12 đại dự án ngành Công Thương: Đã giảm nợ 124 tỷ đồng
18/10/2018 11:27
Ngày 17/10, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết nhiều dự án nằm trong danh sách 12 đại dự án thua lỗ "đắp chiếu" nghìn tỷ đã hồi sinh và có những chuyển biến tích cực.
Nhiều dự án sản xuất kinh doanh trước đây thua lỗ nhưng nay đã có 2 dự án có lãi đó là Nhà máy Gang thép Lào Cai và dự án DAP số 1 Hải Phòng (lãi 147 tỷ đồng).
Bộ Công Thương đã chỉ đạo và áp dụng nhiều biện pháp, cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí để về cơ bản, các dự án được xử lý dứt điểm khó khăn vào năm 2020.
Ông Hưng cũng thông tin về việc Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (PVtex), Nhà máy xăng sinh học Dung Quất, Nhà máy nhiên liệu Bình Phước đã đưa vào vận hành. Sản phẩm sản xuất có chất lượng tốt và đã tiêu thụ được. Dự án bột giấy Phương Nam đã có phương án bán đấu giá.
Vị này cho biết, tổng dư nợ của 12 dự án đã giảm 124 tỷ đồng so với thời điểm 31/1/2018. Bộ Công Thương luôn thực hiện đúng nguyên tắc không sử dụng vốn nhà nước vào dự án mà tôn trọng tính thị trường nên đã giúp giảm nợ và thu hồi cho ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng chưa tính lãi.
"Những khó khăn của 12 dự án này đã tồn tại nhiều năm qua, việc giải quyết rất gian nan, khó nhất là ở việc tranh chấp các hợp đồng EPC khiến việc quyết toán chậm trễ, phải gỡ từng bước", ông Hưng nói.
12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương gồm Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và DAP số 2 - Lào Cai, Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và nhà máy nhiên liệu sinh học ở Bình Phước, Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex), Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên là 43.673 tỷ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó, vốn chủ sở hữu là 14.350 tỷ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay là: 47.451tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.
Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31 tháng 12 năm 2016 là 16.126 tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 55.063 tỷ đồng.