Bộ Công Thương: Cắt giảm được gần 900 điều kiện đầu tư kinh doanh

Công tác chỉ đạo điều hành, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính của Bộ Công Thương luôn nằm trong top đầu các bộ, cơ quan ngang bộ.

07/08/2020 10:44

Công tác chỉ đạo điều hành, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính của Bộ Công Thương luôn nằm trong top đầu các bộ, cơ quan ngang bộ.

Những đột phá trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kinh đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương trong những năm gần đây đã góp phần vào cải thiện Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Đây cũng là nét nổi bật được đánh giá và ghi nhận tại Hội nghị Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 6/8, tại Hà Nội.

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Theo thứ trưởng Trần Quốc Khánh, những năm qua, Bộ Công Thương luôn nỗ lực thực hiện công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư-kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, bộ đã rà soát, cắt giảm 880/1.216 điều kiện đầu tư kinh doanh; trong khi danh mục các sản phẩm, hàng hóa là đối tượng kiểm tra chuyên ngành của Bộ Công Thương được cắt giảm là 1.051 mã HS/1.891 mã HS (chi tiết đến 8 số) đạt tỷ lệ hơn 56%.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, cho biết đến thời điểm này, tất cả 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó có 206 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4.

Bên cạnh đó, hơn 33.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến của bộ, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tăng khoảng 15-20%/năm.

Điển hình là năm 2019, năm có nhiều hồ sơ nhất, Bộ Công Thương đã xử lý hơn 1,5 triệu bộ hồ sơ điện tử qua các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến bộ.

Trong khi đó, mức độ hài lòng đối với các thủ tục xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương quản lý liên tục được cải thiện trong những năm vừa qua.

Tính đến quý 3/2019, Cục xuất nhập khẩu đã thực hiện bãi bỏ và đơn giản hóa 62 thủ tục hành chính trên tổng số 76 thủ tục hành chính (tương đương 81,6%) số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực phụ trách của cục.

Đến ngày 1/10/2019, thêm 9 thủ tục hành chính của Cục Xuất nhập khẩu chính thức được thực hiện trực tiếp cấp độ 3 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương. Dự kiến trong năm 2020, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục triển khai khoảng trên 30 thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến cấp độ 3, 4.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ trên, giai đoạn 2016-2019 công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương đã có sự chuyển biến tích cực, vị trí xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Parindex) của bộ liên tục có những bước tiến vượt bậc.

Đơn cử, năm 2016 tăng 6 bậc so với năm 2015 và đứng thứ 12/19 bộ, cơ quan ngang bộ. Năm 2017, đứng thứ 5/19 bộ, cơ quan ngang bộ (tăng 7 bậc so với năm 2016, tăng 13 bậc so với năm 2015) và năm 2018 tiếp tục giữ vị trí thứ 5/18 bộ, cơ quan ngang bộ.

Trong 10 chỉ số chính, thì chỉ số tiếp cận điện năng tăng 129 bậc từ vị trí 156 lên vị trí 27, cải thiện vượt bậc về xếp hạng qua từng năm trong giai đoạn 2013-2019.

Đáng chú ý, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, nhiều thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết đã được xem xét bãi bỏ hoặc đơn giản hóa tối đa.

Vì vậy, công tác chỉ đạo điều hành, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính của Bộ Công Thương luôn nằm trong top đầu các bộ, cơ quan ngang bộ.

“Những kết quả trên của Bộ Công Thương, theo công bố của Ngân hàng thế giới (World Bank), đã góp phần vào cải thiện Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam,” Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khảo sát Bộ phận một cửa, cấp C/O tại Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tinh gọn bộ máy

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thực hiện chủ trương cải cách hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy, tại Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017, số đơn vị đầu mối thuộc Bộ Công Thương giảm từ 35 đơn vị (30 đơn vị hành chính, 5 đơn vị sự nghiệp) xuống còn 30 đơn vị (26 đơn vị hành chính, 4 đơn vị sự nghiệp). Ngoài ra, số lượng phòng giảm từ 197 phòng xuống còn 123 phòng (giảm 74 phòng).

Đáng chú ý, mô hình Tổng cục Quản lý thị trường triển khai theo ngành dọc đã bước đầu phát huy hiệu quả, đặc biệt đã sắp xếp giảm được 235 Đội Quản lý thị trường cấp huyện.

Theo lộ trình đến hết năm 2020, Tổng cục sẽ hoàn thành việc sắp xếp giảm 305 Đội Quản lý thị trường cấp huyện đồng thời xây dựng và hoàn thiện Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất 38 Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh để giảm 19 Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay sau gần 2 năm chính thức đi vào hoạt động, mô hình Tổng cục theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương đã thể hiện rõ ưu điểm, tạo sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong công tác điều hành, quản lý, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường cả nước.

"Bộ Công Thương xác định cải cách hành chính và thế chế là khâu đột phá để tạo sự thay đổi, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và thực hiện chức năng được giao,” ông Trần Hữu Linh, nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đánh giá cao công tác cải cách hành chính của Bộ Công Thương trong thời gian qua. Theo ông, là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, vì vậy các hoạt động của Bộ Công Thương và các đơn vị của bộ sẽ tác động ngay và mạnh mẽ đến tình hình kinh tế xã hội.

Chính vì vậy, trong giai đoạn vừa qua, việc cải cách hành chính, thể chế một cách mạnh mẽ của Bộ Công Thương đã được dư luận đánh giá rất cao, hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh.

Nhằm tạo ra các bước đột phá trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Công Thương tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, đồng thời sử dụng hiệu quả Chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá cũng như quan tâm việc triển khai khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính./.