6 điểm đáng quan tâm về TPP

TPP thực chất là hiệp định thương mại tự do giữa 2 trong số 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

06/10/2015 09:44

TPP thực chất là hiệp định thương mại tự do giữa 2 trong số 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nikkei dẫn nguồn thạo tin cho biết, 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tối nay 5/10 theo giờ Việt Nam đã đạt được thỏa thuận cuối cùng. Tờ Trade Insider của Mỹ nhấn mạnh, đây là thỏa thuận cuối cùng chứ không phải thỏa thuận về mặt nguyên tắc.

TPP là hiệp định đàm phán giữa 12 quốc gia chiếm 40% GDP toàn cầu. Được ký kết, đây sẽ là hiệp định thương mại lớn nhất hành tinh trong vòng 20 năm qua.

Financial Times đã đưa ra 6 điều đáng lưu ý về TPP.

1. TPP mang tính chất địa chính trị hơn là thiên về thương mại

TPP được coi là xương sống kinh tế trong chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc. TPP cũng được kỳ vọng viết lại quy tắc cho kinh tế toàn cầu thế kỷ 21 từ dòng chảy dữ liệu xuyên quốc gia cho đến cách thức cạnh tranh của các doanh nghiệp quốc doanh trên trường quốc tế.

“Chúng ta có thể thúc đẩy tăng trưởng thông qua thương mại với những chuẩn mực cao hơn. Và đó chính là thứ mà chúng ta đang làm thông qua TPP, hiệp định này sẽ mở cửa các thị trường đồng thời bảo vệ quyền của người lao động, bảo vệ môi trường để tăng trưởng bền vững”, ông Obama nói.

2. Trung Quốc không tham gia nhưng sẽ góp mặt trong tương lai

Trước kia, TPP được cho là động thái của Mỹ nhằm kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc, nhưng quan điểm này đã có chiều hướng thay đổi những năm gần đây. Trung Quốc cho biết đang theo dõi tiến triển của TPP sát sao. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cho rằng sự hứa hẹn thực sự của TPP nằm ở việc mở cánh cửa để các nước khác tham gia, đặc biệt là Trung Quốc.

Hiện 12 nước tham gia đàm phán gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác có ý định gia nhập như Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan, Colombia.

3. TPP thực chất là hiệp định thương mại tự do giữa 2 trong số 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới

Mỹ và Nhật Bản trước đó chưa từng ký kết bất cứ một hiệp định thương mại song phương nào. Tuy nhiên, khi Nhật Bản tham gia đàm phán TPP năm 2013, TPP đã phát sinh thêm các cuộc đàm phán riêng rẽ về mọi thứ từ ô tô, thịt bò đến gạo, thịt lợn.

Điều đó làm dấy lên quan điểm cho rằng TPP thực chất là hiệp định giữa 2 trong số 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiệp định cũng có thể sẽ giúp kinh tế và chuỗi cung của Nhật Bản hội nhập hơn nữa với kinh tế, chuỗi cung Bắc Mỹ.

4. Đây được coi là thắng lợi lớn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhiều lần khẳng định, TPP sẽ giúp Nhật Bản hoàn thiện các cải cách cơ cấu kinh tế cần thiết, thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng kinh tế.

Do đó, thành công của TPP có thể coi là thắng lợi đối với ông Abe trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm 1,2% trong quý II, và có nguy cơ suy thoái kỹ thuật trong quý III.

5.TPP vẫn còn gây nhiều tranh cãi

TPP đang trở thành vấn đề nóng gây tranh cãi trong chiến dịch vận động tranh cử ở Canada – một nước thành viên TPP. Trong khi đó, tại Mỹ, Australia và một số nước khác, một điều khoản gây tranh cãi đó là TPP sẽ trao cho các công ty, tập đoàn nước ngoài quyền khởi kiện chính phủ các nước thành viên TPP ra một tòa án/hội đồng xét xử đặc biệt do Ngân hàng Thế giới (World Bank) hoặc Liên Hợp Quốc tổ chức.

Ở Australia, vấn đề này đặc biệt nhạy cảm bởi tập đoàn thuốc lá Philip Morris đã đệ đơn kiện chính phủ nước này vì quy định bắt buộc về vỏ bao thuốc lá căn cứ điều luật đầu tư song phương giữa Australia và Hong Kong.

6. TPP không đề cập đến chế tài đối với quốc gia thao túng tiền tệ

Một trong những vấn đề gây tranh cãi tại Mỹ khi các bên đàm phán TPP đó là có bao gồm điều khoản về thao túng tiền tệ vào hiệp định hay không.

Trong bối cảnh, yên mất giá tạo ưu thế cạnh tranh cho ô tô Nhật Bản, các nghiệp đoàn sản xuất ô tô của Mỹ và những người ủng hộ tại Quốc hội đã hối thúc đưa điều khoản về chế tài đối với các nước thao túng tiền tệ vào TPP.

Tuy nhiên, điều khoản này ít khả năng trở thành một phần chính thức của TPP, song có thể các nước sẽ thảo luận để giải quyết vấn đề này.