Trung Quốc gần dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu than không chính thức kéo dài hai năm đối với Úc

Sau hơn 2 năm, Trung Quốc đang có động thái chuẩn bị dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu không chính thức đối với than nhiệt và than luyện cốc của Úc cho các nhà máy điện và thép của nước này, trong quá trình mở rộng nguồn cung và giảm sự gián đoạn dòng chảy thương mại sau căng thẳng Nga-Ukraine.

05/01/2023 12:05

Mặc dù thời điểm chính xác của việc dỡ bỏ lệnh cấm vẫn chưa rõ ràng, nhưng được biết ba nhà máy điện quốc doanh của Trung Quốc - China Datang Corp., China Huaneng Group Co., China Energy Investment Corp. - và nhà sản xuất thép China Baowu Steel Group Corp. đã nhận được thông báo từ Chính phủ về việc nhập khẩu than của Úc.

Ủy ban điều tiết và phát triển quốc gia (NDRC) và Bộ Điện lực (MEP) đã tổ chức các cuộc thảo luận vào ngày 3/1/2023 về việc mở lại giao dịch than với Úc. Lệnh cấm này dự kiến sẽ được nới lỏng trên cơ sở từ nguồn khai thác trực tiếp đến người dùng cuối và có thể sẽ không mở rộng cho các mục đích thương mại khác.

Với mức giá hiện tại, nhu cầu than luyện cốc và than nhiệt của Úc là chưa rõ ràng, bên cạnh đó do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và hoạt động mua hàng trước Tết Nguyên đán sắp kết thúc đã ảnh hưởng đến nhu cầu thị trường Trung Quốc.

Trên thị trường than luyện cốc của quốc gia này, giá nhiên liệu nguồn Úc ngang bằng với nguyên liệu có nguồn gốc từ Mỹ, trong khi đó nhu cầu mặt hàng này chưa rõ ràng sẽ hạn chế tác động tức thời của động thái sắp tới của Trung Quốc. Việc cho phép nguồn cung than lớn nhất thế giới từ Úc, vốn chiếm khoảng 30% lượng than xuất khẩu toàn cầu, sẽ đảm bảo Trung Quốc có đủ lựa chọn sau khi căng thẳng Nga-Ukraine trong Quý 1/2022 đã đẩy giá than toàn cầu lên mức cao kỷ lục. Trung Quốc có thể lấy lại vị trí là quốc gia nhập khẩu than hàng đầu của Úc trong dài hạn.

Trung Quốc tăng nhập khẩu than từ các nguồn toàn cầu khác - Mông Cổ, Nga, Mỹ, Canada, Columbia và Indonesia - sau lệnh cấm không chính thức vào tháng 10/2020, khiến giá loại than này tăng lên vào năm 2021. Lệnh cấm cũng khiến khách hàng Trung Quốc chuyển sang sử dụng than trong nước, hầu hết lựa chọn các thỏa thuận dài hạn với các mỏ nội địa để đảm bảo nguồn cung ổn định. Các mỏ nội địa của Trung Quốc cũng sẽ đẩy mạnh sản xuất vào năm 2023, thúc đẩy nguồn cung.

Các thương nhân và mỏ tại Úc đã buộc phải tăng tiêu thụ than tại các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sau lệnh cấm tại Trung Quốc, đồng thời tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Úc đã xuất khẩu 92,1 triệu tấn than nhiệt và than luyện cốc sang Trung Quốc vào năm 2019, và lượng xuất khẩu này đã giảm xuống 70,6 triệu tấn vào năm 2020.

Mặc dù Trung Quốc dự kiến sẽ áp dụng lại thuế nhập khẩu đối với các loại than khác nhau từ ngày 01/4, sau khi nước này tạm thời dỡ bỏ thuế trong một năm (đến ngày 31/3/2023), nhưng dự kiến sẽ miễn trừ cho than nguồn Úc, nhằm kích thích nhu cầu than từ quốc gia này.

Trung Đặng