Bộ thuê nước ngoài quy hoạch thép, ĐBQH kiến nghị chờ

Bộ Công Thương thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn quy hoạch ngành thép, trong khi ĐBQH kiến nghị chờ Luật quy hoạch được thông qua.

23/12/2016 10:14

Bộ Công Thương thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn quy hoạch ngành thép, trong khi ĐBQH kiến nghị chờ Luật quy hoạch được thông qua.

Thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn quy hoạch thép

Ngày 21/12, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký phê duyệt nhiệm vụ và đề cương đánh giá Dự thảo Quy hoạch Hệ thống Sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Theo đó, Bộ trưởng giao cho Vụ Công nghiệp Nặng là đơn vị chủ trì. Đơn vị thực hiện là Công ty tư vấn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Đơn vị tư vấn nước ngoài này có trách nhiệm làm rõ xu hướng phát triển ngành thép thế giới và khu vực; đồng thời đánh giá khả năng cạnh tranh của ngành thép Việt Nam so với khu vực và trên thế giới cũng như việc lựa chọn nhà thầu, công nghệ và những đánh giá tác động về môi trường. Thời gian hoàn thành dự thảo đề án là trong quý II năm 2017.

“Việc đặt hàng một công ty tư vấn nước ngoài để đánh giá dự thảo Quy hoạch hệ thống sản xuất thép Việt Nam của Bộ Công Thương là một việc làm mới. Bộ đã lắng nghe ý kiến dư luận xã hội, của các chuyên gia, các nhà phản biện trong thời gian qua về lĩnh vực sản xuất thép và quy hoạch các dự án thép”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, dự thảo quy hoạch ngành Thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 mới đi được 1/5 quãng đường. Trong đó, giữa tháng 11/2016, Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan về dự thảo lần 1.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp từ các bộ ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân, hiệp hội, ngày 13/12/2016, Bộ Công Thương ban hành Dự thảo Lần 2 và tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ và các địa phương trên phạm vi toàn quốc.

So với dự thảo lần 1, dự thảo lần 2 có sự thay đổi đáng kể. Bộ Công Thương đã loại bỏ 12 dự án có quy mô nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, chưa triển khai hoặc do địa phương đề xuất.

Theo kế hoạch, ngay trong tháng 12/2016, Bộ Công Thương sẽ tổ chức “trưng cầu” ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, môi trường, nước, khí hậu, du lịch… Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện dự thảo lần 3 để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Theo yêu cầu của Thủ tướng tại công văn số 2822 ngày 7/12/2016, Bộ Công Thương cần hoàn thiện dự thảo Quy hoạch ngành thép để trình Thủ tướng xem xét vào quý IV năm 2017.

Trước đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao cho Bộ Công Thương cần khẩn trương rà soát Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phấn phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 để điều chỉnh phù hợp nhu cầu thực tế để báo cáo Thủ tướng.

Cũng theo yêu cầu của Phó thủ tướng, việc quy hoạch cần tính đến các yếu tố ổn định và bên vững, giảm dần sự mất cân đối giữa thép dài và thép dẹt, giữa sản xuất và lưu thông phân phối. Bên cạnh đó cần sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng của đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái, tiến tới từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng và ô nhiễm môi trường.

Chờ Luật quy hoạch được thông qua

Trước đó, từng trao đổi với Đất Việt xung quanh dự thảo quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2035 của Bộ Công Thương, bà Mai Thị Ánh Tuyết (ĐBQH tỉnh An Giang) cho rằng cần phải xem xét thận trọng, không nên nóng vội.

Theo bà Tuyết, việc đưa ra các chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam trong tương lai là cần thiết. Tuy nhiên phải dựa trên cơ sở phải hiệu quả và nhu cầu sử dụng thép thực tế trong cả nước.

“Việc phát triển ngành thép, theo tôi phải trên tinh thần cạnh tranh. Hiện nay chúng ta đang bắt đầu hội nhập nên sẽ có nhiều hàng hóa từ các nước vào Việt Nam. Vì vậy các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi mẫu mã, chất lượng, giá thành thông qua công nghệ để cạnh tranh với các nước ngoài”, bà Tuyết nói.

Nữ ĐBQH tỉnh An Giang lưu ý, thép là một trong những ngành công nghiệp nặng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Đặc biệt Việt Nam đã có nhiều bài học kinh nghiệm từ dự án Formosa Hà Tĩnh xả thải, do đó tăng sản lưởng thép đồng nghĩa với việc các yêu cầu, đòi hỏi về công nghệ càng phải chặt chẽ hơn.

Bà Tuyết cũng nhấn mạnh đến việc Luật quy hoạch đang được Chính phủ trình Quốc hội, các ngành kinh tế, trong đó có ngành thép, nhà nước sẽ không quản lý bằng quy hoạch mà quản lý bằng các luật khác như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật tiêu chuẩn và chất lượng, Luật bảo vệ môi trường…

Vì vậy, theo bà Tuyết, Bộ Công Thương nên chờ đến thời điểm Luật được chính thức thông qua mới đưa ra các dự báo quy hoạch thép.

“Luật quy hoạch lần này Quốc hội đang xem xét sẽ quản lý ngành thép theo hướng tổng thể toàn quốc chứ không quy hoạch theo sản phẩm. Vì vậy nếu Bộ Công Thương có đưa ra quy hoạch thì sau này cũng sẽ không còn hiệu lực, buộc phải thay đổi. Do đó chúng ta nên đánh giá, cân nhắc lại. Nếu cần có thể chờ khi Luật quy hoạch được chính thức thông qua”, bà Tuyết nêu quan điểm.

Đồng quan điểm với ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết, bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH Hà Nội khóa 13 nhấn mạnh việc phát triển ngành thép phải được gắn chặt với trách nhiệm của người đứng đầu.

“Bộ Công Thương cần cam kết và chịu trách nhiệm về số liệu công bố. Bởi lẽ quy hoạch chúng ta đưa ra trong một thời gian dài. Có thể khi xảy ra sự cố, vấn đề xấu thì những người quy hoạch đã già cả hết rồi. Nếu có cam kết thì đương nhiên họ sẽ phải tính toán cẩn trọng hơn trong các tính toán đưa ra”, bà An nhấn mạnh.