Việt Nam sẽ gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu nhập khẩu?
17/09/2019 09:27
Chậm nhất 9 tháng trước ngày quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu nhập khẩu hết hiệu lực, Cơ quan điều tra sẽ nhận Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kì việc áp dụng biện pháp tự vệ từ các bên liên quan.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa đưa ra thông báo về việc đề nghị các tổ chứ, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kì việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu nhập khẩu.
Cụ thể, trước đó, ngày 31/5/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1931/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam. Thời hạn áp dụng biện pháp là 3 năm kể từ ngày 15/6/2017 – 14/6/2020 nếu không gia hạn.
Theo Luật Quản lí ngoại thương số 05/2017/QH14 qui định, trước khi kết thúc thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ, tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp muốn gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ phải nộp hồ sơ yêu cầu gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ.
Hồ sơ yêu cầu gồm bằng chứng cho thấy ngành sản xuất trong nước đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh cần thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh và việc chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
Đồng thời, theo Nghị định 10/2018/NĐ-CP, chậm nhất 9 tháng trước ngày quyết định áp dụng biện pháp tự vệ hết hiệu lực, Cơ quan điều tra thông báo về việc nhận Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kì việc áp dụng biện pháp tự vệ.
Do đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo của Cơ quan điều tra, tổ chức, cá nhân có quyền nộp Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kì việc áp dụng biện pháp tự vệ.
Phạm vi đề nghị rà soát bao gồm xác định mức độ gia tăng của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng, đánh giá tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất trong nước kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng.
Đồng thời, rà soát những điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng và khả năng ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng nếu chấm dứt việc áp dụng biện pháp tự vệ.