Âm mưu thủ đoạn chống phá Đảng trong lĩnh vực đạo đức

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phản động càng ra sức, ráo riết chống phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có đạo đức. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng trên lĩnh vực đạo đức, qua đó nêu ra một số giải pháp đột phá đấu tranh phòng ngừa có hiệu quả là vấn đề có ý nghĩa quan trọng.

20/11/2020 08:23

Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phản động càng ra sức, ráo riết chống phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có đạo đức. Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng trên lĩnh vực đạo đức, qua đó nêu ra một số giải pháp đột phá đấu tranh phòng ngừa có hiệu quả là vấn đề có ý nghĩa quan trọng.


“Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là trong tình hình hiện nay diễn ra hết sức phức tạp, vẫn là một trong những nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra. Âm mưu, thủ đoạn của chúng thực hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong lĩnh vực đạo đức cũng vậy, tính chất cũng hết sức tinh vi, xảo quyệt và nguy hiểm. Có thể nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng trong lĩnh vực đạo đức, lối sống ở cán bộ, đảng viên trước thềm Đại hội XIII của Đảng trên một số nội dung sau đây:

Thứ nhất, các thế lực thù địch bằng nhiều thủ đoạn ra sức phá hoại nền tảng tư tưởng đạo đức của Đảng.

Nền tảng tư tưởng đạo đức của Đảng là hệ tư tưởng, bản chất cách mạng và mục tiêu lý tưởng của Đảng. Trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh;… Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam”(1).

Chính vì vậy, các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc, chống phá. Chúng xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của Đảng ta, cho rằng Đảng không vì lợi ích của nhân dân, do đó cán bộ, đảng viên mới suy thoái về đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, nhũng nhiễu nhân dân. Qua đó, sẽ chệch phương hướng và mục tiêu lý tưởng chiến đấu, phai nhạt bản chất giai cấp công nhân, trượt sang chính trị tư sản. Thực chất đó là phá bỏ nền tảng đạo đức cách mạng của Đảng.

Cần khẳng định rõ nền tảng đạo đức của Đảng là hệ tư tưởng, bản chất, mục tiêu lý tưởng của Đảng. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, nhân dân ta giành được chính quyền, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc, với mục đích duy nhất là giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc, giải phóng nhân dân khỏi mọi áp bức, bóc lột, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Đó là đạo đức của Đảng ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích gì khác”(2). Là một Đảng chân chính cách mạng, Đảng trung thành tuyệt đối với lợi ích của giai cấp công nhân, của toàn thể dân tộc và nhân dân Việt Nam. Điều đó vừa thể hiện sâu sắc giá trị lý luận và thực tiễn về công tác xây dựng Đảng; vừa thể hiện một cách đúng đắn và nhuần nhuyễn tính giai cấp, tính tiền phong, trí tuệ và đạo đức trong công tác xây dựng Đảng. Đồng thời, đó còn là tư tưởng chỉ đạo để Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên hành động đúng tôn chỉ, mục đích của Đảng, làm cho Đảng ta thực sự là đội tiên phong, gắn bó mật thiết với nhân dân, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Đó là giá trị đạo đức của Đảng ta.

Thứ hai, các thế lực thù địch đã khuếch trương những hạn chế, khuyết điểm trong bộ máy Đảng, Nhà nước làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên dao động, thiếu tin tưởng, tha hóa về đạo đức, lối sống.

Chúng tìm mọi cách để cổ súy một số cán bộ, đảng viên nhìn nhận đạo đức cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa sai lệch, chỉ thấy tiêu cực, mặt xấu, không thấy những giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp của dân tộc, của cách mạng. Qua đó, làm mất dần cái tốt, cái tiến bộ, làm tăng dần cái xấu, cái lạc hậu, làm chậm lại quá trình phát triển dẫn đến sự yếu kém, hư hỏng, thoái hóa, biến chất của chính bản thân con người và tổ chức về đạo đức, lối sống. Do suy thoái cho nên, những cán bộ, đảng viên này đổ lỗi cho đạo đức, lối sống truyền thống của dân tộc.

Thứ ba, các thế lực thù địch cổ súy, du nhập lối sống tư sản vào một bộ phận cán bộ, đảng viên làm cho họ tha hóa về đạo đức, lối sống.

Các thế lực thù địch ra sức cổ súy, du nhập lối sống buông thả, ngại học tập, phấn đấu, rèn luyện vào một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền. Qua đó, làm cho họ tha hóa; có cán bộ, đảng viên “sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”(3). Những cán bộ, đảng viên như vậy thường ngại rèn luyện, phấn đấu, lười suy nghĩ, lười học tập; luôn tìm cách để hình thành “cơ chế ngầm”, “cánh hẩu”, bảo vệ, bao che khuyết điểm cho nhau, trù dập những người thẳng thắn đấu tranh phê bình, những người bảo vệ công bằng, bình đẳng, bảo vệ sự nghiệp và lý tưởng cách mạng. Họ du nhập, sống theo lối sống tư sản, coi thường lẽ phải, đạo lý; bắt chước, học đòi coi đó như là “mốt thời thượng”. Những điều đó đã dẫn đến suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Thứ tư, các thế lực thù địch thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ làm tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Từ chỗ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ làm tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên dẫn đến những vi phạm kỷ luật cơ quan, cao hơn là vi phạm pháp luật của Nhà nước; cổ súy lối sống thực dụng; khuyến khích làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm trong bộ máy để xuyên tạc, kích động...

