đại biểu.

Trước hết, với Dự án xơ sợi ở Đình Vũ (Hải Phòng), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Dự án đã chính thức vận hành vào ngày 29/5/2014 và đến hết năm 2014, vận hành đạt 48% công suất.

“Việc này so với kế hoạch là không đạt. Năm 2014, bước đầu xác định lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng, trong khi nộp ngân sách là 212 tỷ đồng. Nguyên nhân cũng đã được xác định, trước hết là các định mức và chi phí vận hành tăng hơn so với tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, Dự án có công nghệ rất hiện đại, lần đầu tiên được đầu tư ở Việt Nam nên năng lực vận hành của đội ngũ cán bộ quản lý cũng như công nhân còn hạn chế, từ đó dẫn đến chất lượng sản phẩm có lúc chưa đạt yêu cầu.

Thêm nữa, trong bối cảnh giá cả thế giới vào thời điểm hiện nay, nhất là giá xơ sợi nhân tạo giảm, vì vậy sản phẩm của nhà máy này làm ra không cạnh trạnh được, giá cao hơn.

“Đứng trước tính hình đó, chúng tôi đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tìm các biện pháp để khắc phục. Trước hết, chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư rà soát lại máy móc, thiết bị công nghệ, để làm sao đảm bảo vận hành an toàn”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói và cho biết, cùng với việc tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề người lao động, Bộ cũng đã tổ chức cuộc họp giữa Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí theo hướng Tập đoàn Dệt may sẽ tiêu thụ một số sản phẩm của dự án này.

“Hiện những sản phẩm này Tập đoàn Dệt may Việt Nam vẫn phải nhập từ nước ngoài. Giá bên ngoài có cạnh tranh hơn, nhưng trước mắt cố gắng tiêu thụ khoảng 50% sản phẩm của nhà máy, sau này khi mặt bằng giá cân bằng sẽ mua nhiều hơn”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết và nhắc tới kế hoạch đặt ra cho năm 2015 giảm lỗ xuống còn 600 tỷ đồng, năm 2016 cố gắng cơ bản cân đối được thu và chi.

Trong khi đó, Dự án Gang thép Thái Nguyên, được đầu tư vào cuối năm 2007, với vốn vay của Trung Quốc, do Công ty Luyện kim Trung Quốc làm tổng thầu EPC.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình triển khai Dự án đã gặp một số khó khăn. Từ năm 2007 đến nay, phần về thiết kế mới đạt được 88,3% khối lượng, phần mua sắm thiết bị đạt được 93,8%, xấp xỉ 94%. Còn phần xây dựng đã đạt được hơn 1.000 tỷ đồng, phần này hoàn toàn do phía nhà thầu Việt Nam đảm nhận.

Nguyên nhân chậm trễ được chỉ ra là do giai đoạn 2007 đến 2011 chi phí xây lắp tăng cao, do giá vật tư, nguyên liệu tăng, bình quân vật liệu xây dựng trong giai đoạn này tăng khoảng 281%.

Nguyên nhân thứ hai, tỷ giá ngoại tệ thay đổi, từ trước có 15.850 VND/USD tăng lên 21.000 VND/USD.

Nguyên nhân thứ ba, các chính sách liên quan về thuế, tiền lương, lãi suất vay của ngân hàng, nhất là trong giai đoạn 2014 trở về trước cũng đột biến dẫn đến chi phí vốn đầu tư tăng khá nhiều so với tính toán ban đầu.