Anh kêu gọi Trung Quốc cùng giải quyết khủng hoảng ngành thép

Ngày 2/4, người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron cho biết nhà lãnh đạo Anh muốn nước này và Trung Quốc cùng làm việc với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng thừa trong ngành thép và ông nghĩ rằng Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại châu Á trong năm nay có thể là một diễn đàn tốt để đề cập việc này.

03/04/2016 07:47

Ngày 2/4, người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron cho biết nhà lãnh đạo Anh muốn nước này và Trung Quốc cùng làm việc với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng thừa trong ngành thép và ông nghĩ rằng Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại châu Á trong năm nay có thể là một diễn đàn tốt để đề cập việc này.

Thủ tướng Cameron đã trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo cùng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về An toàn hạt nhân vừa bế mạc tại Washington (Mỹ), trong bối cảnh ngành công nghiệp thép ở Xứ sở Sương mù đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng bởi quyết định của Tập đoàn thép Tata (Ấn Độ) bán toàn bộ doanh nghiệp tại Anh sau gần một thập kỷ hoạt động. Nguyên nhân là chi phí cao và sự cạnh tranh khốc liệt của thép giá rẻ Trung Quốc.

Tại Anh, Tata tuyển dụng 15.000 công nhân thép và nếu tính cả lực lượng lao động liên quan thì số việc làm có thể bị tác động bởi việc Tata đóng cửa nhà máy có thể lên tới 40.000. Hiện Chính phủ Anh đang gấp rút tìm đối tác có thể mua lại các nhà máy của Tata nhưng tình hình hiện tại là "chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm."

Các nhà sản xuất thép tại Anh phải trả chi phí năng lượng và thuế xanh cao hàng đầu thế giới, nhưng chính phủ cho rằng vấn đề cốt lõi đe dọa ngành thép nước này chính là sự sụt giá thép trên thị trường toàn cầu, xuất phát từ sản lượng thép dư thừa lớn của Trung Quốc.

Số liệu của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cho biết tổng công suất thép của nước này ước tính 1,2 tỷ tấn và còn có thể tăng hơn nữa trong năm nay.

Một số nước sản xuất thép chỉ trích rằng Trung Quốc đang ráo riết vận chuyển sản phẩm thép dư thừa ra nước ngoài và bán chúng với giá thấp không chính đáng.

Năm 2015, lượng thép mà Trung Quốc xuất khẩu được là 112 triệu tấn, cao hơn gấp 10 lần sản lượng thép cả năm của Anh. Theo Cục thống kê Thép quốc tế, Anh đã nhập 826.000 tấn thép của Trung Quốc năm 2015, tăng hơn gấp đôi so với con số 361.000 tấn hai năm trước đó.

Trong một diễn biến khác cho thấy thêm khó khăn mà ngành thép Anh đang phải đối mặt, báo chí Anh cuối tuần này cũng đưa tin nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc là Tập đoàn Baosteel dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 20% trong năm nay.

Bất chấp việc Trung Quốc đang cố gắng giảm bớt sản lượng thép để tránh những chỉ trích ngày càng tăng về việc phá giá, Tập đoàn Baosteel cho biết đã sản xuất 22,6 triệu tấn thép thô trong năm 2015 và có khả năng tăng sản lượng lên 27,1 triệu tấn trong năm nay.

Ngày 1/4, Trung Quốc cũng thông báo sẽ áp đặt mức thuế 46% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu, bao gồm cả thép công nghệ cao nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU)./.