Thứ năm, các thế lực thù địch thúc đẩy suy thoái về tư tưởng chính trị làm cho suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trầm trọng hơn.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XI nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”(4). Đây là mức độ rất nguy hiểm của suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay. Vì vậy, các thế lực thù địch ra sức thúc đẩy suy thoái về tư tưởng chính trị làm cho suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trầm trọng hơn.

Thứ sáu, các thế lực thù địch bóp méo, xuyên tạc các mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, với quân đội để làm suy thoái các quan hệ đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Mục đích của chúng nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với xã hội và thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Các thế lực thù địch xuyên tạc mối quan hệ trong nội bộ quân đội, rằng quan hệ cấp trên - cấp dưới, cán bộ - chiến sĩ đã “không còn như trước nữa, vì mức sống đã quá chênh lệch”, rằng cán bộ, sĩ quan “chỉ biết lo cho bản thân”; chúng triệt để lợi dụng khuyết điểm, hạn chế, những hiện tượng tiêu cực ở một số ít cán bộ, chiến sĩ để xuyên tạc mối quan hệ máu thịt quân - dân; rêu rao “quân đội không còn gần gũi, gắn bó với nhân dân nữa”; đã “không thực hiện đúng” nhiệm vụ bảo vệ nhân dân, “chỉ lo bảo vệ Đảng, Nhà nước”. Các thế lực thù địch cố tình làm biến dạng, méo mó bản chất các mối quan hệ của quân đội. Đây là một điểm mấu chốt để cổ súy cho suy thoái đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Nhằm chia rẽ Đảng với quân đội, các thế lực thù địch cố tình cắt xén nội hàm phẩm chất trung thành của quân đội ta, đối lập sự trung thành với Đảng, với nhân dân và dân tộc. Chúng đưa ra luận điệu: Quân đội “không cần dựa vào hệ tư tưởng nào”, “không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng chính trị nào”, đồng thời xuyên tạc, bóp méo nhiều giá trị đạo đức cách mạng với mục đích gây “nhiễu loạn” về nhận thức dẫn đến tha hóa về tư duy, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Những âm mưu, thủ đoạn nêu trên của các thế lực thù địch tạo ra những mối nguy hiểm khôn lường, đồng thời khiến cho chúng ta gặp nhiều khó khăn trong quá trình nhận biết và đưa ra các giải pháp đấu tranh phòng, chống.

Chúng ta khó “nhận mặt chỉ tên” cụ thể đâu là “diễn biến hòa bình”, đâu là suy thoái đạo đức, lối sống và đâu là hạn chế, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên. Sự khó khăn này dễ dẫn đến lúng túng trong xác định quan điểm, nội dung, biện pháp đấu tranh, sao cho đúng và trúng, cũng như trong thực tiễn tổ chức đấu tranh, ngăn ngừa.

Để đấu tranh phòng ngừa có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng trong lĩnh vực đạo đức, lối sống ở cán bộ, đảng viên, các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận rõ âm mưu, thủ đoạn, mức độ nguy hiểm của các thế lực thù địch chống phá Đảng trong lĩnh vực đạo đức, lối sống ở cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Qua đó, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; luôn kiên định vững vàng nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; không dao động trước mọi âm mưu, thủ đoạn, trước sự tác động của tình hình và những thông tin sai trái, xuyên tạc, xấu độc, trên các trang mạng xã hội.

Triển khai thực hiện thực chất, hiệu quả các nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.

Hai là, chủ động ngăn chặn, khắc phục có hiệu quả những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Các cơ quan, đơn vị cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; thực hiện tốt tự phê bình và phê bình; đề cao tính nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt. Kiên quyết ngăn chặn, khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tình trạng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị.

Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giữ vững kỷ cương, giữ nghiêm kỷ luật; xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, để tăng “sức đề kháng”, nâng cao khả năng tự bảo vệ của mỗi cán bộ, đảng viên và từng cơ quan, đơn vị.
Từng cán bộ, đảng viên phải biết tự bảo vệ mình, nâng cao trình độ, năng lực, tình cảm và lập trường cách mạng, bản lĩnh chính trị trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Không vì lý do nào đó mà “vô tình” hay “cố ý” phai nhạt mục tiêu, lý tưởng của Đảng rơi vào suy thoái đạo đức, lối sống.

Ba là, xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong từng cơ quan, đơn vị. Trọng tâm là nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong từng đảng bộ; thực hiện có chất lượng Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và các chủ trương, quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, giải quyết các mối quan hệ và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.

Hiệu quả phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống phụ thuộc vào sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức đảng. Sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là của cấp ủy và người đứng đầu có vai trò, tác động rất to lớn đến ý thức tu dưỡng, rèn luyện của đảng viên và quần chúng.

Bốn là, thường xuyên trau dồi, nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Kiên quyết đấu tranh chống những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch. Gắn việc nâng cao bản lĩnh chính trị với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả.

Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức tự lực, tự cường, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tích cực tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị bằng các hành động cụ thể, thiết thực.

Chủ động nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh, khắc phục suy thoái đạo đức, lối sống ở cán bộ, đảng viên là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị - mọi tổ chức, lực lượng, cơ quan, đơn vị - nhằm tạo lên sức mạnh to lớn và “bức tường thành” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.



____________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Lưu hành nội bộ), H, 2020, tr.60, 19.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.11, tr.604.
(3) (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2012, tr.22, 22.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.293.